Vì sao Việt Nam nhập khẩu gạo cao kỷ lục?
Lũy kế 9 tháng, Việt Nam đã chi tổng cộng 996 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo. Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong giai đoạn này, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, thu về 4,37 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu tăng 9,2%, trong khi giá trị xuất khẩu tăng mạnh 23,5%.
Bên cạnh sự gia tăng đáng kể về xuất khẩu, Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về nhập khẩu gạo. Đặc biệt trong tháng 9, kim ngạch nhập khẩu gạo tăng hơn 154% so với cùng kỳ, đạt 117 triệu USD. Tổng cộng, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 996 triệu USD để nhập khẩu gạo, tăng 57,3% so với năm trước. Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay, đồng thời vượt xa kim ngạch nhập khẩu 860 triệu USD của cả năm 2023.
Nếu duy trì tốc độ nhập khẩu như trong 2 tháng vừa qua, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta trong năm 2024 có thể lên tới 1,3 tỷ USD.
Một số ý kiến thắc mắc, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới sao lại phải chi lượng tiền lớn để nhập mặt hàng này mỗi năm.
Trên thực tế, các sản phẩm lúa gạo có nhiều phân khúc khác nhau như: gạo để nấu cơm; gạo nguyên liệu để chế biến ra bánh, bún, phở... Do đó, vài năm gần đây, ngoài xuất khẩu, nước ta cũng nhập một lượng lớn gạo để bù đắp trong trường hợp cần thiết; hoặc nhập gạo từ quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ để chế biến thực phẩm, làm phụ phẩm, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu còn phải nhập thêm lúa gạo từ các nước láng giềng để đảm bảo đủ nguồn cung cho các đơn hàng quốc tế vào cuối năm.
Từ năm ngoái đến nay, nhiều thời điểm giá gạo của Việt Nam vượt xa các đối thủ cạnh tranh là Thái Lan và Pakistan.
Thống kê cho thấy, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 9 tháng năm nay ở mức 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo ghi nhận từ các doanh nghiệp, giá gạo nhập khẩu về đến Việt Nam phổ biến trong khoảng 480-500 USD/tấn.
Những năm gần đây, nông dân cũng dần chuyển sang trồng giống gạo thơm, gạo chất lượng cao. Giá những loại gạo này trên thị trường rất cao. Làm bún, phở, bánh tráng chỉ cần gạo dai, nở và giá thấp. Do đó, với khoảng cách chênh lệch lớn giữa gạo trong nước và nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất lựa chọn gạo ngoại nhập có lợi hơn.
Ngoài ra, nguồn cung gạo trong nước hiện không còn nhiều, một số doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng nhập lúa gạo từ các nước láng giềng để trả đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm.
Một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo cho biết, từ giờ đến cuối năm, nước ta chỉ còn vụ thu đông, song là vụ có sản lượng ít nhất trong năm. Điều đó cho thấy, nguồn cung gạo dành cho xuất khẩu không còn nhiều.
Chưa kể, vừa qua có gần 300.000 ha lúa ở các tỉnh miền Bắc bị ngập úng, hư hại do bão số 3. Đây không phải là "vựa lúa gạo” để phục vụ xuất khẩu, song cũng ảnh hưởng lớn tới nguồn cung mặt hàng này tại thị trường nội địa.
Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp tiếp tục tham gia đấu thầu các gói gạo mà Indonesia chào mời thì phải tăng nhập khẩu từ các nước lân cận.
Gạo nhập khẩu không chỉ bù đắp khoảng trống trong phân khúc gạo thấp cấp mà còn có giá rẻ, đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Thế nên, việc nhập khẩu gạo không ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo mà còn giúp giá và kim ngạch gạo Việt Nam ổn định hơn.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-viet-nam-nhap-khau-gao-cao-ky-luc-718474.html