Tránh 'bão' lạm phát, xuất khẩu lại đối mặt rủi ro lừa đảo
Trong khi người tiêu dùng Mỹ, EU cắt giảm chi tiêu vì lạm phát tăng cao, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã chuyển hướng sang các thị trường châu Phi, Trung Đông… Nhưng nếu không cẩn thận, doanh nghiệp Việt sẽ dễ sa vào những 'bẫy' lừa đảo khó lường.
Trong bối cảnh sụt giảm đơn hàng ở thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản…, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã phát triển thị trường ở khu vực Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông – đặc biệt nhiều DN dệt may đã bắt đầu chuyển sang sản xuất rất nhiều quần áo phục vụ cho người dân theo đạo hồi.
Cuốn theo luật chơi của khách hàng
“Đa dạng hóa thị trường là mục tiêu phải đi được, không có con đường nào khác”, Chủ tịch Vitas nói, nhưng ông cũng nhìn ra rằng, DN dệt may lại đang đứng trước bài toán cực kỳ phức tạp, đó là rủi ro trong thanh toán.
“Trong điều kiện khó khăn, áp lực phải tìm đơn hàng như hiện nay, DN Việt Nam không còn có cơ hội như trước đây là ngồi đàm phán với các nhãn hàng một cách song song, bình đẳng, mà giờ phải chịu theo luật chơi mà họ đặt ra”, ông Giang nói.
Theo đó, Chủ tịch Vitas cho biết nhiều đối tác không sử dụng phương thức thanh toán an toàn như L/C, mà yêu cầu thanh toán bằng chuyển tiền thanh toán với độ trễ từ 30 - 60 ngày, thậm chí đòi thanh toán chậm lên tới 90 ngày, tạo ra rủi ro cực lớn.
Trong tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam đã phát thông tin về vụ việc 5 container hạt điều xuất khẩu của một DN Việt Nam bị Hải quan Algeria thu giữ và bán đấu giá do xảy ra tranh chấp với đối tác, với trị giá lô hàng là 466.900 USD (~11 tỷ VND). DN đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng lô hàng.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, Algeria là một thị trường khá lạ lẫm với DN Việt Nam và được đánh giá không phải là thị trường có nhu cầu tiêu thụ hạt điều ổn định, thường xuyên. DN cần thận trọng với các yêu cầu giao dịch và hồ sơ điện tử mà đối tác gửi; nếu không có điều kiện tìm hiểu trực tiếp thì phải tham khảo, đối chiếu thông tin qua các cơ quan như Thương vụ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để tránh các rủi ro lừa đảo.
Liên quan tới sự việc trên, Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết, đã hỗ trợ công ty Việt Nam sang Algeria làm việc với hải quan cảng Mostaganem, bộ phận bán đấu giá, đại diện hãng tàu CMA-CGM để khiếu nại vụ 5 công điều bị bán đấu giá.
Đáng chú ý, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 63,35 triệu USD, tăng 104,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, các DN Việt Nam đang đẩy mạnh tiếp cận thị trường Algeria.
Dễ sa bẫy lừa đảo
Lý giải điều này, Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết, các mặt hàng mà quốc gia này không hạn chế nhập khẩu là sản phẩm họ không sản xuất được (ví dụ như tiêu, cà phê thô, cá basa, cơm dừa, quế, hồi, hạt điều...), hàng nguyên liệu (gỗ, nhựa, giấy...). Tuy nhiên, Thương vụ cảnh báo rất nhiều thủ đoạn mà các DN có thể gặp phải ở thị trường này.
“Khi có tranh chấp hay gặp vấn đề về thanh toán, DN cần hành động gấp, liên hệ ngay với Thương vụ để được tư vấn, giải quyết, tránh việc hàng để quá lâu tại cảng dẫn đến phát sinh chi phí và Hải quan bán đấu giá. Tại Algeria, hàng nằm tại cảng 4-5 tháng sẽ bị hải quan bán đấu giá sung công quỹ”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, để tìm kiếm khách hàng, DN nên tham dự các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, các hội thảo giao thương trực tiếp, trực tuyến và thông qua hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đề nghị khách cung cấp bản sao scan giấy phép đăng ký kinh doanh mã số thuế, chứng minh thư hay trang có ảnh trong hộ chiếu người đại diện hợp pháp của công ty.
Về phương thức thanh toán, đối với các đơn hàng lớn, nên dùng phương thức như thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng châu Mỹ, châu Âu uy tín; Một phương thức thanh toán khác cũng hay sử dụng là nhờ thu qua ngân hàng (DP at sight) có yêu cầu khách hàng đặt cọc từ 20% trở lên. Trong trường hợp thứ hai này, khi hàng đến cảng Algeria thì ngân hàng mới chuyển tiền hàng cho nhà xuất khẩu; Không nên tin tưởng tuyệt đối vào công ty trung gian mà bỏ qua khâu tìm hiểu khách hàng.
Liên quan tới vấn đề này, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng cho biết, đang hỗ trợ giải quyết một số vụ tranh chấp thương mại, DN Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ khi hàng hóa đã cập cảng Ấn Độ nhà nhập khẩu không thanh toán, không nhận hàng hoặc yêu cầu giảm giá đối với số tiền lớn. Theo đó, Thương vụ khuyến khích DN Việt Nam cần thẩm định kỹ đối tác hoặc thông tin cho Thương vụ trước khi ký kết các hợp đồng thương mại.
Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết, đầu tháng 4/2023, Việt Nam và Israel đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định FTA. Điều này tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam xâm nhập mạnh vào Israel. Mặc dù vậy, DN cần theo dõi sát tình hình diễn biến an ninh chính trị tại các thị trường sở tại để kịp thời cập nhật thông tin phục vụ cho công tác giao dịch, ký kết hợp đồng và vận chuyển hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. DN nên liên hệ trực tiếp với Thương vụ để thẩm tra kỹ tư cách pháp lý của đối tác khi giao dịch kết nối với nhau qua mạng internet.
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn, các chuyên gia nhận định, những rủi ro thương mại quốc tế, tranh chấp đến từ khách hàng nước ngoài đang là những thách thức không nhỏ cho các DN xuất khẩu. “Chưa bao giờ tính an toàn của DN được đặt lên cao như thế này. Do đó, cần nâng cao nội lực, nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa các tranh chấp”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định.