Tranh cãi quy định cho học sinh nghỉ trọn vẹn cuối tuần ở Trung Quốc

Trung Quốc đang thúc đẩy hệ thống cho phép học sinh trung học nghỉ ngơi vào cuối tuần, song nhiều phụ huynh phản đối quy định này khi kỳ thi đại học quốc gia 'sống còn' sắp tới gần.

 Gaokao là kỳ thi tuyển sinh đại học quan trọng tại Trung Quốc, đóng vai trò quyết định tương lai của nhiều học sinh. Ảnh: Reuters.

Gaokao là kỳ thi tuyển sinh đại học quan trọng tại Trung Quốc, đóng vai trò quyết định tương lai của nhiều học sinh. Ảnh: Reuters.

Một ngày học bắt đầu vào lúc 7h30 và kết thúc lúc 21h40. Có hai giờ nghỉ giải lao trong 14 tiếng học căng thẳng - giờ nghỉ trưa kéo dài 2 giờ và giờ nghỉ ăn tối kéo dài 1 giờ. Đây là thời gian biểu học tập của Nian Nian (không phải tên thật), một học sinh trung học năm 2 sống tại thành phố Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây, đông nam Trung Quốc. Song Nian được nghỉ trọn vẹn cả cuối tuần.

Trên lý thuyết, tất cả trường trung học ở Trung Quốc phải áp dụng chế độ "shuangxiu", có nghĩa là nghỉ ngơi gấp đôi, trong bối cảnh các cơ quan giáo dục đang triển khai hệ thống nghỉ ngơi hoàn toàn vào cuối tuần cho học sinh.

Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng vậy. Giữa lúc gaokao - kỳ thi tuyển sinh đại học quan trọng trên toàn quốc - đang đến gần vào tháng 6, nhiều học sinh lớp 12 vẫn chỉ nghỉ một ngày/tuần, hoặc thậm chí hai tuần/lần. Vấn đề này trở thành tâm điểm chú ý và nhận nhiều phản ứng trái chiều, phơi bày những thách thức trong nỗ lực cân bằng phúc lợi của học sinh và thành tích học tập, theo Channel NewsAsia.

Kiệt sức vì học quá nhiều

Trung Quốc triển khai hệ thống một tuần học 5 ngày từ nhiều thập niên trước. Một thông tư năm 1995 của Hội đồng Nhà nước yêu cầu tất cả trường tiểu học và trung học phải thực hiện theo quy định này.

Vào năm 2022, Bộ Giáo dục tuyên bố các trường trung học không được tổ chức học thêm vào cuối tuần. Từ giữa tháng 4, họ công khai phạt một số trường trung học vi phạm quy tắc này. Theo truyền thông địa phương, 3 quản lý trường ở Hà Nam bị cách chức, 4 trường ở Giang Tô bị tước danh hiệu danh dự và một số trường ở Hà Bắc bị loại khỏi danh sách nhận thưởng trong 3 năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường trung học trên khắp Trung Quốc vẫn có các lớp học vào cuối tuần, đặc biệt cho học sinh năm cuối chuẩn bị cho kỳ thi gaokao. "Không có trường nào giống trường nào, ngay cả các trường trong cùng một quận cũng có cách thực hiện khác nhau", Nian cho biết.

 Nhiều học sinh tại Trung Quốc học 14 tiếng/ngày. Ảnh: China Daily.

Nhiều học sinh tại Trung Quốc học 14 tiếng/ngày. Ảnh: China Daily.

Gaokao vốn được coi là kỳ thi quyết định thành bại tại Trung Quốc. Nếu làm tốt, học sinh có cơ hội vào trường đại học danh tiếng, mở ra con đường sự nghiệp tươi sáng. Ngược lại, nếu thất bại, học sinh bị coi là "hạng hai", với triển vọng đại học và việc làm hạn chế.

Những điều này tạo nên áp lực khủng khiếp với học sinh, phụ huynh và giáo viên. Có 14,4 triệu học sinh Trung Quốc sẽ tham gia kỳ thi gaokao năm 2025, một con số kỷ lục.

Áp lực học tập căng thẳng và giờ học kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu ngủ và thời gian giải trí cho học sinh, thậm chí là kiệt sức về mặt học tập và các vấn đề tâm lý, Liu Changming - chuyên gia đến từ Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc - nhận định.

Theo báo cáo sức khỏe tâm thần năm 2023, hơn 40% học sinh trung học ở Trung Quốc bị trầm cảm.

Phụ huynh "đứng ngồi không yên"

Tuy nhiên, việc các cơ quan nhà nước thúc đẩy chế độ nghỉ cuối tuần trọn vẹn đã dẫn tới tranh luận gay gắt. Học sinh và các nhà giáo dục hoan nghênh động thái này vì học sinh trung học được thực sự nghỉ ngơi.

Yu (không phải tên thật) - 19 tuổi, đến từ tỉnh Quảng Đông - đã tham gia kỳ thi gaokao vào năm 2024. Khi học cuối cấp, Yu chỉ được nghỉ một ngày/tuần. Ngày học kéo dài 12 tiếng là chuyện bình thường.

Có một số bạn vẫn tới trường để học vào ngày nghỉ. Yu cho biết trong số 55 bạn cùng lớp, trung bình 10 bạn sẽ đến trường học, với lý do học ở nhà không tiện hoặc "đam mê học tập". Yu không nằm trong số đó. Cô nghỉ ngơi tại nhà và thi thoảng tham gia các lớp học trực tuyến.

Trải nghiệm của Yu giống với nhiều câu chuyện chia sẻ trên truyền thông địa phương, khi các học sinh trung học hào hứng với chế độ nghỉ cuối tuần trọn vẹn. "Với nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn vào cuối tuần, giờ đây em tràn đầy năng lượng vào các ngày trong tuần", Long Qianxun - học sinh năm nhất 16 tuổi ở tỉnh Hồ Nam - chia sẻ với China Daily.

 Theo báo cáo sức khỏe tâm thần năm 2023, hơn 40% học sinh trung học ở Trung Quốc bị trầm cảm. Ảnh: Reuters.

Theo báo cáo sức khỏe tâm thần năm 2023, hơn 40% học sinh trung học ở Trung Quốc bị trầm cảm. Ảnh: Reuters.

Giáo viên trung học đã nghỉ hưu Li Shengli cũng ủng hộ mạnh mẽ "shuangxiu".

"Phương pháp này cho phép học sinh nghỉ ngơi hoàn toàn. Nếu học từ thứ 2-thứ 7 mà không nghỉ, các em không có thời gian để thở", người đàn ông 61 tuổi nghỉ hưu vào năm 2024 sau 40 năm giảng dạy chia sẻ. "Theo tôi, việc học hiệu quả hay không phụ thuộc vào tính tự giác của mỗi học sinh".

Khi được nghỉ trọn vẹn vào cuối tuần, ông Li cho rằng học sinh có thể xác định các môn bản thân còn yếu và tìm cách bổ túc. Các em cũng có thể tận dụng thời gian nghỉ giải lao để ôn lại hoặc củng cố những gì đã học trong tuần. "Tôi nghĩ phương pháp này khá tốt. Tôi không hoàn toàn đồng ý với chiến lược học tập đến mức kiệt sức", ông nói.

Nhìn từ quan điểm của phụ huynh, ông Li thừa nhận họ mang nỗi sợ con mình "bỏ lỡ" việc học khi được nghỉ 2 ngày cuối tuần. "Con mình đang thư giãn, nhưng những đứa trẻ khác thì không. Các bậc phụ huynh đều có suy nghĩ đó", ông nói. "Học sinh năm cuối cần nghỉ ngơi, các em ấy cũng muốn được nghỉ ngơi. Nhưng theo quan sát của tôi, vẫn còn nhiều rào cản trong việc loại bỏ lớp học thêm vào thứ 7, và áp lực chủ yếu đến từ các bậc phụ huynh".

Ông Li chia sẻ trong kỳ nghỉ đông, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch Covid-19, sẽ không có lớp học. Tuy nhiên, một số phụ huynh liên hệ với trường để yêu cầu mở các lớp học thêm.

"Là giáo viên, chúng tôi hy vọng các em được nghỉ ngơi", ông Li nói. "Thật đau lòng khi thấy các em kiệt sức... Các em có thể vẫn ngồi trong lớp học, không đùa giỡn và nghiêm túc, nhưng hiệu quả học tập đang giảm mạnh".

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/tranh-cai-quy-dinh-cho-hoc-sinh-nghi-tron-ven-cuoi-tuan-o-trung-quoc-post1555645.html