Tranh cãi quy định 'sinh con có thưởng'

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này, việc thưởng tiền để khuyến khích sinh con là chưa phù hợp, thậm chí có thể dẫn đến trục lợi chính sách.

Hỗ trợ cả tiền và nhà ở

Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Dân số, trong đó đáng chú ý có việc ưu tiên thực hiện các biện pháp khuyến khích cặp vợ, chồng sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh thấp.

Cụ thể, tại tỉnh có mức sinh thấp sẽ được hỗ trợ bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất và ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất thưởng tiền cho cặp vợ chồng sinh con ở vùng tỷ lệ sinh thấp chưa phù hợp ở thời điểm này

Bên cạnh đó, cặp vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập và miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập.

Theo mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo Nghị định 90/2019, mức 4.420.000 đồng/tháng ở vùng I; 3.920.000 đồng/tháng ở vùng II; 3.430.000 đồng/tháng ở vùng III; 3.070.000 đồng/tháng đối với vùng IV.

Dự luật này cũng đề xuất hỗ trợ về nhà ở theo chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho cặp vợ chồng sinh đủ hai con có cam kết không sinh thêm.

Khoản 3 Điều 59 dự thảo cũng bổ sung Khoản 11 Điều 49 Luật nhà ở năm 2014, nhằm để thống nhất quy định này.

Như vậy, khi sinh đủ 2 con, phụ nữ tại các tỉnh vùng I mà có mức sinh thấp có thể được thưởng đến hơn 13.000.000 đồng, cùng đó được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt chính sách khác trong đời sống.

Trong khi đó, đối với các tỉnh có mức sinh cao, dự thảo quy định sẽ miễn phí sử dụng các biện pháp tránh thai bao gồm cả phương tiện tránh thai cho người có nhu cầu tránh thai.

Hỗ trợ người cung cấp dịch vụ kỹ thuật tránh thai từ tuyến trên xuống tuyến dưới tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cộng tác viên dân số, người vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện biện pháp tránh thai lâm sàng.

Hiện có 21 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kiên Giang... đang có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế (dưới 2 con/bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ).

“Chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại”

Luận bàn về nội dung này, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trương Xuân Cừ cho rằng, ở thời điểm này, đề xuất thưởng cho người sinh con thứ 2 như trong dự thảo là hơi sớm.

Ông Cừ cho biết, tuy hiện nay chúng ta có hiện tượng chững lại về tăng dân số và già hóa dân số rất nhanh, nhưng quy mô dân số của Việt Nam vẫn rất lớn so với diện tích đất nước, so với tổng sản phẩm GDP. Nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội liên quan khác cũng khiến đề xuất trên chưa thích hợp.

Phụ nữ cần được chia sẻ công việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em của các ông chồng, của gia đình, của xã hội và của Nhà nước một cách thực chất thì mới giải quyết được chuyện nhu cầu sinh thêm hay không.
Hơn nữa, chính sách lại phân vùng, chỉ những người ở vùng có tỷ lệ sinh thấp mới được thưởng, còn ở những vùng sinh cao không khuyến khích. Như vậy, mục đích là chỉ kích thích tăng dân số theo địa giới, cơ học, không khả thi.
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội

“Việc thưởng cho người sinh con thứ 2 như có thể tính toán đặt ra nhưng chưa phải thời điểm bây giờ. Nếu có, cũng phải hết năm 2025”, ông Cừ nói.

Theo ông Cừ, hiện nay, việc sinh con thứ 2 chững nhất vẫn chủ yếu ở TP.HCM và một số vùng của Hà Nội.

Còn ở những vùng sâu, vùng xa, số phụ nữ sinh 4 - 5 con vẫn còn nhiều.

“Sau này, nếu có đặt ra vấn đề hỗ trợ hay tiền thưởng thì cũng xác định chỉ thí điểm và ở một số địa bàn nhất định và trên cơ sở đó sẽ tính toán để triển khai tiếp. Bởi thực tế, khi chúng ta nới lỏng cho các hộ gia đình tùy theo các điều kiện về kinh tế, công việc cho phép sinh con thứ 3, thì có một dạo tỷ lệ sinh rất cao.

Cho nên, giờ phải thận trọng”, ông Cừ nói và cho rằng, thời điểm có thể đưa ra đề xuất này cần phải dựa vào căn cứ vào sự phát triển của kinh tế. Hiện nay quy mô dân số của chúng ta đứng 15 trên thế giới, trong khi tiềm lực kinh tế đứng khoảng 40, đó là sự bất hợp lý.

Bên cạnh đó, phải tính toán lại nguồn nhân lực về lao động. Hiện nay, tỷ lệ lao động trong độ tuổi vẫn còn rất cao, khoảng 75 triệu người, vẫn rất lớn so với thế giới. Hiện nay chúng ta vẫn đang xuất khẩu lao động, lao động trong nước vẫn thừa nguồn cung.

Cũng bàn về nội dung này, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), chuyên gia về giới tính và sức khỏe cho rằng, chính sách vẫn chưa nhìn ra vấn đề và giải quyết thấu đáo, ngoài ra nếu không quản lý chặt còn tạo ra nhiều kẽ hở.

“Nhìn sang các nước có mức sinh thấp như Đức, Nhật Bản, Nhà nước họ thưởng nhiều lắm nhưng vẫn không kích thích được sinh nở thêm. Các chính sách của các nước về sinh đẻ cũng nhiều hơn so với Việt Nam như phụ cấp cho trẻ, nhà ở, đi học... nhưng người ta vẫn không sinh đẻ”, bà Hồng nói.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, cả xã hội, Nhà nước cần phải làm sao việc sinh con không tạo ra gánh nặng cho người phụ nữ, khi ấy họ mới an tâm sinh đẻ. Khi ấy, người phụ nữ mới có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình sau khi sinh mà không bị gánh nặng con cái cản trở họ.

Khó khả thi

Theo GS. TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), việc tặng tiền khó khả thi vì “ngân sách khó đảm bảo”. Trong khi đó, quỹ nhà ở hiện nay hầu như đều do các tập đoàn, công ty tư nhân thực hiện nên càng khó hỗ trợ nhà ở xã hội. “Về lâu dài cần có chiến lược thích nghi xu hướng giảm sinh, thay thế số lượng bằng chất lượng”, ông Cử nêu ý kiến.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tranh-cai-quy-dinh-sinh-con-co-thuong-d532308.html