Tranh cãi tại Na Uy về nguồn cung cấp khí đốt mới
Phe đối lập cánh tả cho rằng kế hoạch tăng cường khai thác khí đốt của Na Uy nhằm giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga là một sai lầm 'chiến lược'.
Theo Politico.eu, Chính phủ Na Uy mới đây cam kết sẽ giúp châu Âu giảm phụ thuộc với khí đốt của Nga, nhưng điều này đang gây ra một cuộc tranh cãi chính trị khi phe đối lập phản đối mở rộng thăm dò khí đốt.
Các nước EU đã lên kế hoạch sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga "trước năm 2030" và áp lực đang gia tăng nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu khí đốt của Nga trong vòng trừng phạt mới.
Điều này sẽ để lại một khoảng trống lớn cần lấp đầy: Năm 2021, EU nhập khẩu 155 tỷ mét khối (bcm) khí đốt của Nga, chiếm khoảng 40% lượng tiêu thụ. Khối đang đặt mục tiêu thúc đẩy năng lượng xanh càng nhanh càng tốt, nhưng cũng sẽ phải tìm các nguồn khí đốt khác.
Các nhà lãnh đạo EU đang tìm kiếm nhiều nguồn cung khí đốt hơn ở Trung Á, Trung Đông và châu Phi, nhưng nhà cung cấp gần nhất và ít có vấn đề nhất về mặt chính trị là Na Uy. Một dấu hiệu ban đầu của điều đó là Đường ống Baltic nối Ba Lan với các mỏ khí đốt ở Biển Bắc của Na Uy sẽ giúp thay thế lượng khí đốt 10 bcm mà Ba Lan nhập khẩu từ Nga - dòng chảy mà công ty Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp vào tháng trước.
Đối với Na Uy, nhà xuất khẩu khí đốt lớn thứ ba thế giới, điều đó tạo ra một cơ hội. Việc thúc đẩy khai thác khí đốt trong ngắn hạn có vẻ như là có lợi cho Na Uy, giúp tăng lợi nhuận, trong khi cho phép chính phủ nước này lập luận rằng đang giúp làm giảm nguồn thu ngoại tệ của Điện Kremlin.
Nhưng Chính phủ Na Uy cũng tranh luận rằng họ sẽ phải mở rộng việc khoan và khai thác các mỏ khí đốt mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Lars Haltbrekken, người phát ngôn về năng lượng và khí hậu của Đảng Xã hội cánh tả đối lập, cho biết đó là một nỗ lực không phù hợp khi sử dụng cuộc xung đột ở Ukraine để thúc đẩy khai thác nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn.
Theo Haltbrekken, vào thời điểm những nguồn cung cấp năng lượng mới có sẵn - trong vòng 15 đến 20 năm - nhiều quốc gia sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và tránh xa nhiên liệu hóa thạch, vì vậy việc "tìm kiếm nhiều khí đốt hơn sẽ là một sai lầm chiến lược".
Sự phản đối của Đảng Xã hội có thể sẽ làm chậm lại - hoặc thậm chí ngăn chặn - các kế hoạch dự kiến của Chính phủ Na Uy về khai thác các mỏ khí đốt mới ở các vùng biển dưới đáy biển của nước này, vốn trước đây chưa được khai thác ở những nơi như Biển Barents. Chính phủ thiểu số Na Uy hiện dựa vào sự hỗ trợ của 13 nghị sĩ Đảng Xã hội cánh tả để Quốc hội có thể thông qua được ngân sách.
Đối với châu Âu, mâu thuẫn chính trị ở Na Uy là một dấu hiệu ban đầu cho thấy nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga - và tìm các nguồn cung cấp khác - có thể khó khăn hơn dự đoán.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy Amund Vik khẳng định nước này vẫn là một đối tác đáng tin cậy và có thể đóng vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng đang được định hình lại của châu Âu.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức thực tế đối với việc tăng cường cung cấp cho châu Âu, vì các mỏ khí đốt của Na Uy đã sản xuất ở mức tối đa công suất. Năm ngoái, khí đốt của Na Uy đã đáp ứng 1/4 nhu cầu tiêu thụ của châu Âu, với nhà điều hành đường ống quốc gia Gassco cho biết họ cung cấp hơn 113 bcm.
Nikoline Bromander, nhà phân tích của công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Oslo, dự báo rằng Na Uy sẽ tăng sản lượng tổng thể trong năm nay lên 126,5 bcm.
Nhưng có mối lo ngại rằng khối lượng cao hơn đó khó có thể được duy trì. Sản xuất bị ảnh hưởng bởi việc ngừng hoạt động thường xuyên để bảo trì. Một số mỏ khí đốt của Na Uy - bao gồm cả mỏ Troll khổng lồ dưới Biển Bắc - cũng được cho là sẽ bước vào giai đoạn suy giảm trong thập kỷ tới.
Điều đó có nghĩa là ngay cả khi Chính phủ Na Uy chấp thuận thăm dò mỏ mới, thì những phát hiện này cũng khó có thể nhanh chóng bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng từ các mỏ hiện tại.
Helge André Martinsen, nhà phân tích thị trường dầu khí của ngân hàng DNB tại Oslo, cho biết: “Sẽ là một thách thức để tăng sản lượng khí đốt từ Na Uy theo bất kỳ cách nào đáng kể trong vài năm tới, vì Na Uy không có cơ sở hạ tầng hoặc mỏ khí đốt để hỗ trợ”.
Trong khi đó, phản ứng chính trị đang khiến ngành dầu khí nước này chịu thêm áp lực. Năm ngoái, Đảng Xã hội đã đạt được thỏa thuận với chính phủ rằng một số hình thức thăm dò mới sẽ bị hoãn lại cho đến ít nhất là năm 2023. Đảng này đang chuẩn bị đẩy mạnh chiến dịch để gia hạn và mở rộng thỏa thuận đó, cho rằng Na Uy cần tập trung nhiều hơn vào các dự án tái tạo như năng lượng gió và làm cho các hệ thống năng lượng hiện có hiệu quả hơn.
Chương trình của đảng Xã hội nêu rõ: “Trong 50 năm, Na Uy đã xuất khẩu dầu và khí đốt, và do đó đã góp phần vào việc phát thải khí nhà kính toàn cầu. Na Uy có trách nhiệm lịch sử là vừa cắt giảm khí thải ở Na Uy, vừa góp phần giảm phát thải trên phạm vi quốc tế - một trong những biện pháp quan trọng nhất là ngừng tìm kiếm thêm nguồn dầu và khí đốt mới”.