Tranh cãi về phim Hollywood

Một nghiên cứu chỉ ra hầu hết phim từ năm 2013 không nhắc đến vấn đề gây nhức nhối xã hội nên khó kết nối với khán giả. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đã phản bác.

Theo SCMP, nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia cho thấy nhiều tựa phim Hollywood trong thập kỷ qua không phản ánh sâu vấn đề xã hội, cụ thể là cuộc khủng hoảng và biến đổi khí hậu (nhiệt độ toàn cầu nóng lên, băng tan, nước biển dâng cao...) đang diễn ra.

Điều này được cho là khiến nội dung phim khó kết nối với khán giả và làm ảnh hưởng lớn đến thành công cuối cùng của phim.

Trong 250 phim từ năm 2013 đến nay, phần lớn phim thất bại trong quá trình kiểm tra "thực tế về khí hậu". Bài kiểm tra rất đơn giản. Các chuyên gia xem xét liệu một bộ phim có lồng ghép đề tài về khí hậu hay không, và liệu nhân nhân vật trong phim có ý thức được điều đó không.

Kết quả của nghiên cứu

Edward Maibach, giáo sư tại Đại học George Mason và giám đốc trung tâm truyền thông về Biến đổi khí hậu, nhận định: "Để vượt qua bài kiểm tra, ít nhất một nhân vật chính hoặc phụ (không phản diện) phải trực tiếp bày tỏ mối quan ngại về biến đổi khí hậu và hỗ trợ hành động của chính phủ hoặc doanh nghiệp để đối phó với vấn đề".

Kết quả, chưa đến 10% trong tổng 250 phim vượt qua bài kiểm tra. Đối với các phim "thoát nạn", dưới 4% phim nhắc tới biến đổi khí hậu từ 2 cảnh trở lên.

Matthew Schneider-Mayerson - trưởng nhóm nghiên cứu và giáo sư tại Colby College ở bang Maine (Mỹ) - nói các phim hiện nay chỉ tập trung vào kỹ xảo, xây dựng tình tiết phi lý đến ngớ ngẩn khiến người xem không khỏi bội thực. Theo chuyên gia, mong muốn của khán giả là "thấy thực tế cuộc sống được phản ánh trên màn ảnh", nhưng nhiều phim được sản xuất tại Mỹ không miêu tả thế giới hiện tại.

"Họ chỉ chăm chăm tô vẽ một thế giới trong lịch sử xa xôi hoặc thế giới trong tưởng tượng phong phú của con người - thế giới mà ở đó biến đổi khí hậu không xảy ra", Mayerson phát biểu.

 Chỉ một câu thoại của Jason Momoa đã giúp bộ phim siêu anh hùng vượt qua bài kiểm tra. Ảnh: ET.

Chỉ một câu thoại của Jason Momoa đã giúp bộ phim siêu anh hùng vượt qua bài kiểm tra. Ảnh: ET.

Theo SCMP, kết quả của nghiên cứu khiến giới phim ảnh ngạc nhiên. Những tựa phim tưởng chừng không có cơ hội để chứng minh lại vượt qua bài kiểm tra một cách dễ dàng.

Marriage Story, tác phẩm chính kịch đầy cảm xúc năm 2019 của Noah Baumbach kể về sự đổ vỡ của một mối quan hệ, đã vượt qua bài kiểm tra nhờ nhân vật Charlie Barber (Adam Driver đóng) được mô tả "có ý thức về năng lượng".

Thể loại Whodunnit có Glass Onion: A Knives Out Mystery (2022) và bộ phim kinh dị Midsommar (2019) cũng sở hữu những nội dung rõ ràng về biến đổi khí hậu. Tác phẩm châm biếm Don't Look Up (2021) cũng được thông qua.

Trong khi đó, cảnh nhân vật Aquaman (Jason Momoa) nói với Bruce Wayne (Ben Affleck): "Này, tôi không bận tâm nếu đại dương dâng cao đâu" đã giúp tác phẩm siêu anh hùng Justice League năm 2017 không bị liệt vào 90% phim còn lại.

Nhưng San Andreas (2015), phim xoay quanh thảm họa động đất ở Bờ Tây và tác phẩm nói về loài cá mập siêu bạo chúa The Meg (2018), thì không đạt yêu cầu của bài kiểm tra.

Những tranh cãi

ABC News dẫn lời các chuyên gia tham gia nghiên cứu, nhấn mạnh rằng bài test như cách để khán giả, nhà văn và nhà làm phim đánh giá sự hiện hữu của biến đổi khí hậu trên màn ảnh.

Harry Winer, giám đốc Viện Điện ảnh và Truyền hình Kanbar thuộc trường Nghệ thuật Tisch của Đại học New York, nói nghiên cứu "có giá trị cho mục đích tiếp thị, cung cấp thông tin và tích lũy dữ liệu". Dù không góp công nghiên cứu, ông thấy những con số được công bố đóng vai trò là động lực thúc đẩy sự kết nối giữa khán giả với nội dung về biến đổi khí hậu, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở đời thực.

"Khán giả có xu hướng cởi mở đón nhận hơn khi nghe các nhân vật đối thoại về điều gì tốt và điều gì bất ổn đang xảy ra trong xã hội", Winer nêu ý kiến.

Trả lời tờ Salon, Ann Merchant, phó giám đốc truyền thông tại Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia, đồng tình quan điểm này. Merchant cho rằng cách Hollywood xây dựng những câu chuyện hư vô, bối cảnh tận thế không giúp ích gì cho cộng đồng. Bà nói: "Chúng ta cần những câu chuyện cá nhân sâu sắc hơn về hy vọng, sự thay đổi và sự sống còn".

 Khán giả của Don't Look Up chỉ trích nghiên cứu vì cho rằng nội dung phim không liên quan và cũng không cần nhắc đến biến đổi khí hậu. Ảnh: Los Angeles Times.

Khán giả của Don't Look Up chỉ trích nghiên cứu vì cho rằng nội dung phim không liên quan và cũng không cần nhắc đến biến đổi khí hậu. Ảnh: Los Angeles Times.

Ngoài ý kiến khen ngợi, nghiên cứu vấp phải loạt phản ứng trái chiều từ khán giả và các chuyên gia khác trong ngành khoa học, giải trí. Walt Meier - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia tại CIRES (Đại học Colorado), nói với Salon: "Nghiên cứu thật ngớ ngẩn. Tôi muốn được tiếp xúc và hiểu biết nhiều hơn về biến đổi khí hậu, nhưng tôi không nghĩ sẽ hợp lý nếu bó buộc chuyện đó vào một kịch bản không phù hợp".

Bruce Joel Rubin - biên kịch nổi tiếng từng có tác phẩm thắng giải Oscar - nêu quan điểm tương tự, nói thêm rằng bài kiểm tra chưa thực sự giúp ích và không chứng minh được phim Hollywood có chất lượng tệ.

"Thực tế, rất nhiều phim lồng ghép đề tài môi trường, ví dụ The End We Start From, một tác phẩm sinh tồn ít được biết đến với sự tham gia của Jodie Comer. Đây là bộ phim chất lượng của năm 2023 về biến đổi khí hậu", Rubin cho biết.

Là bậc thầy trong việc xây dựng kịch bản, Rubin nhận định vấn đề biến đổi khí hậu không nên được cài cắm hời hợt ở vài câu thoại nhạt nhẽo mà cần được khai thác mạnh mẽ hơn trong các phim lấy chủ đề này làm trung tâm.

"Sự nóng lên toàn cầu là mối quan tâm hàng đầu của con người và sẽ sớm trở thành câu chuyện trung tâm trong các phim của thời đại chúng ta. Hãy chờ đợi ở các nhà làm phim", ông nói.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tranh-cai-ve-phim-hollywood-post1478393.html