Tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành
Cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, tại Tọa đàm do Ủy ban Quốc phòng và An ninh vừa tổ chức, các đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh và quy định về lực lượng, các cấp cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật cần bổ sung và làm rõ hơn để không chồng chéo và bảo đảm tính thống nhất với các luật chuyên ngành khác.
Cần bổ sung khái niệm “phòng thủ dân sự”
Phòng thủ dân sự là một trong những chế định của Luật Quốc phòng được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 8.6.2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Triển khai Luật Quốc phòng 2018, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 2.1.2019 về phòng thủ dân sự, gồm 5 chương, 43 điều. Cùng với đó, hệ thống pháp luật hiện hành có nhiều đạo luật quy định những vấn đề liên quan đến ứng phó, khắc phục sự cố trong một số lĩnh vực cụ thể như: Luật Đê điều 2006; Luật Phòng, chống thiên tai 2013; Luật Phòng cháy, chữa cháy 2013; Luật Bảo vệ môi trường 2020…
Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Trung tướng Lê Xuân Thành cho biết, thời gian qua, công tác phòng thủ dân sự đã được quan tâm, có bước chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, công tác phòng thủ dân sự vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Cụ thể, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; một số cơ chế, chính sách chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng được với yêu cầu công tác phòng thủ dân sự; còn tồn tại nhiều văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có sự chồng chéo lẫn nhau, chưa phân định rõ ràng về tính chất, mức độ, cấp độ rủi ro.
Vì vậy, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là hết sức cần thiết. Nếu được Quốc hội thông qua, Trung tướng Lê Xuân Thành nhấn mạnh, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để từ đó triển khai các hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhanh chóng đưa mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường. Đồng thời, giúp xác định rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của các bộ và cơ quan ngang bộ, vai trò cơ quan chủ quản trung tâm phối hợp, hiệp đồng của Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.
Đánh giá tổng quát về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Phó Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân, Thiếu tướng Trần Kim Hải cho rằng, về cơ bản, dự luật được xây dựng công phu, có cấu trúc hợp lý, điều chỉnh tương đối hệ thống và toàn diện các vấn đề về nguyên tắc, chính sách, hoạt động phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật nên bổ sung khái niệm “phòng thủ dân sự” vào Điều 2, đồng thời phải tính toán cẩn trọng về đối tượng cũng như những vấn đề cụ thể được đưa vào điều chỉnh trong Luật Phòng thủ dân sự, tránh tình trạng Luật có phạm vi điều chỉnh quá rộng, bao trùm lên các luật khác.
Có cùng quan điểm nêu trên, một số ý kiến tại tọa đàm cho rằng, Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định “phòng thủ dân sự là một bộ phận của hệ thống phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh, phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân”. Với nội hàm quy định như vậy, khái niệm “phòng thủ dân sự” rất rộng, sẽ gây ra sự chồng chéo về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Phòng thủ dân sự với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của hệ thống pháp luật. Điều này cho thấy việc xác định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này là hết sức cần thiết, cần bổ sung trong Điều 2 một khoản định nghĩa rõ ràng và đầy đủ về “phòng thủ dân sự” và quy định này sẽ thay thế quy định tại Điều 13 của Luật Quốc phòng năm 2018.
Làm rõ tên gọi từng cấp của các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy
Liên quan đến lực lượng tham gia phòng thủ dân sự, Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân, Thiếu tướng Phan Xuân Tuy dẫn quy định tại Khoản 2, Điều 42 của dự thảo Luật quy định “lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia” và cho rằng, quy định như vậy thì ngoài lực lượng nòng cốt gồm Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Dân quân tự vệ và lực lượng chuyên trách của các bộ, ngành còn bao gồm lực lượng rộng rãi toàn dân là các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Việc quy định như trên là phù hợp, tuy nhiên thực tiễn cho thấy, việc tổ chức lực lượng tham gia phòng thủ dân sự vào các hoạt động phòng thủ dân sự thường gặp khó khăn do nhận thức về nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể chưa cao. Mặt khác, do thiếu kỹ năng cần thiết khi tham gia hoạt động phòng thủ dân sự nên chưa phát huy hiệu quả tích cực. Do đó, Luật cần quy định cụ thể việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, đồng thời tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết về hoạt động phòng thủ dân sự cho các chủ thể liên quan tham gia.
Bên cạnh đó, các đại biểu lưu ý, đối với quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và lực lượng phòng thủ dân sự được quy định tại Chương III của dự thảo Luật đã cắt, giảm một số điều so với dự thảo Luật lần 1, tuy nhiên tên gọi của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy từ cấp trung ương đến cấp xã quy định vẫn chung chung, chưa cụ thể đối với từng cấp để các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện thống nhất. Thực tế ở một số địa phương hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự thành lập riêng; nhưng có một số địa phương thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành lập chung. Tên gọi cũng khác nhau, không thống nhất. Vì vậy, Luật phải đưa ra tên gọi cụ thể của từng cấp, không nên đưa tên gọi trên cơ sở hợp nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự.
Về lực lượng phòng thủ dân sự, có ý kiến cho rằng, lực lượng của các cấp, đặc biệt tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc từ cấp tỉnh, đến cấp xã hiện nay làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tính chuyên nghiệp chưa cao, nhưng lại phụ trách khối lượng công việc lớn; mặt khác cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng thủ dân sự là Bộ Quốc phòng (Điều 41), cơ quan Quân sự cấp tỉnh, cấp huyện là thường trực của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cùng cấp. Các cơ quan Quân sự cấp tỉnh cần phải biên chế cán bộ chuyên trách để tham mưu, giúp việc thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
Theo chương trình, dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2023). Ghi nhận những ý kiến thảo luận tâm huyết tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng nhấn mạnh, các đề xuất, đóng góp của đại biểu, chuyên gia là cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo cùng Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu, nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện, bảo đảm khi dự thảo Luật được trình Quốc hội xem xét thông qua sẽ khả thi, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.