Tránh 'dàn hàng ngang' trong rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh

Sáng 24-6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm 'Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp'.

Một trong những nội dung nổi bật được nhiều đại biểu đề cập là vấn đề cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, đây là yêu cầu quan trọng, xuyên suốt và cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những chồng chéo, bất cập trong các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường...

VCCI đã kiến nghị 25 điểm chồng chéo, bất cập trong các quy định hiện hành đến các cấp, ngành. Nhiều bộ, ngành đã vào cuộc cùng tham gia rà soát. Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm và đã xây dựng tổ công tác chuyên biệt để xử lý vấn đề này. Một số quy định bất hợp lý đã được sửa đổi hoặc loại bỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, VCCI đã lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, UBND địa phương và tiếp nhận hơn 770 ý kiến phản ánh.

Qua việc rà soát 411 văn bản quy phạm pháp luật về các điều kiện kinh doanh, VCCI đã đưa ra 106 kiến nghị; trong đó, đề nghị sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư... Nội dung chính của hoạt động rà soát tập trung vào 2 nhóm việc gồm quy định về gia nhập thị trường và tổ chức quản lý, hoạt động doanh nghiệp.

“Vẫn còn có 243 ngành nghề trong danh mục kinh doanh có điều kiện, trong đó nhiều ý kiến cho rằng có thể bỏ thêm khoảng 20 ngành nghề nữa. Căn cứ để bãi bỏ là nếu điều kiện kinh doanh đã ban hành không có tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng; là những ngành nghề có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh...”, ông Đậu Anh Tuấn thông tin.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp mong muốn, việc rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh được cải thiện theo hướng kịp thời, cụ thể và có tính đột phá hơn thay vì “dàn hàng ngang”. Mỗi cơ quan quản lý cần nhận thấy áp lực cải cách và tự giác thực hiện tốt trách nhiệm của mình, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/970861/tranh-dan-hang-ngang-trong-ra-soat-loai-bo-dieu-kien-kinh-doanh