Tránh đi vào 'vết xe' đổ
Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030' đang hút sự quan tâm từ cả trong và ngoài nước.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan và 12 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp chặt chẽ trong triển khai Đề án một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, chú trọng đến các thể chế thay đổi, rào cản phải được xóa đi để lồng ghép nhiều chương trình, thực hiện thắng lợi đề án.
Thực hiện đề án, những diện tích làm điểm đầu tiên đã được xuống giống. Đề án không chỉ có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nông dân, doanh nghiệp Việt Nam mà cả các tổ chức quốc tế. Nhưng để đề án không rơi vào "vết xe" của cánh đồng mẫu lớn thì vẫn còn khá nhiều việc phải triển khai.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, qua tuyên truyền, phổ biến, nông dân thấy khi thay đổi (giảm) đầu vào sản xuất mà hiệu quả, thu nhập vẫn tăng, lại kỳ vọng có thêm tiền bán tín chỉ carbon, nên nhiều địa phương, nông dân quyết tâm cao và tham gia đề án rất hồ hởi.
Ngoài kỳ vọng thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon, nhiều tiêu chí sản xuất trong đề án cũng gần giống như mô hình cánh đồng mẫu lớn trước đây đã từng hô hào và được các địa phương ủng hộ. Song các cánh đồng mẫu lớn lại ngày càng teo tóp. Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, tấm gương cho đề án này chính là cánh đồng mẫu lớn đã từng không thành công. Vị chuyên gia này cho rằng, nếu không theo quy trình chặt chẽ thì sẽ không thành công. Bởi, chỉ cần một vài hộ trong hợp tác xã không chấp hành, không theo đuổi sẽ dẫn tới tính lan truyền là hàng loạt các các chủ thể khác sẽ không tiếp tục.
“Thực hiện đề án đòi hỏi phải nêu cao trách nhiệm của các bên tham gia, kể cả nhà sản xuất vật tư nông nghiệp đầu vào, vai trò quản lý của hợp tác xã và địa phương. Nếu có sự buông lỏng sẽ có những diện tích bị chạy theo lợi ích trước mắt mà không tuân thủ. Chính sự không tuân thủ đó đã dẫn tới cánh đồng mẫu lớn không tạo ra được sự đồng nhất. Quan trọng nhất là giải quyết tinh thần hợp tác của người nông dân”, ông Hoàng Trọng Thủy nói.
Nhìn lại thời gian vừa qua, giá lúa lên xuống thất thường, có lúc lên rất cao nhưng xuống cũng quá nhanh, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cũng chia sẻ, khi lợi nhuận cao, nông dân sẽ bỏ qua mọi khuyến cáo trong sản xuất về giảm phân bón, giảm giống… Nhưng khi giá rục rịch giảm, thương lái lại bẻ kèo với nông dân và đây là cái khó cho doanh nghiệp, mặc dù doanh nghiệp đã dự đoán được từ đầu. Để đề án thành công, ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam cho rằng, các bộ, ngành và các địa phương cần xem đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không phải là một đề án riêng biệt. Từ đó, phải rất gắn kết đề án với các chương trình quốc gia như: Thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, chính sách hỗ trợ giữ quỹ đất lúa, bảo hiểm nông nghiệp… Đồng thời, ưu tiên lồng ghép nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu của đề án. Theo ông Bùi Bá Bổng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần thực hiện trách nhiệm theo đề án. Đó là chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo và đây là mắt xích còn yếu nhất hiện nay cần được khẩn trương gia cố. Ông Bùi Bá Bổng cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm thị trường tín chỉ carbon cho sản xuất lúa. Bởi, các tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho thị trường này. Trước khi những những diện tích thí điểm đầu tiên được gieo cấy, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Ngành đã có quy trình và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2024, đề án bắt đầu triển khai trên khoảng 200.000 ha. Qua các vụ sản xuất sẽ rút kinh nghiệm để đề án mở rộng dần và hướng tới mục tiêu 1 triệu ha vào năm 2030. Tự tin với cam kết sẽ cùng nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận ổn định, Tập đoàn Lộc Trời xác nhận sẽ tham gia 365.000 ha trong tổng số 1 triệu ha. Ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ, Lộc Trời đã triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) đạt kết quả 100 điểm hoàn hảo trong 4 năm liên tục (2020 – 2023) cùng với hệ thống sản xuất lúa gạo đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới như: BRCGS, SMETA, HACCP, HALAL…
Với cam kết “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Tập đoàn Lộc Trời phát triển năng lực tổ chức sản xuất nông sản trên quy mô lớn; liên kết với các hợp tác xã và hơn 300.000 nông hộ, xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy trình canh tác nhằm tối ưu hóa, cơ giới hóa các hoạt động mùa vụ, tổ chức thu hoạch và vận chuyển…
Để từng bước giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả gắn với tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm xây dựng, nâng chất hợp tác xã; xem hợp tác xã là chủ lực để liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu vào và đầu ra theo hướng bền vững. Đồng thời, củng cố chất lượng tổ khuyến nông cộng đồng, bởi đây là lực lượng đồng hành hướng dẫn quy trình canh tác, đưa quy trình kỹ thuật đến với nông dân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Bên cạnh các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, đề án hướng tới việc chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa giống, chuẩn hóa quy trình canh tác, chuẩn hóa công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, chuẩn hóa mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Qua đây khắc phục những manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tri thức, khả năng hợp tác,liên kết bền vững của những tổ chức nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp. Để đề án đạt được hiệu quả thực tế trên những cánh đồng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần sự đổi mới linh hoạt, chủ động từ thể chế, các vấn đề mang tính nguyên tắc, đến từng nội dung quản trị, vận hành cụ thể, chi tiết.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tranh-di-vao-vet-xe-do/330210.html