Tránh gây 'bảo hộ ngược', kiến nghị thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT

Luật thuế số 71/2014/QH13 quy định không đánh thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh mặt hàng phân bón, từ đó giảm giá thành sản phẩm cho người nông dân. Thế nhưng sau 8 năm áp dụng, chính sách này đang vô tình đẩy các doanh nghiệp trong nước ở tình thế 'dở khóc, dở cười'.

Đóng gói phân bón thân thiện với môi trường tại Nhà máy phân bón Long Mỹ thuộc Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Đóng gói phân bón thân thiện với môi trường tại Nhà máy phân bón Long Mỹ thuộc Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Bị yếu thế ngay trên sân nhà

Luật Thuế GTGT năm 2008 quy định phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Tuy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2015. Sau 8 năm áp dụng, các doanh nghiệp phân bón của Việt Nam đã đối mặt với không ít khó khăn.

Nguyên do, khi chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT, dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ; doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh khiến giá thành sản phẩm tăng từ 5 - 8%, dẫn đến suy giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Công ty Cổ phần DAP Vinachem cũng đang "lao đao" vì tổng giá trị thuế GTGT không được khấu trừ mỗi năm lên tới khoảng 100 tỷ đồng. Nghịch lý đang diễn ra là công ty sản xuất càng tăng, sản lượng càng lớn, đồng nghĩa chi phí càng cao, giá thành sản phẩm tăng nên, không thể cạnh tranh được với phân bón nhập ngoại.

Ông Lê Ngọc Nhân, Phó Tổng giám đốc Công ty DAP Vinachem cho biết, do mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT, các nguyên liệu đầu vào không được khấu trừ, nên để đảm bảo sản xuất, doanh nghiệp phải cộng phí này vào giá thành, khiến giá bán tăng. Trong khi đó, những doanh nghiệp sản xuất phân bón nước ngoài không phải chịu chi phí này, lại được Nhà nước khấu trừ. Điều này tạo ra sự không bình đằng giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu phân bón.

Theo ông Nguyễn Gia Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT như: Đầu tư nhà xưởng, máy móc, điện, nguyên vật liệu... đều được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất. Do phân bón là mặt hàng không tính thuế nên không được khấu trừ các chi phí GTGT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Từ thực tế đó, buộc các doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản xuất nên giá bán bị đội lên. Trong 8 năm qua, doanh nghiệp đã phải chịu chi phí sản xuất tăng thêm là 1.266 tỷ đồng, trung bình một năm chi phí đội lên từ 130 đến 140 tỷ đồng và mỗi tấn phân bón đã phải gánh thêm chi phí sản xuất là 500.000 đồng.

Việc không chịu thuế GTGT cũng tác động tiêu cực đến cả ngành sản xuất phân bón trong nước. Bởi, các hoạt động đầu tư mới vào công nghệ sản xuất do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí đầu tư, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư công nghệ mới. Như vậy, Việt Nam có nguy cơ trở thành nước có công nghệ sản xuất phân bón lạc hậu.

Lãnh đạo Tổng Công ty Phân bón Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết: Tùy theo tình hình giá nguyên liệu đầu vào mà tổng chi phí tăng lên do không được khấu trừ thuế GTGT là 300 - 370 tỷ đồng/năm. Trong 5 năm (2015 - 2019) tổng số tiền thuế không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của PVFCCo là 1.637 tỷ đồng.

Ngoài những yếu tố nêu trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước còn mất cơ hội thị trường, đó là các doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa vì được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ước tính của Hiệp hội phân bón Việt Nam cho hay, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Đây là con số lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua.

“Lúc áp dụng Luật 71, giá sản xuất phân bón chưa cao. Nhưng hiện tại, sản lượng sản xuất phân bón của Việt Nam đạt 8,5 triệu tấn/12 triệu tấn nhu cầu phân bón trong nước. Với chi phí sản xuất 8,5 triệu tấn phân bón, doanh nghiệp trong nước lại không được khấu trừ đầu vào thuế GTGT nên phải tính vào giá thành sản xuất. Do vậy người nông dân vẫn phải gánh chịu toàn bộ chi phí đó. Trong khi đó, việc không phải nộp thuế đang khiến doanh nghiệp nước ngoài khi nhập khẩu phân bón vào Việt Nam lại có tính cạnh tranh cao hơn, gây phương hại hoạt động sản xuất và tiêu thụ phân bón của doanh nghiệp trong ngành phân bón Việt Nam’, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Kiến nghị thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT

Thuế GTGT của Việt Nam có 4 nhóm đối tượng là: 10%, 5%, 0% và không chịu thuế. Theo một chuyên gia pháp lý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), rất nhiều người nhầm lẫn giữa 0% và diện không chịu thuế. Cả hai đều không có thuế đầu ra, nhưng diện 0% được khấu trừ thuế đầu vào và chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, còn diện không chịu thuế không được khấu trừ đầu vào và áp dụng cho hàng tiêu dùng trong nước.

Hiện nay, với Luật thuế số 71 đang nảy sinh một sự bất công. Cùng một loại hàng hóa, sản xuất trong nước, doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT gián tiếp qua chi phí đầu vào, còn nhập khẩu thì không phải nộp bất kỳ một đồng thuế GTGT nào.

Nếu như trước đây, Việt Nam duy trì thuế nhập khẩu khá cao, lợi thế về thuế GTGT của hàng nhập khẩu này bị thuế nhập khẩu xử lý. Nhưng khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do FTAs, thuế nhập khẩu giảm về không, tác động bảo hộ ngược của thuế gia trị gia tăng này ngày càng lộ rõ.

Ví dụ như mặt hàng phân bón, hàng sản xuất trong nước phải nộp thuế GTGT gián tiếp khoảng 8%, trong khi thuế nhập khẩu của nhiều loại phân bón đã giảm về 0%. Tức là nếu có hai nhà máy phân bón giống hệt nhau đặt tại Việt Nam và Thái Lan, cùng bán hàng hóa trên thị trường Việt Nam, hàng sản xuất trong Việt Nam đang có chi phí thuế cao hơn khoảng 8% so với hàng từ Thái Lan. Mức thuế này khiến các nhà máy sản xuất phân bón trong nước điêu đứng.

Chuyện bảo hộ ngược này xuất hiện ở nhiều mặt hàng không chịu thuế khác như: Nông sản, phần mềm, máy nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và một số loại máy móc, vật tư, thiết bị khác… Mỗi mặt hàng lại có mức độ chênh lệch thuế khác nhau, phụ thuộc vào cấu thành các chi phí đầu vào.

Trước tình hình trên, trong lộ trình xây dựng luật Thuế GTGT, Bộ Tài chính đang đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ "đối tượng không chịu thuế GTGT" như Luật số 71 hiện hành, sang đối tượng chịu thuế GTGT, với mức thuế suất 5%.

Phía VCCI đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc góp ý đối với Dự thảo xây dựng Luật Thuế GTGT (sửa đổi), trong đó kiến nghị cần tiếp tục thu hẹp hơn các mặt hàng không chịu thuế GTGT, tránh "ưu tiên" cho doanh nghiệp nước ngoài và gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Phía VCCI đã đề xuất 4 phương án về đối tượng chịu thuế GTGT. Trong đó, phương án 1 là chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất 5%; phương án 2 chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất 5% hoặc 0%. Theo đó, các mặt hàng có tỷ trọng thuế GTGT chưa được khấu trừ trên 5% thì chuyển về mức 5%, còn các mặt hàng có tỷ trọng thuế GTGT chưa được khấu trừ dưới 5% thì chuyển về mức 0%.

Phương án 3, theo đề xuất của VCCI là chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất khác nhau. Phương án này sẽ khiến các mặt hàng sản xuất trong nước và mặt hàng nhập khẩu chịu chung một mức thuế suất, xóa bỏ toàn bộ việc bảo hộ ngược.

Phương án 4 cho phép doanh nghiệp trong nước chọn phương pháp tính thuế với toàn bộ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước (không thuộc diện xuất khẩu) được phân loại vào hai nhóm với thuế suất 5% và 10%. Theo đó, chuyển toàn bộ hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế sang diện thuế suất 5%; không còn diện hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế.

Dựa trên các ưu nhược điểm của từng phương án, VCCI đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc lựa chọn phương án 3 hoặc phương án 4.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tranh-gay-bao-ho-nguoc-kien-nghi-thu-hep-doi-tuong-khong-chiu-thue-gtgt-20230815144410933.htm