Tranh lá thốt nốt Thoại Sơn - OCOP 4 sao

Cái tên nghệ nhân Võ Văn Tạng (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang) đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Không chỉ đặt nền móng cho tranh lá thốt nốt, người nghệ nhân ấy còn trăn trở làm thế nào để nghề làm tranh từ lá thốt nốt ngày một vươn xa.

Độc đáo tranh lá thốt nốt

“Tôi tập tành làm tranh lá thốt nốt từ năm 1999. Những bức tranh đầu tiên dù không đạt yêu cầu như mong muốn, nhưng là động lực tiếp lửa tôi đến với đam mê. Năm 2003, khi đã nghỉ hưu, được gia đình động viên, tôi lập ra cơ sở làm tranh lá thốt nốt phát triển đến ngày nay. Điểm đặc biệt của tranh lá thốt nốt là bút vẽ không giống như những bức tranh thông thường.

Không dùng cọ, không dùng sơn, chỉ với bút điện (mỏ hàn điện), người thợ phải thổi hồn vào bức tranh - đó là thách thức cho những ai muốn đến với nghề làm tranh lá thốt nốt chuyên nghiệp. Tùy theo độ nóng của bút điện, mà chỗ đốt có màu sắc khác nhau: Đen, nâu, vàng... để tạo thành bức tranh sống động” - nghệ nhân Võ Văn Tạng (81 tuổi) chia sẻ.

Nghệ nhân Võ Văn Tạng

Nghệ nhân Võ Văn Tạng

Kể từ ngày cho ra đời những bức tranh đầu tiên, đến nay, ông Tạng đã thực hiện hàng ngàn tác phẩm với nhiều kích cỡ, đề tài khác nhau. Cùng với tranh chân dung, nghệ nhân Võ Văn Tạng chăm chút vẽ trên lá thốt nốt những cảnh đẹp của An Giang, những điểm du lịch nổi tiếng, như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Di tích văn hóa Óc Eo, đồi Tức Dụp, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư… Năm 2010, ông được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam” và kỷ lục bức tranh “Di chúc Bác Hồ làm bằng lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam”.

Trăn trở với nghề

Không giấu nghề, sẵn sàng chỉ dạy từ những chi tiết nhỏ nhất để mong có người kế thừa nghề làm tranh lá thốt nốt, ông Tạng nhận dạy nghề miễn phí tại cơ sở của mình. Dù có gần trăm người tìm đến học nghề, song chỉ chưa đến 20 người còn trụ với nghề đến bây giờ.

Theo nghệ nhân Võ Văn Tạng, để làm thành một bức tranh lá thốt nốt phải thật kỳ công và qua nhiều công đoạn. Các họa tiết của tranh cần tỉ mỉ, nhấn nhá độ đậm nhạt một cách công phu. Điều này đòi hỏi người thợ không chỉ có năng khiếu, mà còn phải kiên nhẫn, chịu khó và trí sáng tạo. Những người thợ được ông Tạng truyền dạy nghề đều được ông giữ lại làm việc tại cơ sở để có điều kiện phát triển.

Một bức tranh lá thốt nốt mất nhiều thời gian, công sức mới hoàn thành

Một bức tranh lá thốt nốt mất nhiều thời gian, công sức mới hoàn thành

Hiện nay, cơ sở của ông Tạng có 15 lao động lành nghề với mức thu nhập khá ổn định, từ 6 triệu đồng đến hơn 8 triệu đồng/người/tháng. “Sau học nghề, tôi được giữ lại làm việc. Mất mấy tháng, tôi mới quen với bút lửa và vẽ nên những nét đậm nhạt trên lá thốt nốt theo ý muốn. Nhiều người thiếu sự kiên trì, không theo được với nghề. Nhưng khi đã quen rồi sẽ rất say mê, yêu thích, muốn gắn bó với nghề. Với tiền lương hơn 6 triệu đồng/tháng, tôi có nguồn thu nhập khá ổn định. Tôi đang luyện tay nghề để có thể vẽ đường tranh chân dung qua lá thốt nốt” - chị Lê Thị Mỹ Thanh (34 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập) bày tỏ.

Tuy cơ sở không quá lớn, nhưng tranh lá thốt nốt của ông Tạng và các học trò đã mang cảnh đẹp An Giang đi khắp muôn nơi, kể cả nước ngoài. Trăn trở của nghệ nhân Võ Văn Tạng là nguồn nguyên liệu làm tranh không được dồi dào như xưa. Ông cho biết, thời gian gần đây, cây thốt nốt được nhiều người tìm mua dùng làm cảnh trang trí khuôn viên nhà, hay quán nước, trong khi có rất ít lao động trèo cây hái lá thốt nốt.

“Lá thốt nốt làm tranh phải chọn cây có tuổi đời từ 20 năm trở lên. Cây thốt nốt càng lâu năm, càng cao lớn, phải “có nghề” mới leo được. Chưa kể, giá lá thốt nốt cao hơn trước rất nhiều. Trước đây, 1 lá non có giá 1.000-2.000 đồng nhưng nay lên đến 40.000 đồng/lá. Nếu đặt lá thốt nốt, phải mất vài tháng mới có hàng. Để gỡ khó vấn đề này, tôi đã cất nhà kho khoảng 60m2 dự trữ lá thốt nốt. Cứ có nguồn nguyên liệu là tôi nhập về dự trữ. Nguồn lá thốt nốt được dự trữ hiện tại có thể sử dụng cho 2 năm” - ông Tạng nói.

Điểm đặc biệt của lá thốt nốt là không bị mối mọt nên để được lâu dài, màu không bị phai theo thời gian. Tuy vậy, quá trình làm ra bức tranh cũng lắm công phu. Thường thì, một tàu lá thốt nốt qua công đoạn cắt tỉa, chọn lọc chỉ sử dụng được khoảng 20% diện tích lá để làm tranh. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, những bức tranh lá thốt nốt ra đời. Trung bình, một bức tranh lá thốt nốt có giá bán từ 1 đến vài triệu đồng (tùy vào kích thước). Bức tranh lớn nhất ông Tạng từng bán có giá lên đến 40 triệu đồng, chiều ngang 2,5m, chiều cao 2m.

Sản phẩm tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng đã được phân hạng, đánh giá là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020 (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tranh-la-thot-not-thoai-son-ocop-4-sao-a360290.html