Tranh luận nóng ngày mở lại trường vì dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Coivid-19, lãnh đạo nhiều trường đại học đề xuất tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học nhưng vấp phải luồng ý kiến, không thể tiếp tục cho nghỉ học vì không thể biết dịch khi nào mới hết, đặc biệt là sinh viên y khoa có kiến thức phòng chống dịch sẽ là đội ngũ dự bị cho TPHCM nếu thiếu hụt nhân viên y tế trong trường hợp Covid-19 bùng phát.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp giữa Thường trực UBND TPHCM với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học diễn ra ngày 6/3.
Nên sớm đi học để ổn định tình hình
Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Luật TPHCM, từ ngày 2/3, trường đã cho những sinh viên năm cuối đi học trở lại, số còn còn lại vẫn nghỉ. Dự kiến, ngày 16/3 này, các trường đại học tại TPHCM sẽ cho sinh viên đi học trở lại song các trường đang gặp khó cho việc đưa ra quyết định. “Chúng tôi rất mong ý kiến từ lãnh đạo các trường cũng như từ lãnh đạo thành phố để đưa đến quyết định chính xác. Không nên để xảy ra tình trạng sáng thứ 2 đến trường mà tối chủ nhật còn không biết có đi học hay không”, ông Hải ví von.
PGS.TS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đưa ra quan điểm, đứng ở góc độ phòng ngừa dịch bệnh, chúng ta nên thống nhất ngày đi học lại nhằm tạo sự đồng bộ. Theo ông Phi, các trường đại học tự chủ tuy có quyền quyết ngày đi học trở lại của trường mình nhưng quyết định này phải dựa theo thông tin y khoa.
Việc quyết lịch học theo tuần cũng khiến cả trường lẫn sinh viên khó khăn, không chủ động trong công việc lẫn đời sống. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM điều kiện thời tiết tốt tại TPHCM có nhiều thuận lợi trong công tác phòng Covid-19, chúng ta nên nhất trí cho sinh viên đi học lại vào 16/3.
Ông Dũng cho rằng, việc nghỉ học dài ngày đã khiến nhiều trường khó khăn, đặc biệt là các trường tự chủ bởi không người học thì lấy đâu tiền trả lương.
Cùng quan điểm, PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, học trực tuyến chỉ cung cấp cho các em lý thuyết, không thể đảm bảo thời gian thực hành, nếu cứ tiếp tục nghỉ học thì sẽ không biết nghỉ đến bao giờ. “Chúng ta cần sự thống nhất về lịch đi học để tạo được sự đồng thuận chung và an tâm chung. Tôi đề xuất cho sinh viên toàn thành phố đi học trở lại từ 16/3”, ông Phong nói.
Ở khối các trường Y khoa, lãnh đạo ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Nguyễn Tất Thành đều mong cho sinh viên y khoa đi học sớm, sau đó dựa vào tình hình để cân nhắc thêm. "Ngành y có đặc thù là nhiều môn thực hành, nếu học online sẽ rất khó. Sinh viên y đi học lại sớm để tham gia tập huấn sẵn sàng tham gia phục vụ cho đội ngũ công tác phòng chống Covid-19 tại các bệnh viện cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của mình", PGS- TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược TPHCM nói.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng sinh viên ngành Khoa học sức khỏe cần có trách nhiệm xã hội, đây cũng là cơ hội để các em tiếp cận với thực tế. Ông cho biết, các giảng viên nhóm ngành Sức khỏe của trường rất mong muốn được đi dạy và hỗ trợ công tác y tế tại các bệnh viện trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Nhiều trường quyết nghỉ hết tháng 3
Cũng tại buổi họp, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, trước khi đi họp, ông đã trao đổi với hiệu trưởng 7 trường thành viên và hầu hết các trường đều thống nhất cho sinh viên nghỉ học đến hết tháng 3 để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo ông Đạt, hiện toàn ĐH Quốc gia TPHCM có gần 70 nghìn sinh viên." “Giả sử có 1 sinh viên nhiễm COVID-19 thì khả năng lan rộng dịch bệnh rất cao.
Trong đó số sinh viên người nước ngoài đang học tập tại ĐH Quốc gia TPHCM có gần 1.000 người, hiện các em vẫn đang tiếp tục nghỉ học. Nếu đề xuất 15/.3 đi học thì không biết kế hoạch sang Việt Nam học của các em sẽ ra sao?”, ông Đạt nêu lý do.
Đại học Quốc gia TPHCM hiện có quy mô lớn nhất nước, gồm 7 trường thành viên: trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc tế, ĐH An Giang và Khoa Y. Riêng trường Phổ thông Năng khiếu, theo ông Đạt dù là thành viên của đại học này song lịch học sẽ do UBND thành phố quy định.
Cùng ngày, trường ĐH Mở TPHCM ra thông báo cho toàn thể sinh viên tiếp tục nghỉ học tập trung tại trường đến hết ngày 15/3, sinh viên tiếp tụ học trực tuyến. Trường ĐH Tài chính- Marketing TPHCM cũng ra thông báo tương tự ĐH Mở TPHCM song thời gian kéo dài từ nay đến hết tháng 3. Trước đó, nhiều trường đại học như trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Học viện Cán bộ TPHCM, Đại học Hùng Vương cùng hàng chục trường cao đẳng, trung cấp khác như Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, Trung cấp Khôi Việt… cũng đã cho sinh viên nghỉ hết tháng 3 để phòng dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cho biết, TPHCM có số lượng học sinh - sinh viên rất lớn vì vậy phải xem xét các tình huống khi quyết định mở cửa trường trở lại. Ngoài số lượng hơn 1,7 triệu học sinh mầm non, phổ thông thuộc Sở GD&ĐT TPHCM quản lý còn có 135.000 học sinh khối nghề nghiệp do Sở LĐTB&XH quản lý và 600.000 sinh viên của hơn 45 trường ĐH.
“Lãnh đạo thành phố cũng mong học sinh, sinh viên đi học càng sớm càng tốt nhưng với tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện nay thì không thể vội vàng quyết định”, ông Liêm nói.
Chiều tối ngày 6/3, UBND TPHCM đã họp và đưa ra quyết định, học sinh lớp 12 đi học trở lại từ ngày 9/3, học sinh các khối lớp còn lại tiếp tục nghỉ đến ngày 15/3.
Cùng lúc, trường ĐH Y dược TPHCM cũng đưa ra quyết định cho toàn bộ sinh viên, học viên của trường đi học trở lại từ ngày 9/3.