Tranh luận về nhà ở kết hợp kinh doanh phải có giải pháp ngăn cháy

Đại biểu cho rằng các biện pháp để phòng cháy là rất cần thiết nhưng nên có quy định chuyển tiếp để không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

Ngày 19-6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.

Bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, nêu một trong những lý do cần thiết phải xây dựng luật này là bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp 2013 phải được quy định trong văn bản luật.

 Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: QH

Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: QH

Việc xây dựng luật này còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Công an cho hay dự thảo luật gồm chín chương, 65 điều, trong đó dành riêng một chương quy định về phòng cháy. Bên cạnh việc kế thừa, dự thảo luật đã bổ sung các quy định mới để khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy.

Đáng chú ý Điều 17 dự thảo đã quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở. Cụ thể, hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ cháy nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; có giải pháp thoát nạn; chuẩn bị thiết bị, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn.

Đối với loại hình nhà ở có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy thì thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đặc biệt, điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh thực hiện theo quy định nói trên và phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh.

Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. “Cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện, nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý phương tiện giao thông chạy bằng điện” - ông Lê Tấn Tới nói.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông). Ảnh: QH

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông). Ảnh: QH

Có quy định chuyển tiếp để không ảnh hưởng đến người dân

Nêu ý kiến góp ý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) băn khoăn về tính khả thi của quy định nhà ở kết hợp kinh doanh phải có giải pháp ngăn cháy.

ĐB Giang cho rằng quy định như vậy thì bảo đảm tất cả nhà mặt phố đều vi phạm hết. “Nhà có 30 m2 mà bảo có giải pháp ngăn khói thì không bao giờ làm được, sẽ đóng cửa hết” - ĐB Giang nhấn mạnh.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu đặc trưng ở các TP lớn hiện nay, nhất là Hà Nội và TP.HCM, là nhà dạng ống, dưới kinh doanh, trên để ở. Bởi vậy việc dự thảo yêu cầu có giải pháp ngăn khói là rất khó thực hiện.

Tuy nhiên, để bảo đảm PCCC, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, ĐB cho rằng việc này không thể không làm, không xử lý. Từ đó, ông đề xuất dự thảo luật cần có điều khoản chuyển tiếp, các công trình không đáp ứng điều kiện về PCCC theo quy định tại luật mới cần có thời gian để xử lý.

“Không thể cứng nhắc thực hiện ngay khi luật có hiệu lực, việc này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Giang lưu ý.

 Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính. Ảnh: QH

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính. Ảnh: QH

Nêu các vụ cháy nổ ở địa bàn Thủ đô Hà Nội thời gian qua, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính nói nguyên nhân chính gây ra vụ cháy khiến nhiều người thiệt mạng ở quận Thanh Xuân là do chập ắc quy xe đạp điện. Tuy nhiên, khi xây dựng luật để phòng ngừa việc này thì lại chưa có biện pháp cụ thể. “Cần phải đi sâu vào thực tế, tìm nguyên nhân mới đưa ra giải pháp chính xác” - ĐB đoàn Hà Nội nêu quan điểm.

Đánh giá “các biện pháp phòng là trên hết, sau đó mới đến chữa cháy”, ông Nguyễn Hữu Chính đề nghị ban soạn thảo phải đưa ra được các biện pháp phòng ngừa.

Góp ý cho quy định về các điều cấm của dự thảo, ông Chính đặt vấn đề: Các vụ cháy nổ gây chết người vừa qua chủ yếu do cháy ắc quy xe đạp điện, mà ắc quy xe đạp điện đã cháy thì dù có phun bọt, phun nước thế nào cũng vẫn cháy.

“Hiện ở các nhà chung cư, tập thể có cán bộ, nhân viên, sinh viên, học sinh, người thuê trọ… chủ yếu sử dụng xe đạp điện. Nếu không cấm hoặc có biện pháp hạn chế thế nào đó thì sẽ tiếp tục có những vụ cháy đáng tiếc xảy ra” - ông Chính băn khoăn.

 ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Phòng cháy tốt bao nhiêu, xã hội càng giảm thiểu thiệt hại bấy nhiêu

ĐB Vũ Huy Khanh (đoàn Bình Dương) cũng cho rằng thực hiện công tác phòng cháy tốt bao nhiêu, xã hội càng giảm thiểu thiệt hại bấy nhiêu. Một trong những công cụ để phòng ngừa là phải đề cao trách nhiệm của người, cơ quan có thẩm quyền duyệt thiết kế, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

Nêu vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương hồi năm 2022 khiến 32 người chết, ông Khanh cho hay đến nay đã khởi tố bảy bị can, trong đó vừa khởi tố bổ sung thêm hai bị can có hành vi thông đồng, bỏ qua các lỗi vi phạm, thậm chí làm khống tài liệu để nghiệm thu. “Đây rõ ràng là việc cố ý vượt qua quy định, vi phạm quy định phòng ngừa một cách rất nghiêm trọng” - vẫn lời ông Khanh.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhận xét mục tiêu của luật nhằm chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa, xử lý tình huống khi xảy ra cháy nổ, tai nạn. Qua đó đáp ứng yêu cầu nhanh, kịp thời, chuyên nghiệp việc PCCC theo phương châm “bốn tại chỗ” (gồm chỉ huy, lực lượng, phương tiện và vật tư, hậu cần). Tuy nhiên trên thực tế khi xảy ra cháy, ông Ngân nhận xét lực lượng tại chỗ còn “thiếu sự chuyên nghiệp”.

“Trong những vụ cháy xảy ra gần đây, người dân đã rất tích cực hỗ trợ, cứu giúp các nạn nhân nhưng phương tiện không có. Do vậy, phải tăng cường đầu tư nguồn lực, hỗ trợ tại chỗ ở các khu phố thì mới có được phương tiện để tham gia vào công tác chữa cháy” - ĐB nhìn nhận.

Khẳng định khâu phòng cháy rất quan trọng, ông Ngân cho rằng cần tăng cường tập huấn kỹ năng PCCC, tuyên truyền nhiều hơn cho người dân dưới hình thức các cẩm nang. “Việc phổ biến các cẩm nang sẽ giúp người dân có thêm kiến thức để thoát nạn khi chẳng may gặp sự cố như hỏa hoạn, thiên tai” - ĐB đoàn TP.HCM nói thêm.•

Cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chiếm gần 50%

ĐB Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình) cho biết trong năm năm gần đây, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an giám định hơn 1.000 vụ cháy để xác định nguyên nhân cháy. Kết quả, cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chiếm 49,5%; cháy chung cư chiếm 4,4%; cháy tại các doanh nghiệp chiếm hơn 19% và cháy khác như chợ, tàu, xe, rừng... chiếm xấp xỉ 27%.

ĐB Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là chập mạch điện, dây dẫn điện trong các thiết bị sử dụng điện; do bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa nhà cửa, thiết bị, phương tiện...

Từ đó, ông đề nghị cơ quan chủ trì công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ quan tâm thỏa đáng đến công tác tuyên truyền; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành ở tất cả khâu, lĩnh vực như quy hoạch, sản xuất, thiết kế, thi công…

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tranh-luan-ve-nha-o-ket-hop-kinh-doanh-phai-co-giai-phap-ngan-chay-post796487.html