Tránh những tổn thương tâm lý trong mùa lễ hội

Sang chấn tâm lý tuổi thơ có thể tái xuất hiện trong dịp lễ Tết khi bạn trở về nhà và tiếp xúc trực tiếp với gia đình, họ hàng.

 Chấn thương tâm lý tuổi thơ thường bắt nguồn từ những biến cố, bất hòa trong gia đình. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

Chấn thương tâm lý tuổi thơ thường bắt nguồn từ những biến cố, bất hòa trong gia đình. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

Nhiều chấn thương tâm lý trong tuổi thơ bắt nguồn từ gia đình. Những cuộc cãi vã, tranh luận căng thẳng, bạo hành gia đình đều có thể trở thành nguyên nhân gây ra tình trạng sang chấn.

Lễ Tết, chúng ta thường trở về nhà, tận hưởng kỳ nghỉ cùng cha mẹ, anh chị em, họ hàng. Vì thế, sự tổn thương tâm lý cũ có thể tái xuất hiện.

Để bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân, bạn có thể áp dụng một số phương pháp được gợi ý bởi Solstice.

Xác định nguyên nhân

Điều quan trọng nhất là xác định nguyên nhân khơi dậy sự tổn thương trong bạn. Đó có thể là ký ức tồi tệ mà bạn vẫn lưu giữ hoặc những hành động châm ngòi của người thân.

Từng trải qua ám ảnh tâm lý, bạn sẽ có xu hướng kích động trước những sự kiện, lời nói, hành vi lặp lại. Nhận thức được nguồn gốc của cảm giác khó chịu, giận dữ hay đau đớn là bước đầu trên hành trình đối phó với chúng.

Giải quyết một cách lành mạnh

Những bữa tiệc và cuộc hội ngộ ngày lễ khiến chúng ta quên mất việc dành thời gian cho bản thân. Khi tiếp xúc liên tục với nhiều người, cơ thể bạn sẽ dần cạn kiệt năng lượng, cần nghỉ ngơi để tái tạo.

Trong kỳ nghỉ lễ, bạn có thể tranh thủ đi dạo quanh khu vực sinh sống, thực hành thiền định, đốt nến thơm hoặc đọc một cuốn sách. Những hoạt động này giúp bạn tìm thấy sự bình yên bên trong và phát huy sức mạnh nội tại.

 Thiền định hoặc đi bộ là phương pháp giúp bạn duy trì sự bình yên bên trong để đối phó với biến động trong mùa lễ hội. Ảnh minh họa: Arina Krasnikova/Pexels.

Thiền định hoặc đi bộ là phương pháp giúp bạn duy trì sự bình yên bên trong để đối phó với biến động trong mùa lễ hội. Ảnh minh họa: Arina Krasnikova/Pexels.

Không kỳ vọng

Phim ảnh và các chiến dịch quảng cáo thường khắc họa những khung cảnh hoàn hảo mùa lễ hội. Những hình ảnh đó khiến chúng ta dễ dàng kỳ vọng vào bữa tối đoàn viên, đêm tiệc ấm áp, cuộc trò chuyện ý nghĩa.

Tuy nhiên, mỗi gia đình đều có khúc mắc, bất đồng riêng. Khi không kỳ vọng nhiều, bạn sẽ tránh được cảm giác chán nản, thất vọng nếu kỳ nghỉ lễ không diễn ra như mong đợi.

Hơn nữa, giảm mức độ hy vọng cũng giúp bạn dễ dàng đón nhận những biến cố có thể xảy ra hơn.

Thiết lập ranh giới

Lễ, Tết là khoảng thời gian đòi hỏi khả năng cân bằng và phân chia thời gian biểu tốt. Để không cảm thấy quá tải, choáng ngợp với những cuộc gặp liên miên, bạn nên xác định những điều cần làm và muốn làm.

Bạn không cần tham dự bữa tối với họ hàng nếu đoán trước rằng tranh cãi sẽ xảy ra. Bạn cũng không cần dành nhiều thời gian cho một thành viên gia đình nếu biết họ có xu hướng làm tổn thương bạn.

Ngược lại, bạn có thể tham gia những hoạt động đem lại niềm vui trong mùa lễ hội. Nếu muốn gặp ông bà, hãy chủ động ghé thăm nhà và ở lại dùng bữa tối bên những người thân yêu nhất.

Tìm sự giúp đỡ

Đối phó với những tổn thương tâm lý từ gia đình là một quá trình dài, đầy thách thức. Dịp lễ, Tết, việc xử lý những vấn đề tinh thần này càng trở nên khó khăn.

Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, sợ hãi tột độ, bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp từ những người xung quanh. Bạn bè thân thiết hay bác sĩ tâm lý luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn vượt qua giai đoạn này.

Thay vì một mình chịu đựng, bạn có thể gọi điện, nhắn tin hoặc gặp gỡ trực tiếp những người đáng tin cậy để chia sẻ, giải tỏa.

 Tìm gặp và nhờ sự giúp đỡ của những người đáng tin cậy là một phương pháp giúp bạn đối phó với tổn thương tâm lý từ gia đình. Ảnh minh họa: SHVETS Production/Pexels.

Tìm gặp và nhờ sự giúp đỡ của những người đáng tin cậy là một phương pháp giúp bạn đối phó với tổn thương tâm lý từ gia đình. Ảnh minh họa: SHVETS Production/Pexels.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-nhung-ton-thuong-tam-ly-trong-mua-le-hoi-post1388957.html