Tránh tạo 'khoảng trống' về chính sách

Cần dự thảo văn bản triển khai nghị quyết song song với xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết. Đối với các nghị quyết về cơ chế, chính sách có quy định cụ thể thời gian thực hiện phải được rà soát trước thời điểm hết hiệu lực ít nhất 3 tháng để có định hướng, chỉ đạo về xây dựng nghị quyết mới, tránh tạo 'khoảng trống' về chính sách, ảnh hưởng quyền lợi của đối tượng thụ hưởng; đối với các đề án, dự thảo nghị quyết liên quan đến kinh phí, cần xác định rõ khả năng bảo đảm nguồn lực thực hiện ở khâu đề xuất, dự thảo chính sách…

Đó là những nội dung được nhấn mạnh tại phiên họp mới đây của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam cho ý kiến về nội dung trình Kỳ họp thứ 8 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2022.

Cập nhật, ban hành ngay văn bản triển khai

Mặc dù công tác tổ chức các kỳ họp đã trở thành hoạt động thường xuyên của HĐND, được Thường trực HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng một số tồn tại, hạn chế trong chuẩn bị nội dung trình và cả triển khai thực hiện nghị quyết sau khi thông qua vẫn chưa được khắc phục. Như tại Kỳ họp thứ 7 - kỳ họp chuyên đề tổ chức vào tháng 4 vừa qua, có nội dung công tác chuẩn bị vẫn rất bị động - đề nghị bổ sung sát ngày khai mạc, ảnh hưởng nhất định đến công tác thẩm tra của Ban HĐND và nghiên cứu của đại biểu.

Trong số 19 nghị quyết được Kỳ họp thứ 7 ban hành, đến nay vẫn còn 7 nghị quyết chưa có văn bản triển khai thực hiện. Đáng lưu ý, có 2 nghị quyết quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế (Sâm Ngọc Linh và dược liệu), chính sách bảo đảm an sinh xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 2.5.2022 nhưng vẫn chậm trễ trong ban hành văn bản thực hiện, khiến chính sách chưa thể thực hiện trong thực tiễn mặc dù đã có hiệu lực pháp luật.

Chỉ đạo khắc phục những hạn chế trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đề nghị các cơ quan chuyên môn cần kịp thời, chặt chẽ hơn trong chuẩn bị nội dung; dự thảo văn bản triển khai nghị quyết song song với xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết để sau khi HĐND ban hành nghị quyết thì cập nhật, ban hành ngay văn bản triển khai, tránh chậm trễ như hiện nay.

Không để ảnh hưởng quyền lợi của đối tượng thụ hưởng

Tại phiên họp, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh trình bày báo cáo kết quả rà soát các nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh và đề xuất hướng xử lý cụ thể theo quy định. Thảo luận về báo cáo rà soát, đánh giá nghị quyết, các thành viên Thường trực HĐND tỉnh đề nghị cần được thực hiện định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng một lần để Thường trực, các Ban HĐND tỉnh kịp thời cập nhật tình trạng pháp lý của các nghị quyết. Đối với các nghị quyết về cơ chế, chính sách có quy định cụ thể thời gian thực hiện thì phải được rà soát trước thời điểm hết hiệu lực ít nhất 3 tháng để có định hướng, chỉ đạo về xây dựng nghị quyết mới, tránh tạo khoảng trống về chính sách, ảnh hưởng quyền lợi của đối tượng thụ hưởng chính sách buộc phải xin chủ trương “kéo dài” nghị quyết như vừa qua.

Phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam cho ý kiến về nội dung trình Kỳ họp thứ 8

Phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam cho ý kiến về nội dung trình Kỳ họp thứ 8

Cho ý kiến cụ thể về danh mục 12 nghị quyết ở nhóm đề nghị đánh giá kết quả thực hiện để trình HĐND ban hành nghị quyết mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ. Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND ngày 17/12/2019 về Chương trình Sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại 6 huyện miền núi cao tỉnh Quảng Nam đã quy định cụ thể thời gian áp dụng (từ tháng 1.2020 đến hết tháng 5.2022) và từ ngày 1.6.2022 Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực theo thời gian, trong khi đó việc thực hiện chính sách này rất hiệu quả. Do đó, UBND tỉnh cần nhanh chóng đánh giá kết quả thực hiện, trình HĐND tỉnh ban hành chính sách mới tại kỳ họp thường lệ giữa năm, bảo đảm đầu năm học 2022 - 2023 trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tiếp tục được thụ hưởng chính sách.

Xác định rõ khả năng bảo đảm nguồn lực thực hiện

Tham gia ý kiến cụ thể tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp 2 nội dung gồm (i) điều chỉnh quyết toán ngân sách 2020 và (ii) quy định về thưởng vượt thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới. Đồng thời, kiến nghị chỉ trình HĐND báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm thay vì 6 tháng và hàng năm như hiện nay.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ tham mưu 3 đề án, báo cáo về công tác chuẩn bị, Sở cho biết đã thực hiện các bước theo quy trình. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là chưa làm rõ được khả năng bảo đảm nguồn lực thực hiện các nghị quyết, trong khi các đề án này được đánh giá là rất cần thiết, nhất là đề án về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Đối với Sở NN - PTNT, trong số 20 nội dung chuyên đề thì Sở được giao tham mưu 7 nội dung. Trong số đó, Đề án quy định về bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chưa có sự đồng thuận giữa các cơ quan chuyên môn do cách hiểu và cụ thể hóa các quy định pháp luật liên quan chưa thống nhất.

Kết luận về công tác chuẩn bị nội dung trình kỳ họp thường lệ giữa năm, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc hoàn chỉnh để có văn bản đăng ký chính thức với Thường trực HĐND tỉnh; lưu ý các đề án, dự thảo nghị quyết liên quan đến kinh phí cần xác định rõ khả năng bảo đảm nguồn lực thực hiện ở khâu đề xuất, dự thảo chính sách.

Dương Thị Thanh Hiền, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/tranh-tao-khoang-trong-ve-chinh-sach-i289047/