Tránh việc chính quyền xa dân

Năm 1942, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: sự nghiệp của chúng ta bắt đầu từ đâu? Bác đã trả lời, 'bắt đầu từ dân'; 'có dân sẽ có tất cả'.

Còn nguyên tính thời sự

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã nói, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Chính quyền của ta là công bộc của dân, gánh việc chung cho dân, chứ không phải là người thống trị, cai trị dân. Đó là tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh. Đồng thời, còn thể hiện ở khía cạnh, mọi việc đều phải được bàn bạc, thảo luận với Nhân dân trước khi quyết định.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (tháng 10/1947) Bác đã khẳng định nội dung này rất rõ. Vì sao phải làm như vậy? Theo Bác, bởi vì, nhiều khi người dân giải quyết vấn đề nhanh gọn, chóng vánh và hiệu quả mà có khi đoàn thể to tát, hay cán bộ lãnh đạo cấp cao ngồi nghĩ mãi không ra. Vì vậy, hãy thảo luận với dân để “gỡ” vấn đề. Tư tưởng của Bác Hồ còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

GS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhận định, thực tiễn phát triển đất nước trong 78 năm qua kể từ ngày 2/9/1945, Đảng, Nhà nước đã động viên toàn dân, dựa vào sức mạnh của Nhân dân để xây dựng đất nước “lấy dân làm gốc” động viên sức dân để làm lợi cho dân.

Chính lợi ích, nguyện vọng và sáng kiến của Nhân dân cũng là nguồn gốc quan trọng của đường lối đổi mới, khi đã có đường lối đổi mới, cũng chính các tầng lớp Nhân dân là người hưởng ứng thực hiện và đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Chuyển động trong thực tiễn

Thực tiễn hiện nay cũng cho thấy, đã có những sự chuyển động tích cực trong việc xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, vì dân. Việc xây dựng chính quyền các cấp kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân luôn được đề cao. Người đứng đầu các cấp từ T.Ư đến địa phương thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và thể hiện ý thức tôn trọng Nhân dân.

Trong đó, ý thức, thái độ phục vụ người dân, DN của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngày càng cao. Công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận Nhân dân, tiếp dân, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan Nhà nước với Nhân dân được quan tâm đúng mức. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trở thành thước đo, thành một trong những yếu tố đánh giá chất lượng của cơ quan công quyền…

Như tại Hà Nội, với tinh thần trọng dân, gần dân và vì dân, TP cũng liên tục có văn bản, chỉ đạo yêu cầu thực hiện tốt việc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của Nhân dân về công tác quản lý, điều hành, thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức...; thực hiện việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định... để chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm công vụ.

Vừa qua, để khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, lãnh đạo TP đã yêu cầu, trường hợp hồ sơ xử lý quá hạn phải có thư xin lỗi và hẹn lại thời gian trả kết quả tới người dân. Những trường hợp gây chậm trễ, phiền hà, nhũng nhiễu, gây bức xúc cho người dân, DN đều bị xử lý nghiêm… Đồng thời, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông thông qua nhiều hình thức để người dân biết rõ, hiểu rõ và tham gia.

Với cách làm dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các cấp, đã góp phần hạn chế số vụ khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo thêm niềm tin của Nhân dân vào các đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước, cũng như của TP.

Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng cho thấy, tình trạng quan liêu cũng là một “nguy cơ” vẫn được nhắc đến. Trong quá trình lãnh đạo, Bác Hồ cũng luôn cảnh báo tình trạng này. Quan liêu, xa dân, rồi đến ngại tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân, từ đó, dẫn đến những thờ ơ, vô cảm với cuộc sống của dân.

Để triệt tiêu tư tưởng cho rằng bản thân “có quyền”, “được quyền” với dân, nhiều ý kiến đã cho rằng, vấn đề chính là người lãnh đạo phải nhìn nhận thấu đáo về việc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Bởi thực tế, việc lắng nghe nhận xét của người dân, tiếp nhận những phản ánh để đề xuất bổ sung vào hệ thống pháp luật, để đặt chính sách cho đúng cũng chính là cách để tránh được việc “chính quyền xa dân”.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tranh-viec-chinh-quyen-xa-dan-729335.html