Trao cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho Hà Nội: Thận trọng, kiểm soát tốt
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), một nội dung mới được đặc biệt chú ý là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đây là khung pháp lý được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô thu hút các ngành công nghệ mới. Tuy nhiên, thận trọng để kiểm soát được cơ chế thử nghiệm này là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.
Dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) quy định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền Thành phố. Trong đó, cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.
Quy định như vậy tạo cơ sở để thành phố Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
Ủng hộ trao cơ chế mới này cho Hà Nội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Lạng Sơn đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng để bảo đảm kiểm soát tốt: "Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND thành phố quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định là chính nhưng thường là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Fintech, giáo dục, Ftech, y tế. Dự thảo Luật chỉ chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào? hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Cho nên cần bổ sung quy định này trong dự thảo Luật".
Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai thì đề nghị xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI: "Việc thử nghiệm thường gắn với rủi ro. Gắn với rủi ro cần loại trừ một số trách nhiệm. Ở đây Luật KHCN đã loại trừ cho nên tôi cho rằng, cần có tiêu chí và phải đưa hẳn danh mục thử nghiệm vào dự thảo Luật, rà soát quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan vấn đề này. Phần cơ chế kiểm soát đang quy định quá chặt và có lẽ sẽ khiến ít doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm".
Để thực sự triển khai được cơ chế thử nghiệm, ngoài việc trao quyền cho Thủ đô thì Thủ đô cũng cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ để có thể thẩm định cũng như kiểm soát được những mô hình mới, chưa có tiền lệ này. Cùng với đó, phải xây dựng một hướng dẫn chi tiết, cụ thể để tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, tránh tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm, có luật nhưng không thực thi được.