Trào lưu 'khoe' chuyện bỏ việc ở Mỹ
Trái với thói quen giữ kín chuyện xin thôi việc, nhiều dân văn phòng Mỹ đang hào hứng lên mạng khoe việc rời khỏi công ty, kêu gọi những người có mong muốn tương tự làm theo mình.
Tiffany Knighten (28 tuổi), việc phát hiện mức lương hàng năm của một đồng nghiệp cao hơn cô tới 10.000 USD dù cùng khối lượng công việc khiến cô buồn bã. Tiffany quyết định bỏ việc làm hiện tại.
Sau đó, cô đăng video nói về chuyện rời công ty.
“Sức khỏe tinh thần của tôi đã cải thiện nhiều”, Knighten nói. Trong clip, cô đội chiếc mũi ghi dòng chữ “I hate it here” ám chỉ chuyện ghét bỏ công ty cũ và nhảy theo bài hát Thank U, Next của Ariana Grande.
Cảm giác chán ngấy đang xuất hiện ở giới nhân viên văn phòng tại Mỹ. Họ sẵn sàng nghỉ việc và thông báo điều này rộng rãi lên mạng xã hội, cho người khác cùng biết, theo NY Times.
Tự hào khoe "tôi bỏ việc"
Tỷ lệ người lao động tự nguyện bỏ việc tại Mỹ đang ở ngưỡng cao, với 3% vào mùa thu năm nay và có thể dễ dàng quan sát xu hướng này trên các nền tảng mạng xã hội.
Các màn ăn mừng trên Instagram, TikTok, diễn đàn Reddit với hashtag #quitmyjob (tạm dịch: bỏ việc) xuất hiện công khai, nói về sự hạnh phúc khi thoát khỏi những giờ làm việc mệt mỏi kéo dài, cùng ảnh chụp màn hình tin nhắn tuyên bố với sếp họ không cần công việc này nữa.
Ngoài ra, một số video có nội dung tư vấn hoặc hỗ trợ tinh thần cho những người đang cân nhắc nghỉ việc.
Giovanna Gonzalez (32 tuổi), người đã rời bỏ vai trò quản lý đầu tư của mình tại Phoenix vào tháng 6 năm ngoái, cho biết cô do dự công khai trải nghiệm vì không muốn các đồng nghiệp cũ xem và đánh giá.
Mặt khác, cô thấy có động lực truyền cảm hứng, cổ vũ người khác rời khỏi vị trí an toàn. “Tôi chia sẻ điều này với các bạn không phải khoe khoang mà để cho bạn thấy điều này là có thể", cô nói.
“Những người bạn khác cũng bỏ việc rủ tôi đi ăn uống, nhậu nhẹt. Ai nấy đều tự hào vì đã rời khỏi môi trường không còn đem lại lợi ích cho bản thân”, Knighten nói về quyết định rời đi để mở công ty truyền thông của riêng mình.
Thậm chí, các giám đốc điều hành cũng góp mặt vào xu hướng này. Jack Dorsey, người đứng đầu nền tảng Twitter, vừa mới tuyên bố rằng mình sẽ từ chức, kèm hình ảnh gửi mail xin thôi việc.
Niềm vui thoáng chốc?
Trước kia, thông báo công khai chuyện nghỉ việc lên mạng bị xem là không khôn ngoan, thiếu khéo léo. Việc chê bai môi trường làm việc cũ không được khuyến khích vì dễ làm các nhà tuyển dụng sau này có cái nhìn thiếu thiện cảm về ứng viên.
Nhưng sau hơn một năm đại dịch làm lao đao thị trường lao động, các cuộc phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và những xáo trộn tâm lý do tình hình rối ren, một bộ phận nhân viên sẵn sàng từ chối các tiêu chuẩn nghề nghiệp cũ và nói lên quan điểm cá nhân.
“Mọi người đang thất vọng, kiệt sức và dễ bị tác động, dẫn đến phản ứng chống đối”, JT O'Donnell, người sáng lập nền tảng huấn luyện nghề nghiệp Work It Daily, cho biết.
Trên thực tế, lợi thế đang nghiêng về những lao động vừa mạnh dạn nghỉ việc hơn. Đường cung - cầu của thị trường lao động đang có lợi cho họ và người sử dụng lao động ngày càng ít kén chọn hơn.
Tỷ lệ các bài đăng tuyển dụng trên website ZipRecruiter yêu cầu "không có kinh nghiệm trước" đã tăng lên 22,9% trong năm nay, so với 12,8% vào năm 2020. Tỷ lệ yêu cầu bằng cử nhân giảm từ 11,4% xuống còn 8,3%.
Một số vùng của Mỹ, như Nebraska, có 69.000 vị trí việc làm cần được lấp đầy, trong khi số người thất nghiệp là 19.300 người.
“Trong suốt 25 năm, đây là lúc thị trường lao động eo hẹp nhất tôi từng chứng kiến. Những khách hàng đang ‘khát’ người đến nỗi sẵn sàng tìm kiếm ứng viên không phù hợp với các tiêu chuẩn trước giờ của họ”, Tom Gimbel, người đứng đầu LaSalle Network, một công ty chuyên về nhân sự, nói.
Sếp, các giám đốc điều hành cũng thông cảm hơn với quyết định “dứt áo ra đi” của nhân sự cấp dưới. Theo Anthony Klotz, nhà tâm lý học tại Đại học Texas A&M, các ông chủ từng coi việc ra đi là sự phản bội.
“Giờ đây, họ hiểu rằng nhân viên đang bồn chồn. Một số bên sử dụng lao động đã đưa ra chế độ nghỉ phép một năm cho nhân viên cũ, nghĩ là những người bỏ việc có thể chọn quay lại bất cứ lúc nào, với mọi quyền lợi trước đây”, ông nói.
Nhưng không ít người lựa chọn “một đi không trở lại”.
Đối với Gabby Ianniello (28 tuổi), những vết phồng rộp do đi giày cao gót mỗi sáng cho công việc ở công ty bất động sản đã khiến cô quá mệt mỏi. Gabby quyết định nộp đơn nghỉ việc.
Gabby lập một danh sách dài những điều đáng chê trách tại công ty cũ. Khi làm điều phối viên tiếp thị ở Manhattan (New York), cô thường xuyên thức dậy lúc 4 giờ 45 phút sáng để kịp giờ đến công sở, hay vừa ăn trưa vừa xử lý giấy tờ.
Khi nghỉ việc, cô có khoảng 10.000 USD tiền tiết kiệm. Đến mùa hè, cô chia sẻ trên mạng rằng mình đã tìm thấy cảm giác hạnh phúc mới. Gabby còn mở thêm một kênh podcast nói về cuộc sống mới của bản thân với lời nhắn nhủ “Ngay bây giờ, bỏ việc là điều cần thiết”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cho rằng xu hướng này chỉ đổi lấy niềm vui ngắn hạn.
Nhiều người cảnh báo rằng các nhà tuyển dụng vẫn tìm kiếm ứng viên trên mạng xã hội và coi các bài đăng kể xấu chỗ làm cũ là điều khó chấp nhận.
Những người khác lưu ý rằng tình trạng thiếu nhân sự hiện nay, với lực lượng lao động giảm khoảng 3 triệu người, sẽ không lâu dài và đến một lúc nào đó, nhu cầu việc làm sẽ cao hơn số lao động.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trao-luu-khoe-chuyen-bo-viec-o-my-post1281950.html