Trào lưu 'nhảy việc' của giới trẻ: Tìm kiếm cơ hội hay chạy trốn áp lực?

Hiện tượng giới trẻ liên tục 'nhảy việc' ngày càng trở nên phổ biến, trở thành một xu hướng không thể phủ nhận trong môi trường lao động hiện đại. Sự biến đổi này không chỉ phản ánh những thách thức và cơ hội của thị trường lao động, mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về động lực, giá trị cá nhân, và chiến lược quản lý nhân sự của các doanh nghiệp.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tình trạng thiếu việc làm có xu hướng tăng lên, số người thiếu việc làm trong độ tuổi là 940,5 nghìn người, tăng 27,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2024 là 2,05%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,37% và 2,49%).

Tần suất “nhảy việc” cao

Theo khảo sát của Anphabe, một công ty chuyên cung cấp số liệu, thống kê về thị trường tuyển dụng việc làm tại Việt Nam, 62% các bạn trẻ gen Z (15 đến 25 tuổi) ở Việt Nam nhảy việc ngay trong năm làm việc đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn nhảy việc vài lần trong 1 năm ngay khi ra trường.

Còn theo khảo sát của VnBusiness, nhiều bạn trẻ đã thay đổi công việc tới 7 lần trong thời gian ngắn. "Vừa ra trường 1 năm, tôi đã nhảy việc 4 lần. Lý do chính khiến tôi rời đi là môi trường làm việc không thân thiện và thiếu sự hài lòng, hơn nữa mức lương quá thấp so với những gì tôi mong muốn”, bạn Phạm Ngọc Hà (24 tuổi) chia sẻ.

Chị Lê Thị Nga (29 tuổi – Thanh Hóa) cho biết, từ đầu năm đến giờ chị đã làm 3 công ty, mới đây đã nghỉ việc sau 8 tháng làm tại một công ty truyền thông vì áp lực và thiếu cơ hội phát triển. Sau đó chuyển sang một start-up công nghệ, chấp nhận mức lương thấp hơn nhưng cảm thấy hài lòng hơn nhờ môi trường làm việc năng động và hỗ trợ từ đồng nghiệp.

Giới trẻ hiện nay thích thú với công việc được gọi là “freelancer” (công việc tự do).

Giới trẻ hiện nay thích thú với công việc được gọi là “freelancer” (công việc tự do).

Hiện tượng nhảy việc của giới trẻ trong năm 2024 không phải là một hiện tượng mới, nhưng nó đang diễn ra với tốc độ nhanh và mức độ rộng hơn bao giờ hết. Một phần nguyên nhân đến từ sự phát triển của nền kinh tế số, nơi công việc không còn giới hạn ở một địa điểm cố định hay một ngành nghề duy nhất, đặc biệt, hiện nay giới trẻ thích thú với công việc được gọi là “freelancer” (công việc tự do).

Hoặc nhiều bạn trẻ quyết định thay đổi công việc là cảm giác không hài lòng với công việc hiện tại. Các yếu tố như môi trường làm việc không phù hợp, cơ hội thăng tiến hạn chế, mức lương chưa tương xứng với kỳ vọng, và văn hóa công ty không đồng điệu với giá trị cá nhân là những yếu tố chủ chốt.

Theo nghiên cứu của Oliver Wyman, Gen Z có quan điểm tìm việc “thiên về giao dịch nhiều hơn” so với các thế hệ trước và họ cũng có “danh sách dài các yêu cầu”. Đặc biệt, họ mong muốn những công việc bao gồm các phúc lợi như: bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện, hỗ trợ sức khỏe tinh thần, cũng như sự minh bạch trong cách quản lý.

Ngoài ra, sự bùng nổ của thông tin và mạng xã hội cũng tạo ra một áp lực vô hình khi nhiều người trẻ cảm thấy mình phải nhanh chóng thành công, đạt được những vị trí công việc lý tưởng. Điều này dẫn đến tình trạng nhảy việc liên tục khi họ luôn tìm kiếm công việc "hoàn hảo" hơn.

Bên cạnh đó “cái tôi” cũng là một điều kiện thúc đẩy. Tuy có nhu cầu học hỏi và phát triển nhưng nhiều bạn lại ngại bị phê bình, không chịu được áp lực phải thay đổi, hiểu được vấn đề của bản thân nhưng mơ hồ, bảo thủ về cách giải quyết hay tự tin thái quá về năng lực của bản thân...

Doanh nghiệp “gặp khó”

Theo các chuyên gia lao động, với việc làm khi vừa ra trường, ứng viên trẻ sẽ cần khoảng 1 năm để làm quen, tìm hiểu công việc. Năm thứ 2, mới có thể đảm nhận tốt công việc, học hỏi, trải nghiệm và năm thứ 3 trở đi mới có thể đóng góp đáng kể. Nếu thời gian ngắn, doanh nghiệp cũng khó để hoạch định thời gian phát triển cho nhân sự trẻ.

Chị Vũ Thị Thùy Dung – HR (Human Resources) Công ty Cổ phần TM&DV Alan chia sẻ, làm việc ở lĩnh vực tuyển dụng hơn 2 năm, tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ mới ra trường cũng như đang đi học, tuy nhiên, hầu như các bạn trẻ đều đang “ảo tưởng” về năng lực của bản thân cũng như kỳ vọng có được công việc nhàn nhã và mong muốn lương cao, thậm chí có những bạn đi phỏng vấn cho vui hoặc đến đậu phỏng vấn nhưng không đi làm cũng không có lời phản hồi,…

Rõ ràng, nhảy việc mang đến những cơ hội nhưng cũng kèm theo không ít rủi ro. Đối với doanh nghiệp, tình trạng này có thể dẫn đến sự thiếu ổn định trong đội ngũ nhân viên, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài và văn hóa công ty. Để ứng phó với tình trạng này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tái cấu trúc chính sách nhân sự, tạo ra các chương trình giữ chân nhân tài, đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên.

Một số công ty còn chủ động thay đổi cách tiếp cận quản lý, áp dụng mô hình làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên làm việc từ xa, và chú trọng hơn vào sức khỏe tinh thần của nhân viên. Mục tiêu là xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, nơi nhân viên cảm thấy gắn bó và có động lực cống hiến dài hạn.

Ông Bùi Trọng Đạt – Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Daesang Đức Việt cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng nhảy việc là một xu hướng khó tránh khỏi trong môi trường làm việc hiện đại. Công ty đã đầu tư vào các chương trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên, cũng như xây dựng một môi trường làm việc cởi mở và hỗ trợ lẫn nhau, điều kiện để nhân viên có thể thử thách bản thân ở nhiều vị trí khác nhau trong công ty, nhằm giữ chân và giúp họ phát triển sự nghiệp lâu dài tại đây”.

Đối với người lao động, nhảy việc liên tục có thể mang lại kinh nghiệm đa dạng và mở ra nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với sự bất ổn định trong sự nghiệp và có thể mất đi những lợi ích dài hạn như sự thăng tiến hoặc các phúc lợi từ công ty. Ngoài ra, sự thiếu nhất quán trong sự nghiệp có thể gây khó khăn khi họ muốn thuyết phục nhà tuyển dụng về khả năng cam kết lâu dài trong tương lai.

Dù vậy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trẻ chất lượng vẫn tương đối cao. Trên 80% doanh nghiệp cho biết, đã điều chỉnh kế hoạch tuyển dụng và xây dựng môi trường làm việc linh hoạt hơn để tăng cường sự gắn kết giữa nhân sự trẻ và nơi làm việc. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng đưa ra quan ngại về việc nhân viên thường xuyên nhảy việc, đồng thời cũng gặp khó khăn trong việc bàn giao công việc khi nhân viên ra đi.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viec-lam/trao-luu-nhay-viec-cua-gioi-tre-tim-kiem-co-hoi-hay-chay-tron-ap-luc-1101809.html