Trào lưu Text Hip nở rộ, giới trẻ Hàn Quốc đua nhau khoe đọc sách
Việc người trẻ Hàn Quốc đua nhau đăng ảnh đọc sách có thể chỉ là khoe khoang theo trào lưu, nhưng các chuyên gia cho rằng ngay cả điều đó cũng thúc đẩy văn hóa đọc.
Trong quán rượu Chaek Bar ở Mangwon-dong, quận Mapo, Seoul, Hàn Quốc, nhiều bạn trẻ ngồi nhâm nhi đồ uống và lật dở từng trang sách dưới ánh đèn dịu nhẹ. Nơi này đã trở thành điểm đến phổ biến để trải nghiệm trào lưu Text Hip - thuật ngữ kết hợp giữa "Text" và "Hip" để truyền tải ý tưởng rằng đọc sách là thú vị.
Khách hàng ở Chaek Bar chủ yếu là những sinh viên đại học ở gần đó. Họ thường đến đây vừa để đọc sách, vừa để chụp hình đăng lên mạng xã hội.
Chung In-sung, chủ quán rượu, mô tả đây là nơi trải nghiệm đọc bắt đầu từ lúc xem thực đơn cocktail. Khách hàng có thể thưởng thức cocktail Moon and Sixpence, lấy cảm hứng từ các nhân vật của William Somerset Maugham (nhà văn người Anh nổi tiếng), uống rượu The Stranger, một loại cocktail pha với rượu mạnh Camus, theo tiểu thuyết "The Stranger" của Albert Camus (nhà văn người Pháp nổi tiếng).
Theo Khảo sát đọc sách quốc gia năm 2023 tại Hàn Quốc, chỉ 43% người Hàn Quốc đọc sách thường xuyên. Vậy làm thế nào mà sách văn học lại nở rộ ở một đất nước từng có 6/10 người trưởng thành đọc ít hơn 1 cuốn sách mỗi năm?
Các chuyên gia cho biết xu hướng Text Hip bắt đầu khi các thần tượng K-pop và những người nổi tiếng khác chia sẻ kinh nghiệm đọc sách của họ. Ví dụ, ca sỹ Minji của nhóm nhạc NewJeans đọc tiểu thuyết kinh điển "The Age of Innocence" của Edith Wharton trong một video ca nhạc. Ca sỹ Jang Won-young của IVE trả lời phỏng vấn rằng cô đọc các tác phẩm của triết gia Arthur Schopenhauer và "Luận ngữ" của Khổng Tử trong thời gian rảnh rỗi.
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số thống trị bởi các nền tảng video như YouTube, sách đang mang lại cảm hứng mới mẻ cho những người trẻ tại xứ sở kim chi.
Nhà phê bình văn hóa Ha Jae-geun cho biết: "Giống như xu hướng đăng các mặt hàng cổ điển như băng cassette, đầu đĩa CD, máy quay video và máy ảnh từng phổ biến trên mạng xã hội, sách đang đóng vai trò là phương tiện độc đáo để khẳng định cá tính của mỗi người".
Trào lưu Text Hip thường xuất hiện trên các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram hay Twitter, nơi mọi người khoe ảnh bản thân đọc sách. Một số người còn đưa ra khuyến nghị về những cuốn sách nên đọc, chụp hình cùng nếu muốn trông thật ngầu. Vì vậy, trong khi một số người coi Text Hip là xu hướng văn hóa mới, cũng có những người coi đây chỉ là trào lưu ngắn hạn mang tính khoe khoang.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi Text Hip chỉ là một trào lưu, điều đó cũng không có hại gì.
Nhà phê bình văn học Kang Dong-ho cho biết: "Luôn có yếu tố phù phiếm trong mong muốn khẳng định và thể hiện bản thân. Khác với chuyện mua hàng xa xỉ, việc đọc sách rất có lợi, giúp mở rộng, thúc đẩy và chuyển đổi văn hóa nên không có gì xấu cả".
Tại Hàn Quốc, sách có giá tương đối phải chăng và dễ tiếp cận so với các sản phẩm văn hóa khác. Bên cạnh đó, các thư viện công cộng là điểm đến cho mọi tầng lớp xã hội. “Ở Hàn Quốc, khi một thứ gì đó trở thành xu hướng, mọi người thường chạy theo nó hàng loạt, tạo ra các hệ thống phân cấp trong đó. Nhưng nếu sách được chấp nhận như một phương tiện nâng cao giá trị cá nhân, điều đó có thể dẫn đến một xã hội tôn trọng sự đa dạng", Kang cho biết.
Để Text Hip phát triển qua nhiều thế hệ, cần phải có nỗ lực bền bỉ. Thanh thiếu niên ngày nay, vốn quen với phương tiện truyền thông trực quan, có thể gặp thách thức trong việc phát triển thói quen đọc sách.
Shin Ji-young, giáo sư Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc tại Đại học Hàn Quốc, cho biết: “Sau khi tác giả Han Kang đoạt giải Nobel Văn chương 2024, sách của bà đã bán được hơn 1 triệu bản. Tôi hy vọng cơ hội này sẽ thúc đẩy tỷ lệ đọc sách ở Hàn Quốc trong nhiều năm tới".