Trào lưu văn hóa biến cổ vật thành biểu tượng hiện đại ở Trung Quốc

Các nhà sáng tạo văn hóa trẻ ở Trung Quốc đang biến cổ vật thành những biểu tượng hiện đại, đưa di sản ngàn năm đến gần hơn với đời sống qua những sản phẩm vừa độc đáo vừa đậm chất truyền thống.

Các hộp quà bất ngờ mang đậm yếu tố văn hóa truyền thống Trung Hoa do Trịnh Châu thiết kế. (Ảnh: Trịnh Châu cung cấp)

Các hộp quà bất ngờ mang đậm yếu tố văn hóa truyền thống Trung Hoa do Trịnh Châu thiết kế. (Ảnh: Trịnh Châu cung cấp)

Tại khu trưng bày sản phẩm văn hóa và sáng tạo của bảo tàng này, phiên bản thu nhỏ của chú tê giác này được thiết kế dưới dạng các hộp quà bất ngờ (blind box) đã nhanh chóng trở thành món quà lưu niệm bán chạy hàng đầu.

Mỗi hộp quà có thể chứa một chú tê giác mang họa tiết gốm sứ xanh trắng, có thể lấy cảm hứng từ món lẩu cay Tứ Xuyên hoặc trang trí bằng hoa phù dung - loài hoa biểu tượng của Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Quá khứ sống dậy trong từng cái chạm

Những sản phẩm sáng tạo và độc đáo này là tác phẩm của Trịnh Châu - nhà thiết kế và điều phối sản phẩm văn hóa sáng tạo sinh vào thập niên 1990.

“Văn hóa truyền thống Trung Hoa là kho báu vô tận. Qua các sản phẩm văn hóa, chúng tôi muốn truyền tải khía cạnh trang nghiêm của văn hóa truyền thống theo cách sinh động và gần gũi hơn”, Trịnh Châu chia sẻ với tờ Global Times.

Hành trình sáng tạo của nhà thiết kế này bắt đầu từ năm 2019, sau một chuyến thăm Bảo tàng Tam Tinh Đôi ở Thành Đô. Trước những pho tượng đồng cổ đại, anh đã nảy ra ý tưởng tái hiện hình tượng một pho tượng đứng thành phiên bản ngồi, với đôi mắt lồi, tai to vừa hài hước vừa hiện đại.

Dựa vào các sản phẩm bảo tàng, bản quyền văn hóa truyền thống và đặc trưng vùng miền Tứ Xuyên, Trịnh Châu cùng đội ngũ của mình không ngừng phát triển sản phẩm mới. Đối với anh, mục tiêu không đơn thuần là tạo ra những món đồ thời thượng.

“Thiết kế sáng tạo cho phép phóng đại nhưng vẫn phải giữ được tinh thần và đặc trưng của cổ vật gốc. Khi xây dựng các biểu tượng văn hóa chứa nội dung và chiều sâu cảm xúc, chúng tôi mong thế hệ trẻ có thể dễ dàng tiếp cận và cảm nhận được hơi thở của truyền thống ngàn năm”, anh chia sẻ.

“Chiếc bình chứa văn hóa”

Ở Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, tại một hội chợ văn hóa được tổ chức gần đây, hơn 1.000 hộp quà lưu niệm đã được bán hết sạch ngay trong ngày đầu ra mắt.

Bên trong mỗi hộp là mô hình Tiểu Tự Tại được lấy cảm hứng từ pho tượng Quan Âm 11 mặt bằng đất sét nổi tiếng tại chùa Đậu Lê - một trong ba ngôi chùa thời Liêu (916–1125) còn sót lại ở Trung Quốc, được chọn làm bối cảnh quay cho tựa game đình đám Black Myth: Wukong (Hắc Thần Thoại: Tôn Ngộ Không).

Người thiết kế mô hình độc đáo này là Ngô Địch – chuyên gia lập kế hoạch và điều phối sản phẩm văn hóa của chính ngôi chùa cổ này.

Các thiết kế của anh vẫn trung thành với nghệ thuật điêu khắc cổ và bản sắc văn hóa vùng miền, nhưng được tái hiện như một biểu tượng cảm xúc gắn liền với cuộc sống hiện đại.

Nhờ vậy, pho tượng không còn đơn thuần là một món đồ trang trí, mà trở thành một “bình chứa văn hóa” – nơi chất chứa cảm xúc và kết nối tâm hồn.

Mô hình lưu niệm Tiểu Tự Tại lấy cảm hứng từ tượng Quan Âm 11 mặt bằng đất sét tại chùa Đậu Lê. (Ảnh: Ngô Địch cung cấp)

Mô hình lưu niệm Tiểu Tự Tại lấy cảm hứng từ tượng Quan Âm 11 mặt bằng đất sét tại chùa Đậu Lê. (Ảnh: Ngô Địch cung cấp)

Cùng chung quan điểm với nhà thiết kế Trịnh Châu, Ngô Địch cho rằng: “Mục tiêu lớn nhất của việc làm sản phẩm văn hóa sáng tạo là kích hoạt lại những giá trị văn hóa cổ xưa, đưa chúng len lỏi vào đời sống thường ngày của con người hiện đại".

Từ trải nghiệm thực tế, anh nhận thức được muốn tạo ra một sản phẩm văn hóa thu hút, điều đầu tiên là phải hiểu thật rõ văn hóa truyền thống để giữ được tinh thần gốc trong thiết kế. Bên cạnh đó, cũng cần nắm bắt xu hướng thẩm mỹ và thị hiếu của người trẻ hiện nay.

Ngoài ra, việc kết nối với người dùng cũng rất quan trọng. Anh thường dùng video ngắn để kể lại hành trình tạo ra sản phẩm từ lúc phác thảo cho đến khi hoàn thiện. Điều này giúp người xem cảm nhận được nét đẹp của văn hóa truyền thống một cách gần gũi hơn.

Anh Ngô Địch chia sẻ: “Khi người ta hiểu được sản phẩm đến từ đâu, được làm ra như thế nào thì họ sẽ thấy văn hóa truyền thống không còn xa cách. Ngược lại, họ tò mò, thích thú và dễ tiếp cận hơn".

Từng là sở thích của một bộ phận nhỏ, các sản phẩm văn hóa sáng tạo ngày nay đã trở thành xu hướng tiêu dùng được ưa chuộng nhờ sự quan tâm ngày càng lớn đến văn hóa truyền thống, đặc biệt là làn sóng Guochao (phong cách Trung Hoa hiện đại).

Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), hiện nhiều bảo tàng và công ty thiết kế đang tích cực tuyển dụng các nhà sáng tạo văn hóa. Họ không chỉ biết tạo ra những sản phẩm đẹp, mà còn hiểu cách tiếp thị và quản lý sản phẩm hiệu quả.

(theo Global Times)

Tố Uyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trao-luu-van-hoa-bien-co-vat-thanh-bieu-tuong-hien-dai-o-trung-quoc-320489.html