Di sản ngàn năm ở Khánh Hòa được công nhận di tích quốc gia đặc biệt
Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, 'Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa' được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể.
Tối 10/7, tại di tích Tháp Bà Ponagar, phường Bắc Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa”.
Vinh danh di sản văn hóa lâu đời
Di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1979 và Lễ hội Tháp Bà được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Tháp Bà có giá trị đặc biệt tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử; hiện còn bảo lưu 14 đạo sắc phong và 28 đơn vị minh văn trên các bia ký cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác.

Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar. Ảnh: Lê Sơn
Trải qua thăng trầm lịch sử, di tích Tháp Bà Ponagar ngày càng được quan tâm đầu tư, bảo tồn bài bản, phát huy rõ nét vai trò là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu tiêu biểu không chỉ của Khánh Hòa mà còn của cả khu vực Nam Trung Bộ. Tháp Bà còn diễn ra các chương trình biểu diễn định kỳ như “Linh thiêng xứ Trầm”, “Trăng soi dáng Tháp”, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tại di tích, mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm giàu bản sắc truyền thống.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn được biết tới với tên gọi “Xứ Trầm hương”, một thương hiệu nổi tiếng của cả nước, gắn liền với đó là hình tượng của Nữ thần Thiên Y A Na. Hình tượng Nữ thần Thiên Y A Na được những nghệ nhân thực hành nghề trầm hương tôn vinh là thủy tổ của nghề.

Trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa”. Ảnh: Lê Sơn
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hiện nay đã có nhiều làng nghề, hợp tác xã, nhóm nghề, hộ gia đình làm nghề trầm hương, góp phần tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc nổi tiếng từ trầm hương như: nhang trầm, vòng trầm, tượng trầm, tinh dầu trầm… Trong đó, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ trầm hương đạt chất lượng cao và uy tín ở trong nước và trên thế giới, đạt chứng nhận chất lượng OCOP quốc gia, góp phần khẳng định thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa”.
Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, hiện nay nghề khai thác trầm hương Khánh Hòa vẫn được người dân bảo tồn, gìn giữ những tri thức dân gian trong việc duy trì những kinh nghiệm để phát triển, tái tạo, chế tác làm phong phú và đa dạng các sản phẩm trầm hương đến với mọi người, mọi nhà; tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc và là quà tặng du lịch độc đáo của du khách khi đến với “Xứ Trầm hương - tỉnh Khánh Hòa”.

Các phần tái hiện ấn tượng diễn ra tại lễ công bố. Ảnh: Lê Sơn
Theo Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Tháp Bà Ponagar chính thức được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, “Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa” cũng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1651/QĐ-BVHTTDL ngày 3/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Tháp Bà Ponagar không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo có giá trị thẩm mỹ, lịch sử mà còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như sắc phong, bia ký, tượng cổ… Đặc biệt, tượng Nữ thần Thiên Y A Na là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Chăm, thể hiện thần thái sinh động, biểu cảm sâu sắc, phản ánh chiều sâu tín ngưỡng và tài hoa văn hóa của cả một thời kỳ lịch sử.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lê Sơn
Tháp Bà Ponagar và tri thức chế biến trầm hương không chỉ là di sản quý giá của địa phương, mà còn là biểu tượng kết nối cộng đồng, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian tới đây tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh các nội dung, giải pháp cụ thể nhằm góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh Khánh Hòa gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa.

Ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lê Sơn
Phát biểu tại buổi lễ, ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho biết: "Tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục phát huy giá trị Tháp Bà Ponagar, hài hòa giữa bảo tồn di tích, cảnh quan và văn hóa bản địa. Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội cam kết đồng hành cùng địa phương; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế, chính sách về văn hóa phù hợp với đặc thù của đất nước; phát triển công nghiệp văn hóa, đưa di sản trở thành nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân".
Tháp Bà Ponagar ở nằm trên đồi Cù Lao, bên dòng sông Cái, trên đường 2 Tháng 4, phường Bắc Nha Trang.Tương truyền, dưới vương triều Panduranga để thờ nữ thần Ponagar là Mẹ xứ sở của người Chăm (gọi là Tháp Bà Ponagar), gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Chăm - Việt hơn nghìn năm qua.