Trao quyền cho người khuyết tật trong chống biến đổi khí hậu

Người khuyết tật thiệt thòi hơn trước tác động của biến đổi khí hậu và họ có thể tham gia tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hội thảo Biến đổi khí hậu, tiếp cận nguồn nước và hòa nhập người khuyết tật tại Việt Nam

Hội thảo Biến đổi khí hậu, tiếp cận nguồn nước và hòa nhập người khuyết tật tại Việt Nam

Một ngày tháng 8, trời mưa lớn nhưng vì kế sinh nhai, chị Phương (hơn 30 tuổi, người khuyết tật vận động ở Nghệ An) vẫn cố gắng đi xe máy đến nơi làm việc. Khi nước lũ dâng lên đột ngột, chị rơi vào cảnh hoảng loạn thực sự.

“Em rất sợ, em rất là sợ, em sợ cực kì luôn. Khi mà em đẩy xe đi và nước dâng đến ngang bụng, thì toàn những điều nguy hiểm đến tính mạng nảy ra trong đầu em. Sợ bị chìm, bị ô tô đi ngang qua tạt nước làm đổ xe, ngã người bởi sức khỏe của em rất yếu”, chị Phương chia sẻ.

Em rất sợ, em rất là sợ, em sợ cực kì luôn. Khi mà em đẩy xe đi và nước dâng đến ngang bụng, thì toàn những điều nguy hiểm đến tính mạng nảy ra trong đầu em.

Chị Phương

Một người khuyết tật vận động ở Nghệ An

Chị phải dắt bộ, nhờ người đi đường đẩy giúp xe. Và sau hơn 1 giờ vật lộn chị cũng tới được nơi làm việc. Sau trận lụt đó, chị bị ốm ho và sốt cao, phải nghỉ làm việc chừng 2 tuần. Và ảnh hưởng tới sức khỏe cũng đồng nghĩa với ảnh hưởng đến sinh kế…

Tác động đa tầng

Có thể thấy, biến đổi khí hậu có tác động lớn nhất tới những người nghèo và những người dễ bị tổn thương. Trong nhóm này, 20% là người khuyết tật, những người gần như luôn bị thiệt thòi gấp đôi.

Kết quả dự án khảo sát về tác động của biến đổi khí hậu tới người khuyết tật năm 2023 của Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội tại Hà Nội và Nghệ An cho thấy, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe là một trong những tác động xuyên suốt đối với người khuyết tật ở tất cả các dạng tật.

Điển hình, với người khuyết tật vận động, biến đổi khí hậu khiến cho điều kiện về nơi ở của người khuyết tật trở nên không an toàn do đồ đạc và thiết bị trong phòng của họ không được lắp đặt chắc chắn, và dễ bị tổn thương với các vách ngăn nhỏ như kính và trần nhà treo.

Ngoài ra, người khuyết tật có khả năng sơ tán thấp hơn do thiếu khả năng tiếp cận tới nơi trú ẩn và phương tiện giao thông, thiếu sự hỗ trợ, có thể phụ thuộc vào các thiết bị y tế khác và động vật hỗ trợ.

Trả lời khảo sát, bà H., nữ khuyết tật vận động, 56 tuổi cho biết: “Khi lũ đến, vợ chồng tôi bám trụ ở nhà sinh hoạt và trông coi nhà cửa, chỉ gửi con sang nhà hàng xóm để tránh trú, còn bố mẹ thì ở nhà thôi, ngồi co ro đó”.

Phần lớn người khuyết tật trên toàn cầu sống ở những khu vực nông thôn và trong tình trạng đói nghèo. Điều này có nghĩa là họ thường phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên để tồn tại và sinh sống, hoặc họ có thể chưa tiếp cận được tới các nguồn tài nguyên tự nhiên và các nguồn tài nguyên quan trọng khác để bắt đầu khai thác.

Khi các nguồn tài nguyên khan hiếm do biến đổi khí hậu, sự tồn tại của họ sẽ bị đe dọa. Do thiếu tiếp cận với giáo dục và việc làm, người khuyết tật thường có ít cơ hội nghề nghiệp để đa dạng hóa các nguồn thu nhập, hoặc các nguồn việc làm và tạo thu nhập thay thế do biến đổi khí hậu.

Khi các khu vực trở nên khó sinh sống và ngày càng ít có cơ hội sinh kế, và người dân bắt đầu chuyển tới các khu vực khác, người khuyết tật có thể không di cư được do các rào cản, hoặc họ có thể bị các thành viên trong gia đình bỏ lại phía sau khi di chuyển tới vùng khác sinh sống. Hoặc thậm chí khi người khuyết tật có thể di cư, họ cũng gặp phải các rào cản khác về giao tiếp, thể chất khi tìm kiếm sinh kế tại các cộng đồng mới.

Phụ nữ và trẻ em gái thường là những người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thậm chí chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Tại Việt Nam, một nước với tỷ lệ làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn, phụ nữ thường tham gia nhiều vào các hoạt động nông nghiệp và những hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và nguồn tài nguyên như: kiếm củi để nấu ăn, lấy nước...

Do vậy, khi các nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm, khối lượng công việc của người phụ nữ tăng nhiều hơn. Khi công việc này chiếm nhiều thời gian hơn, phụ nữ và trẻ em gái có ít thời gian hơn cho việc giáo dục, giải trí và tham gia vào việc ra quyết định. Từ đó, áp lực tâm lý họ gặp phải qua đó cũng tăng lên.

Người đóng góp thay vì nạn nhân

Trong nhiều năm qua, khi xây dựng các sáng kiến, ra các quyết định hành động về khí hậu, các cơ quan, tổ chức còn đang chưa lắng nghe và tính tới những người yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em gái và người dân tộc thiểu số. Quá trình này có thể khiến cho sự bất bình đẳng đang tồn tại trong xã hội trở nên tồi tệ hơn.

Người khuyết tật không phải là một nhóm đồng nhất mà chịu tác động từ biến đổi khí hậu một cách rất đa dạng, từ vị trí địa lý, mức độ thu nhập, trình độ bằng cấp, tuổi tác, dạng tật, giới, nhóm dân tộc và các yếu tố khác.

Vì vậy, theo bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, các cơ quan nhà nước và tổ chức nên lắng nghe những ý kiến đóng góp của những nhóm người khuyết tật khác nhau về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến họ cả về thể chất và tinh thần, cũng như nhu cầu và mong muốn của họ.

Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, chia sẻ về tác động của biến đổi khí hậu đối với người khuyết tật

Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, chia sẻ về tác động của biến đổi khí hậu đối với người khuyết tật

Thêm vào đó, theo bà Huyền, người khuyết tận không nên chỉ được coi là nạn nhân của biến đổi khí hậu, mà nên được coi là những nhân tố cần đóng vai trò tích cực trong việc thiết kế, thực hiện các kế hoạch hành động về khí hậu để đảm bảo rằng không bỏ ai lại phía sau, mang lại lợi ích cho xã hội và công bằng cho toàn thể cộng đồng nói chung.

Trên toàn cầu, dữ liệu và số liệu thống kê về tác động của biến đổi khí hậu với người khuyết tật còn thiếu. Do vậy, theo bà Huyền, trong việc thích ứng các vấn đề về môi trường, các bên tài trợ cũng nên hướng mục tiêu cụ thể vào nhóm người khuyết tật hoặc khi gây quỹ cho khí hậu nói chung thì cần bao gồm cả người khuyết tật.

Các tổ chức của người khuyết tật nên đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu và thu thập số liệu này. Họ hiểu biết về những vấn đề của người khuyết tật, do đó cách khai thác thông tin của họ sẽ sâu sát, đúng và trúng hơn với những nhu cầu, mong muốn của người khuyết tật.

Ông Khánh, thành viên thuộc Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội chia sẻ về trải nghiệm của mình trong chuyến khảo sát: “Người khuyết tật và gia đình của họ rất hồ hởi, và sẵn sàng đóng góp ý kiến khi được quan tâm, lắng nghe chia sẻ từ những người đồng cảnh ngộ. Điều đó giúp chúng tôi có được những góc nhìn đa diện và sâu sắc hơn trong việc khảo sát, từ đó góp ý vào chính sách nói chung”.

Người khuyết tật và gia đình của họ rất hồ hởi, và sẵn sàng đóng góp ý kiến khi được quan tâm, lắng nghe, chia sẻ từ những người đồng cảnh ngộ.

Ông Khánh

Thành viên thuộc Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội

Người khuyết tật chiếm một tỷ lệ lớn trong xã hội, trong khi đó biến đổi khí hậu ngày càng có tác động lên đối tượng này sâu rộng và mạnh mẽ. Việc lắng nghe ý kiến của người khuyết tật, khiến họ trở thành một phần của việc xây dựng, thực hiện những sáng kiến, chính sách sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào hoạt động chống biến đổi khí hậu nói riêng và phát triển bền vững của cộng đồng nói chung.

Những năm gần đây, những người khuyết tật như chị Phương, hay gia đình bà H. đang bắt đầu được lắng nghe và quan tâm nhiều hơn trong phương diện chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, những quan tâm, chia sẻ đó cần được nhân trên phạm vi rộng hơn, trao quyền cho người khuyết tật nhiều hơn trong hành trình chống biến đối khí hậu.

Hường Hoàng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/trao-quyen-cho-nguoi-khuyet-tat-trong-chong-bien-doi-khi-hau-1705238241185.htm