Trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn...

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, với nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung quan trọng. Chiều nay (8/6), Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật quan trọng này.

Trình Quốc hội dự án Luật, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.

So với Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung thêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn, đó là “hợp tác, phối hợp và độc lập với người sử dụng lao động”. Quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02 NQ/TW của Bộ Chính trị, theo đó “Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất theo mô hình công đoàn 4 cấp” và “Mô hình tổ chức Công đoàn các cấp được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tiễn”.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cho phép “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ”.

Dự thảo Luật cũng tách riêng 1 điều quy định về “Giám sát của công đoàn” (Điều 16 dự thảo Luật); bổ sung quy định mới về “Phản biện xã hội của công đoàn”.

Đáng quan tâm, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn...

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô trước Kỳ họp thứ 7 của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, ông Hoàng Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm cho biết, cán bộ Công đoàn cơ sở doanh nghiệp 100% là kiêm nhiệm, trong khi tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp ngày càng phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Công đoàn phải nắm chắc tình hình doanh nghiệp, công nhân lao động và am hiểu kỹ năng hoạt động công đoàn và pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.

Ông Tiến đề nghị Luật Công đoàn (sửa đổi) cần bổ sung quy định bảo đảm về tổ chức, cán bộ công đoàn theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn là cán bộ, công chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của nhiều đoàn viên, người lao động. (Ảnh minh họa: Hoàng Phúc)

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của nhiều đoàn viên, người lao động. (Ảnh minh họa: Hoàng Phúc)

Việc giao chỉ tiêu biên chế căn cứ theo số lượng đoàn viên, số lượng Công đoàn cơ sở mà đơn vị đó quản lý. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tuyển dụng được cán bộ Công đoàn xuất thân từ công nhân, xuất thân từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy cho hay, thực tế ở một số đơn vị FDI, việc quản lý thời gian của người lao động rất chặt chẽ, việc tham gia các hoạt động do cấp trên triển khai hoặc dành thời gian cho hoạt động công đoàn đều phải báo cáo cụ thể với người sử dụng lao động.

Do vậy, quy định cán bộ Công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian để thực hiện nhiệm vụ Công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương là rất cần thiết. Tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm.

Bà Lê Thị Kim Huệ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Đống Đa lại cho hay, còn bất cập về quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn. Thực tế trong thời gian vừa qua, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do phải dừng sản xuất, đơn hàng bị cắt giảm, có mong muốn được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn. Nhưng, do Luật chưa quy định nên không thực hiện được.

Vì vậy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Đống Đa đề nghị Luật Công đoàn (sửa đổi) cần bổ sung quy định cụ thể trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trao-quyen-chu-dong-hon-cho-to-chuc-cong-doan-trong-cong-tac-can-bo-171911.html