Trao tặng 'nhà nghĩa tình' cho thân nhân Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng
Ngày 26/7, TTXVN đã trao tặng nhà nghĩa tình cho thân nhân Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng; dâng hương tại Nhà lưu niệm Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến và tặng quà cho học sinh tại tỉnh Hà Tĩnh.
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2025), hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945-15/9/2025), ngày 26/7, Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức Lễ bàn giao nhà nghĩa tình cho thân nhân Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng (nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh năm 1971 tại thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh, phường Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), tại tỉnh Hà Tĩnh.
Hoạt động trên là dịp để tỏ lòng biết ơn đến sự hy sinh xương máu của Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng; và góp phần lan tỏa các hoạt động xã hội tình nghĩa, chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó tiếp tục phát huy truyền thống nhân văn cao đẹp của viên chức, người lao động Thông tấn xã Việt Nam.
Xúc động lễ bàn giao “nhà nghĩa tình”
Sau những ngày mưa bão, bầu trời Thiên Cầm (tỉnh Hà Tĩnh) trong xanh vời vợi. Khi chiếc xe chở đoàn cán bộ, nhân viên của TTXVN dừng trước cổng, chị Thanh và chồng nhanh chóng bước đến chào đón đoàn trong niềm xúc động, vui mừng - như lời chị chia sẻ rằng: “Nghe tin đoàn về, mấy hôm nay, nhà tôi phấn khởi lắm!”
Ngay khi bước vào căn nhà mới xây “bằng tình cảm” của những người làm báo Thông tấn xã Việt Nam, đoàn xin phép đặt lên bàn thờ những cành hoa, cúi đầu thành kính, dâng nén hương thơm tưởng nhớ Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung cùng các thành viên thành kính, dâng nén hương thơm tưởng nhớ Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng sinh năm 1939, tại xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn (nay là xã Tứ Mỹ), tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1962, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông học nghiệp vụ báo chí và trở thành phóng viên tin của Việt Nam Thông tấn xã vào năm 1966. Đến năm 1968, ông tham gia chiến trường miền Nam, là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng miền Trung Trung Bộ - đúng vào thời điểm nơi đây trung lực lượng, tiến công liên tục, mạnh mẽ nhằm đánh sập ngụy quân, ngụy quyền, kết hợp với những cuộc khởi nghĩa của quần chúng giành chính quyền.
Ngày 3/7/1971, ông bị trúng pháo của địch và hy sinh tại thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1994 (sau 23 năm ở vùng từng là chiến trường máu lửa), TTXVN và gia đình đã tổ chức đưa hài cốt Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng về quê hương theo nguyện vọng của gia đình. Đây là một trong những việc làm đầy tình cảm và trách nhiệm với nhà báo, liệt sỹ của ngành.
Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng hy sinh, để lại người con duy nhất là chị Lê Thị Thanh. Chị là người thờ cúng cha suốt nhiều năm qua trong căn nhà đã xuống cấp.

Căn nhà cũ của gia đình chị Lê Thị Thanh. (Nguồn ảnh: Vietnam+)
Với sự đồng hành của Samsung Việt Nam, Báo Điện tử VietnamPlus và Văn phòng của Thông tấn xã Việt Nam đã hỗ trợ gia đình xây dựng căn nhà mới. Tháng 3/2025, TTXVN chính thức khởi công xây dựng ngôi nhà nghĩa tình cho gia đình chị Thanh. Sau 4 tháng khởi công, ngôi nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ngôi nhà 2 gian với đầy đủ các công trình phụ trợ, được xây dựng trên nền diện tích hơn 60m2.
Chia sẻ tại lễ trao nhà nghĩa tình cho gia đình chị Lê Thị Thanh vào ngày hôm qua, 26/7, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung cho hay: “Tôi rất xúc động được có mặt tại Thiên Cầm, vùng đất duyên hải của tỉnh Hà Tĩnh với bề dầy lịch sử - văn hóa, giàu truyền thống cách mạng; và đặc biệt vào những ngày tháng Bảy vô cùng ý nghĩa khi cả nước kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ với nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân!”
Lễ trao nhà nghĩa tình là sáng kiến của Báo Điện tử VietnamPlus và Văn phòng của TTXVN. Đây là hai đơn vị có nhiều đóng góp nổi bật trong công tác thông tin cũng như sự phát triển lớn mạnh của cơ quan thông tấn quốc gia trong những năm qua; đồng thời cũng là những đơn vị đi đầu trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Lãnh đạo TTXVN đánh giá cao sáng kiến của các đơn vị đã thực hiện công trình nhà tình nghĩa cho thân nhân gia đình Liệt sỹ Lê Viết Vượng, nhà báo chiến sĩ của TTXVN.

Lễ trao tặng nhà nghĩa tình cho gia đình chị Lê Thị Thanh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Lễ trao nhà nghĩa tình càng làm sâu sắc thêm truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện sự tri ân, tình cảm và trách nhiệm của đội ngũ viên chức, người lao động TTXVN nói chung và Báo Điện tử VietnamPlus, Văn phòng TTXVN nói riêng đối với gia đình liệt sỹ, người có công, thân nhân người có công; góp phần nhỏ bé đồng hành với địa phương trong việc thực hiện chương trình mang ý nghĩa nhân văn, đang có sức lan tỏa lớn “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.” Đây cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa để kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống TTXVN.
“Thay mặt những người làm báo TTXVN, chúng tôi vinh dự mang niềm vui đến gia đình chị Lê Thị Thanh để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Nhà báo - Liệt sỹ Lê Viết Vượng. Xin kính chúc gia đình Chị Lê Thị Thanh có một nơi để ‘an cư’ luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, ổn định cuộc sống và tiếp tục vươn lên,” Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung chia sẻ thêm.
Đại diện chính quyền địa phương, ông Từ Tuấn Phương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thiên Cầm, nhấn mạnh lễ trao nhà nghĩa tình cho thân nhân Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng, là chương trình hết sức ý nghĩa, có giá trị nhân văn cao cả; đặc biệt là chương trình được tổ chức vào dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống Thông tấn xã Việt Nam, cũng như chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
“Với tinh thần đó, được đến dự lễ trao nhà nghĩa tình, thực sự tôi cũng rất cảm động, thấy được tình cảm của TTXVN dành cho nhà báo, người chiến sỹ đã hi sinh trong chiến trường vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Thay mặt cấp ủy, chính quyền địa phương, xin được gửi lời cảm ơn TTXVN. Về phía địa phương, chúng tôi hứa sẽ tiếp tục quan tâm đến các đối tượng chính sách, trong đó có gia đình chị Lê Thị Thanh - người con duy nhất của Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng,” ông Phương nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung và các thành viên trong đoàn, tặng quà cho gia đình chị Lê Thị Thanh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Thay mặt ban phụ trách báo, Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy TTXVN, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, chia sẻ: “TTXVN có gần 260 nhà báo - liệt sỹ đã hy sinh trong chiến tranh, trong đó có Nhà báo, Liệt sỹ Lê Viết Vượng. Những tổn thất ấy hết sức lớn lao. Chính vì vậy, TTXVN rất coi trọng truyền thống tri ân. Cứ đến dịp ngày thương binh - liệt sỹ, kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, TTXVN đều có những hoạt động ý nghĩa và giá trị.”
“Những hoạt động đó thực sự mang lại cho chúng tôi những cảm xúc, tình cảm, sự tri ân. Trong dịp trao tặng nhà nghĩa tình hôm nay, của TTXVN gửi đến gia đình chị Thanh, dù món quà nhỏ, nhưng thể hiện sự biết ơn tới thế hệ cha chú. Chúng tôi cũng mong rằng gia đình sẽ có điều kiện tốt hơn, có nhiều niềm vui trong cuộc sống,” Nhà báo Trần Tiến Duẩn chia sẻ, đồng thời cũng gửi lời chúc bà con xã Tứ Mỹ và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đổi mới, vươn mình phát triển.
Chia sẻ trong sự xúc động, chị Lê Thị Thanh cho hay: “Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình, tình cảm, từ trước tới nay của cơ quan TTXVN - nơi bố tôi từng có những năm tháng tuổi trẻ được gắn bó, làm việc.”
Nói thêm về hoàn cảnh của gia đình trước và sau khi có nhà mới, chị Thanh cho biết gia đình có căn nhà nhỏ vì đã xây dựng từ lâu nên cuối năm 2024 đã bị nứt tường, hỏng mái. Do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình không thể sửa chữa ngay được, nên thường xuyên bị mưa dột, ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt hàng ngày.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung, Nhà báo Trần Tiến Duần - Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, và các thành viên thăm khuôn viên nhà nghĩa tình. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
“Rất mừng là nhờ sự hỗ trợ, quan tâm của Ban Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, Ban Lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus và các bên liên quan, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà cấp bốn, không còn lo mưa dột nữa rồi. Gia đình tôi mừng lắm!”
Qua chia sẻ của chị Thanh, chúng tôi, những người làm báo Thông tấn xã Việt Nam, cũng có phần tự hào, phấn khởi, bởi như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi nói về công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát rằng: “Mái nhà không chỉ là chỗ trú mưa, tránh nắng. Đó là nơi ủ ấm niềm tin, chắt chiu hy vọng.”
Và rồi đến ngày 2/9/2025, khi cả dân tộc mừng 80 năm độc lập, cả nước sẽ không chỉ nhìn thấy quốc kỳ tung bay, mà còn thấy hàng nghìn ngôi nhà mới khang trang trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là những mái nhà nghĩa tình, được dựng lên bằng niềm tin, sự đồng lòng và khát vọng không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Uống nước nhớ nguồn” - Tri ân “anh cả” của ngành
Nằm trong chuỗi hoạt động tri ân dịp 27/7, cùng ngày, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung, Ban Lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus và Văn phòng TTXVN, cùng các thành viên trong đoàn cũng đã đến dâng hương tại Nhà lưu niệm Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến (nhà lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam, liệt sỹ đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam) ở xã Tứ Mỹ.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung, Ban Lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus và Văn phòng TTXVN, cùng các thành viên trong đoàn dâng hương tại Nhà lưu niệm Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ngay khi có mặt tại Nhà lưu niệm, đoàn đã đặt lên bàn thờ những cành hoa, cúi đầu thành kính, dâng nén hương thơm tưởng nhớ nhà báo, liệt sỹ đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam; tấm gương sáng ngời của nền báo chí cách mạng.
Theo tài liệu lưu giữ tại đây, nhà báo Trần Kim Xuyến (sinh năm 1921) là đại biểu Quốc hội khóa I, nguyên Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936. Tháng 3/1947, khi thực dân Pháp huy động quân giới ào ạt tấn công đài phát sóng của ta ở chùa Trầm, Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi để chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Ông bình tĩnh đưa tài liệu đến chỗ kín đáo.
Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ, ông bị trúng đạn liên thanh của quân Pháp, hy sinh tại xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn), huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trước khi chết ông còn cố gắng hô to: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” Được tin nhà báo Trần Kim Xuyến hy sinh, Bác Hồ đã khóc.
Ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến. Trong đó nhấn mạnh: Là một cán bộ tuyên truyền có tài. Trước ngày khởi nghĩa đã tích cực hoạt động giữa Thủ đô, mặc dầu chịu sự khủng bố, kiểm soát chặt chẽ của Pháp và Nhật; đã có công lớn xây dựng Nha Thông tin và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhà báo Trần Kim Xuyến ra đi khi mới 26 tuổi. Đến nay, đã 78 năm hòa vào đất mẹ, nhưng tên tuổi của Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến vẫn luôn được nhắc đến trong lịch sử dân tộc, lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam. Trong nhà tưởng niệm, mỗi kỷ vật đều được lưu giữ cẩn thận để nhắc nhớ về “người anh cả” của TTXVN, nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng hy sinh vì Tổ quốc.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung, Ban Lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus và Văn phòng TTXVN, cùng các thành viên trong đoàn dâng hương tại Nhà lưu niệm Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Chia sẻ thêm với đoàn về quê hương của Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tứ Mỹ (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết xã Tứ Mỹ là một đơn vị hành chính mới được thành lập vào đầu năm 2025, trên cơ sở sáp nhập 3 xã cũ gồm Châu Bình, Tân Mỹ Hà và Mỹ Long.
Hiện xã Tứ Mỹ có diện tích khoảng 38,68 km² và dân số gần 20.069 người. Xã mới Tứ Mỹ có lợi thế về lịch sử, văn hóa truyền thống và có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di tích lịch sử cách mạng, như Đình Dậu Xá (địa điểm trọng yếu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hương Sơn cũ); Nhà lưu niệm Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến.
Mặc dù xã Tứ Mỹ còn nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Trên địa bàn xã có hàng trăm người con của quê hương đã ngã xuống vì đất nước. Nhà báo Trần Kim Xuyến và người em trai Trần Kim Luyệnlà những liệt sỹ tiêu biểu trong số đó.
Vì thế, việc xây dựng Nhà Lưu niệm là sự ghi nhớ công lao của Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến (một người con anh dũng của mảnh đất Tứ Mỹ) đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng chiến, để bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là việc làm để giáo dục cho thế hệ con cháu noi theo, trở thành những nhân tài cho đất nước.

Các thành viên trong đoàn chụp ảnh tại Nhà lưu niệm Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Cùng với đó, TTXVN và chính quyền địa phương đã thành lập Quỹ học bổng Trần Kim Xuyến, góp phần chắp cánh ước mơ cho thế hệ trẻ nơi đây. Đáng mừng là từ khi khánh thành Nhà Lưu niệm Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến (tháng 3/2013), địa phương đã có thêm một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho lớp trẻ.
Món quà nhỏ “tiếp lửa” giúp các em học sinh nghèo vượt khó
Trong chuyến thăm quê hương Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến lần này, đoàn cũng đã trao 40 suất quà cho các em học sinh nghèo vượt khó ở xã Tứ Mỹ.
Tại lễ trao quà được tổ chức trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn Trung Thượng (nằm đối diện Nhà lưu niệm Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến), các thành viên trong đoàn không khỏi xúc động, khi xem báo cáo tổng hợp danh sách các em học sinh nghèo vượt khó được Phòng Văn hóa - Xã hội xã Tứ Mỹ đề nghị tặng quà. Trong số đó, có những em mồ côi cha (bố), mẹ hay ốm đau; có em bị bệnh tim bẩm sinh thường xuyên phải đi viện điều trị; có em bị khuyết tật; có em sống với ông bà ngoại (mẹ đi lấy chồng xa); có trường hợp bố mẹ ly hôn, ở với ông bà già hay ốm đau; có trường hợp bố tâm thần, mẹ làm nông, thu nhập thấp; có trường hợp mẹ bị nhiễm chất độc da cam, bố bị tai nạn đến não, sức khỏe yếu...
Thay mặt các thành viên trong đoàn, Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, cho hay với truyền thống cao đẹp “uống nước nhớ nguồn,” với tình cảm chân thành, sự biết ơn tới “người anh cả” của ngành, đoàn của Thông tấn xã Việt Nam đã về xã Tứ Mỹ (quê hương của Nhà báo, Liệt Sỹ Trần Kim Xuyến) và có những phần quà để tri ân, chia sẻ, động viên các cháu học sinh nghèo nhưng các em đã nỗ lực vươn lên và có thành tích tốt trong học tập.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó ở xã Tứ Mỹ, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Theo Nhà báo Trần Tiến Duẩn, những món quà mà đoàn gửi tặng các cháu học sinh, dù không lớn về vật chất, nhưng thực sự ý nghĩa, thiết thực và giàu tình cảm. Hy vọng những món quà sẽ góp phần “thêm lửa” cho các em học sinh tiếp tục vượt khó, vươn lên trong học tập, trở thành những người con ngoan - trò giỏi của quê hương.
Thay mặt đoàn, Nhà báo Trần Tiến Duẩn cũng gửi lời chúc mừng xã Tứ Mỹ - đơn vị hành chính mới đã chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025 và bước đầu đã đi vào hoạt động hiệu quả, có những hoạt động thiết thực để xây dựng xã vững mạnh.
Cuối chiều, Tứ Mỹ xuất hiện những hạt mưa. Chia tay mảnh đất nghĩa tình đã sinh ra những người những con anh hùng, xe chở đoàn chầm chậm lăn bánh trên con đường mang tên Nhà báo, Liệt sỹ Trần Kim Xuyến. Nhìn nụ cười tươi vui của những em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn cố gắng vượt khó, vươn lên trong học tập - các thành viên trong đoàn chúng tôi đều cảm thấy rất vui và cùng chung một niềm tin rằng nơi đây mãi là “địa chỉ đỏ” giáo dục với lớp trẻ./.
Phát huy truyền thống TTXVN, Báo Điện tử VietnamPlus với gần 17 năm hình thành và phát triển đã đóng góp một phần trong những thành tựu rực rỡ và trang sử hào hùng của cơ quan. Thông qua những chuyến hành trình về nguồn được tổ chức thường kỳ hàng năm (tới những vùng núi xa xôi như Hà Giang, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đến Mũi Cà Mau, Côn Đảo,…), đội ngũ những người làm báo của Báo Điện tử VietnamPlus lại như được tiếp thêm sức mạnh từ những câu chuyện của thế hệ cha chú, những người đi trước, qua đó vững tin hơn nữa trên con đường mình đã chọn, đóng góp cho sự nghiệp của ngành!

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung; Ban Lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus và Văn phòng TTXVN, cùng các thành viên trong đoàn, tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó ở xã Tứ Mỹ, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)