Nghĩa tình tháng Bảy

Tháng Bảy về, mang theo những nén hương thành kính, những bước chân lặng lẽ về với nghĩa trang liệt sĩ, những hành trình thăm hỏi đầy xúc động nơi các gia đình có công với nước.

Trong dòng chảy tri ân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 * 27/7/2025), chúng tôi theo chân Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 355 và Ban liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Thọ về thăm gia đình ông Nghiêm Xuân Hàm, xã Tam Nông - em trai nữ liệt sĩ Nghiêm Thị Chội - một trong 500 cô gái Đất Tổ đã lên đường nhập ngũ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nữ liệt sĩ Nghiêm Thị Chội sinh ra trong một gia đình có bảy anh chị em. Năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đó là thời điểm 500 nữ thanh niên từ quê hương Phú Thọ hành quân vào chiến trường, trở thành những “bông hoa lửa” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Chân dung liệt sĩ Nghiêm Thị Chội.

Chân dung liệt sĩ Nghiêm Thị Chội.

Trong ký ức của đồng đội, liệt sĩ Nghiêm Thị Chội là người lính trẻ đầy nhiệt huyết, gan dạ, luôn xông pha không ngại hiểm nguy. Bà Đặng Thị Phú - người bạn cùng nhập ngũ với liệt sĩ kể lại: “Tôi và liệt sĩ Chội nhập ngũ cùng một đợt. Khi vào đến Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị), chúng tôi ở cùng một đại đội. Ở được vài tháng, tôi được điều lên trung đoàn làm công tác thông tin, còn Chội vẫn ở lại đại đội làm anh nuôi”.

Dẫu là anh nuôi nhưng với nữ chiến sĩ trẻ, gian khổ và hiểm nguy vẫn luôn cận kề. Trong điều kiện thiếu thốn, bà vẫn lặng lẽ làm hậu phương vững chắc cho đơn vị giữa tuyến lửa Trường Sơn. Sau ngày đất nước giải phóng, bà được phân công ở lại phục vụ nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, trực tiếp tham gia xây dựng, sửa chữa cầu Ta Lâu trên tuyến đường 14 - một trong những tuyến giao thông huyết mạch qua khu vực rừng núi hiểm trở. Ở nơi rừng thiêng nước độc, đã lấy đi sinh mệnh người nữ chiến sĩ kiên cường vì căn bệnh sốt rét ác tính.

Bà Đặng Thị Phú - đồng đội cùng nhập ngũ với liệt sĩ Nghiêm Thị Chội không kìm được nước mắt khi nhắc lại những ngày cuối cùng của người bạn chiến đấu. Là nữ duy nhất tại trung đoàn lại cùng quê Phú Thọ, bà đã túc trực chăm sóc liệt sĩ Nghiêm Thị Chội Chội tại bệnh xá.

“Tôi chăm sóc bạn những ngày cuối đời. Nhớ mãi khoảnh khắc chải tóc cho Chội, thấy bạn chỉ có một chiếc cặp tóc, tôi đã tháo cặp tóc của mình, cài cho bạn. Đó cũng là buổi sáng cuối cùng chúng tôi tiễn bạn ra đi” - bà Phú nghẹn ngào kể lại.

Bằng “Tổ quốc ghi công” được trao cho thân nhân liệt sĩ Nghiêm Thị Chội.

Bằng “Tổ quốc ghi công” được trao cho thân nhân liệt sĩ Nghiêm Thị Chội.

Ông Nghiêm Xuân Hàm - em trai nữ liệt sĩ Nghiêm Thị Chội xúc động cho biết: “Ngày nhận được giấy báo tin hy sinh, cả nhà suy sụp. Bao năm qua, gia đình vẫn đau đáu khôn nguôi. Sau này, khi tìm được phần mộ, chúng tôi quyết định để chị yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - nơi có hàng ngàn đồng đội của chị. Gia đình muốn chị không đơn độc, vẫn ấm áp trong vòng tay đồng chí, đồng đội”.

Câu chuyện về liệt sĩ Nghiêm Thị Chội là một trong hàng vạn mảnh đời đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Giữa tháng 7 nghĩa tình, những cuộc gặp gỡ như vậy không chỉ thắp sáng ký ức một thời “chia bom sẻ đạn” mà còn nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về lòng biết ơn, về sự đánh đổi lớn lao để đất nước có được hòa bình.

Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 355 và Ban liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Thọ thăm, tặng quà tri ân gia đình liệt sĩ Nghiêm Thị Chội.

Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 355 và Ban liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Thọ thăm, tặng quà tri ân gia đình liệt sĩ Nghiêm Thị Chội.

Bà Mai Thị Thọ - Phó Chủ tịch hội Truyền thống Trường Sơn, Trưởng Ban Liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh chia sẻ: "Khi đất nước sạch bóng quân thù, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ quân đội, chị em chúng tôi may mắn được trở về quê hương nhưng nhiều đồng đội của chúng tôi đã anh dũng hy sinh, nằm lại Trường Sơn đầy nắng gió. Đó là những mất mát không gì bù đắp được. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các chuyến hành hương tri ân, thăm viếng nghĩa trang, về thăm thân nhân liệt sĩ như một cách để tưởng nhớ, biết ơn và tiếp tục nối dài nghĩa tình đồng đội".

Những ngày cuối tháng Bảy, ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhiều hoạt động tri ân được tổ chức sâu rộng. Tại nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, các ban ngành cùng toàn thể cán bộ, ĐVTN, nghiêm trang thắp những nén nhang, đặt từng đóa hoa lên phần mộ các Anh hùng liệt sĩ. Các hoạt động như “Thắp nến tri ân”, trao tặng ảnh chân dung phục dựng các Anh hùng liệt sĩ... được lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt trong thế hệ trẻ.

Đồng chí Bùi Đức Giang - Bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ chia sẻ: “Thế hệ trẻ hôm nay lớn lên trong hòa bình, cần được hiểu sâu sắc về những mất mát, hy sinh mà cha ông đã trải qua. Những chuyến hành trình về nguồn, những lần cùng nhau quét dọn, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ chính là bài học thực tế về lòng yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc. Tuổi trẻ Phú Thọ hôm nay nguyện tiếp bước cha anh, ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh".

Tỉnh đoàn Phú Thọ và CLB Sinh viên đồng hương Phú Thọ Đại học Ngoại thương (trực thuộc Hội LHTN Việt Nam tỉnh Phú Thọ) tổ chức trao tặng 11 bức ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ cho thân nhân các liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đoàn Phú Thọ và CLB Sinh viên đồng hương Phú Thọ Đại học Ngoại thương (trực thuộc Hội LHTN Việt Nam tỉnh Phú Thọ) tổ chức trao tặng 11 bức ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ cho thân nhân các liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

Mỗi hành động, mỗi việc làm cụ thể hôm nay đều mang theo tấm lòng biết ơn và trách nhiệm của thế hệ sau. Đó cũng chính là cách mà truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tiếp tục được gìn giữ và lan tỏa trong dòng chảy không ngừng của lịch sử dân tộc.

Bảo Thoa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nghia-tinh-thang-bay-236852.htm