Trao truyền, tiếp nối di sản kéo co'Chung một sợi dây' gắn kết cộng đồng

Tại Việt Nam, kéo co là một hình thức thực hành văn hóa, sinh hoạt cộng đồng có từ lâu đời. Dù mỗi cộng đồng có tên gọi, cách thực hành nghi lễ và trò chơi khác nhau, nhưng đều hướng tới mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no.

Tám năm sau khi nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các cộng đồng di sản kéo co tại Việt Nam đã có những kế hoạch kết nối để tăng thêm sức mạnh trao truyền và bảo tồn di sản với thông điệp ý nghĩa: “Chung một sợi dây”.

Độc đáo nghi lễ kéo co ngồi tại đền Trấn Vũ, làng Ngọc Trì (phường Thạch Bàn, quận Long Biên).

Độc đáo nghi lễ kéo co ngồi tại đền Trấn Vũ, làng Ngọc Trì (phường Thạch Bàn, quận Long Biên).

Vì sao lại là kéo co?

Trong khi rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể còn đang chờ đến lượt phong danh, sở dĩ kéo co được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bởi không chỉ là một trò chơi dân gian, mà kéo co còn chứa đựng cả tầng sâu văn hóa thể hiện qua những tập tục và tín ngưỡng riêng của mỗi địa phương. Người dân gửi vào trò chơi kéo co ước mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của các hoạt động nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nghi lễ và trò chơi kéo co gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống, phản ánh đặc điểm tự nhiên và văn hóa của mỗi cộng đồng. Trong kéo co, quá trình lựa chọn dây kéo và người chơi phải tuân theo các quy tắc, lễ nghi cụ thể và tùy thuộc vào phong tục địa phương. Như tại làng Ngọc Trì (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội), các đội kéo co phải ngồi bệt xuống đất (trò này gọi là kéo co ngồi), vật để kéo là một dây song to, nhẵn, dài trên dưới 30m. Cột mốc là một cột trụ, thường là gỗ lim sơn màu đỏ, to cỡ cột đình, thân cột đục một lỗ tròn để luồn dây song.

Trong khi đó, người dân thôn Hòa Loan (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) lại có cách thức chơi kéo co độc đáo, đó là không giới hạn số người chơi và thời gian chơi. Còn tại thôn Ngải Khê (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), vật được dùng để kéo được làm bằng 2 cây tre bánh tẻ, đẹp, thẳng, dài chừng 6 - 7m. Số đốt tre được tính từ gốc tre lên theo 4 chữ định mệnh “sinh, lão, bệnh, tử”, sao cho đốt cuối cùng phải được tính vào chữ "sinh", tránh chữ "tử". Hai ngọn tre được hơ lửa cho dẻo mềm rồi xoáy vặn quặp vào nhau, dùng lạt mềm buộc chặt cố định lại để làm vật kéo, gọi là “kéo mỏ”...

Ngoài ra, trong kéo co, đội thắng và đội thua cũng thường được sắp xếp theo phong tục để thể hiện ý nghĩa tôn giáo nhất định tùy theo phong tục của từng địa phương. Ví dụ, theo phong tục của người Tày và người Giáy, trò chơi kéo co sẽ có sự tham gia của 2 đội chơi, 1 đội nam và 1 đội nữ. Vào những năm chẵn, phần thắng thuộc về đội nữ tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài...

Nỗ lực trao truyền, bảo tồn

Đại diện đội kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) thực hiện nghi lễ tế trước khi thi đấu.

Đại diện đội kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) thực hiện nghi lễ tế trước khi thi đấu.

Nhận diện được giá trị tốt đẹp của trò kéo co, trong 8 năm qua, các cộng đồng kéo co được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã có nhiều hoạt động nhằm trao truyền, bảo tồn di sản. Tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), kéo co hiện đã được đưa về thực hành trong trường học và mỗi năm có khoảng 12.000 học sinh đến di tích đền Trấn Vũ để học, xem và thực hành kéo co. Bên cạnh đó, UBND quận Long Biên đã phê duyệt dự án xây dựng nhà truyền thống để quảng bá, giới thiệu di sản.

Còn tại thôn Hòa Loan (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), hằng năm, nghi lễ và trò chơi kéo co luôn thu hút hàng nghìn người tham dự, không phân biệt người làng hay khách. Tại tỉnh Bắc Ninh, ngành Văn hóa đã phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tiến hành nghiên cứu nghi thức lễ hội kéo co làng Hữu Chấp; sưu tầm, nghiên cứu tài liệu liên quan tới lễ hội... Tại Lào Cai, để trao truyền nghi lễ và trò chơi kéo co của người Tày, Giáy, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ kinh phí mở các lớp truyền dạy, thành lập các đội thi đấu kéo co để tăng tính kết nối giữa các cộng đồng...

Trên địa bàn Hà Nội, kéo co được đưa vào chương trình giáo dục di sản tại các bảo tàng như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội...

Với nghi lễ kéo co, niềm tin là giá trị cốt lõi, thể hiện qua ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, ruộng đất ở nhiều nơi không còn nữa, nên tính thiêng này có nguy cơ mất đi. Thêm vào đó, không gian thực hành trò chơi kéo co cũng không còn nhiều. Ở nhiều nơi, người dân phải kéo nhau ra sân vận động để thực hành kéo co khiến nghi lễ kéo co trở thành trò chơi thể thao thuần túy, làm mai một nét đẹp văn hóa của di sản. Ngay cả dây kéo co, nếu trước là cây song thì nay được thay bằng dây thừng, dây công nghiệp...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cảnh báo: Nếu chỉ coi kéo co đơn thuần là môn thể thao, bỏ qua câu chuyện của người xưa và ý nghĩa tâm linh của nghi lễ thì đó là một sai lầm. Còn Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhận định: Khi đơn thuần chỉ là môn thể thao thì tính nghi lễ, sự gắn kết, giao lưu văn hóa giữa các thành viên trong cộng đồng sẽ giảm đi.

Tạo dựng mạng lưới, tăng sức mạnh bảo vệ di sản

Đại diện các cộng đồng kéo co trong nước và quốc tế nhận quà từ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Tọa đàm Bảo vệ, phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại. Ảnh: Tú Minh

Đại diện các cộng đồng kéo co trong nước và quốc tế nhận quà từ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Tọa đàm Bảo vệ, phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại. Ảnh: Tú Minh

Trước những khó khăn trong việc trao truyền và bảo tồn di sản kéo co, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) mạng lưới cộng đồng di sản kéo co Việt Nam. CLB có nhiệm vụ tập hợp, kết nối và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác, giao lưu, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức, cá nhân thành viên. CLB cũng sẽ kết nối với những cộng đồng di sản kéo co khác, mở rộng và phát triển thành viên. Tinh thần chung của việc thành lập CLB chính là tạo dựng một mạng lưới của cộng đồng, thúc đẩy cộng đồng thể hiện quyền làm chủ di sản một cách thực chất.

Mới đây, ngày 18-11, tại Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nghi lễ và trò chơi kéo co năm 2023 (diễn ra tại đền Trấn Vũ thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội), câu nói được nhắc tới nhiều nhất tại các sự kiện là "Chung một sợi dây”. Đó là thông điệp tuyệt vời mà tất cả các cộng đồng kéo co đều cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của nó. "Sợi dây" đó, theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, là sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, là sự nối dài của những cánh tay, sự tiếp sức từ cộng đồng này đến cộng đồng khác.

Kéo co, xét cho cùng là dành cho chính những người dân ở chung một cộng đồng, cho chính những người nắm giữ nghi lễ. Và cộng đồng, những người làm chủ di sản ấy phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa này một cách tốt hơn. Cụ thể, các cơ quan quản lý văn hóa từ địa phương đến Trung ương cần quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác bảo tồn nghi lễ và trò chơi kéo co; xây dựng không gian phù hợp để thực hành kéo co; triển khai các hình thức quảng bá, phổ biến phù hợp; có những chương trình giáo dục hấp dẫn để thế hệ trẻ hiểu di sản đó là của cha ông mình để lại và mình là thế hệ tiếp nối có trách nhiệm gìn giữ di sản đó. Đặc biệt, hãy để kéo co sống trong không gian mà nó vốn có, như Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý chỉ ra: Kéo co cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác, là nét văn hóa rất bình dị và gần gũi, đừng để di sản hòa tan vào những thứ xô bồ trong thời hiện đại.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trao-truyen-tiep-noi-di-san-keo-co-chung-mot-soi-day-gan-ket-cong-dong-649053.html