Trao vốn, tạo động lực cho phụ nữ nghèo vươn lên sau đại dịch

Với 5,5 triệu đồng được hỗ trợ kịp thời từ dự án 'Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi sinh kế sau Covid-19 cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực', chị Nguyễn Thị Kim Loan, một phụ nữ mất việc từ đại dịch Covid-19, đã có nguồn vốn phát triển kinh tế cho gia đình.

 Chị Nguyễn Thị Kim Loan miệt mài đan giỏ nhựa tại nhà kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan miệt mài đan giỏ nhựa tại nhà kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Giữa những cánh đồng lúa mênh mông, nằm sâu hút trong những con đường làng quanh co, ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Kim Loan (43 tuổi, ở ấp 12, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM) hiện lên với vẻ ngoài cũ kỹ và xuống cấp. Những bức tường gạch màu cam đã nứt nẻ, phía trước được che chắn tạm bợ bằng vài miếng vách tôn. Hơn 2 năm nay, chị Loan vẫn miệt mài đan giỏ trong căn nhà nóng rang ấy, gắng sức mưu sinh qua từng ngày.

"Phải chi có số tiền này sớm hơn, tôi đã mua vật liệu về đan nhiều mẫu giỏ mới và không bỏ lỡ nhiều đơn hàng lớn tại chợ"- chị Loan bắt đầu câu chuyện khi được chúng tôi hỏi về số tiền hỗ trợ từ dự án "Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở TPHCM" của UN Women.

Mạnh mẽ vươn lên sau đại dịch

Chị Loan kể rằng, chị đã làm việc tại một công ty ở quận Bình Tân hơn 8 năm. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chị rơi vào cảnh thất nghiệp, mất đi nguồn thu nhập chính trong gia đình.

Để duy trì cuộc sống, chị Loan nghĩ rằng mình phải tìm một nghề có thể làm tại nhà và tiện chăm sóc con cái. Khi nghe tin người bác họ ở xóm trên dạy nghề đan giỏ, chị đã tìm đến học. Sau một khoảng thời gian ngắn, chị Loan đã thành thạo nghề, tạo ra những chiếc giỏ chắc chắn và đẹp mắt.

Những chiếc giỏ đầy màu sắc, chắc chắn được chị Loan tỉ mỉ làm ra.

Những chiếc giỏ đầy màu sắc, chắc chắn được chị Loan tỉ mỉ làm ra.

Chị Loan cho biết, nghề đan giỏ dây nhựa này không hề dễ, đòi hỏi sự tập trung cao, siết chặt từng sợi dây đan xen vào nhau và phối hợp màu sắc hợp lý để tạo ra sản phẩm bắt mắt. Ban đầu, chị không có tiền mua dây nhựa nên phải vay mượn khắp nơi để mua được 1-2 cuộn dây về làm. Chỉ vài màu sắc đơn giản, sản phẩm của chị không thu hút và liên tục bị khách hàng từ chối.

Không từ bỏ, chị Loan đã sáng tạo ra nhiều mẫu giỏ mới lạ và đi khắp nơi để giới thiệu sản phẩm của mình. May mắn, chị đã tìm được nguồn tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền. Sản phẩm của chị Loan làm ra rất công phu và tốn nhiều thời gian. Mỗi ngày, chị ngồi đan giỏ từ sáng sớm đến chiều tối thì mới hoàn thiện 5 sản phẩm, bán với giá 70.000 đồng mỗi cái.

"Khách hàng thường đặt từ 30- 40 cái mỗi đơn hàng, đôi khi nhiều hơn và mất hơn một tháng để hoàn thành và giao hàng. Mỗi đợt giao hàng, tôi có thể thu về từ 1,5- 1,8 triệu đồng tùy thuộc vào từng loại sản phẩm"- chị Loan chia sẻ.

Với số tiền được hỗ trợ từ dự án, không cần suy nghĩ, vợ chồng chị liền mua ngay 3 cuộn dây đai nhựa đủ loại để phục vụ công việc. Mỗi cuộn nặng từ 60 - 70kg với giá dao động từ 700.000 - 1,8 triệu đồng/cuộn và sẽ làm ra được 40 - 45 chiếc giỏ.

Sau khi được hỗ trợ vốn, chị Loan mua nhiều vật liệu hơn phục vụ công việc

Sau khi được hỗ trợ vốn, chị Loan mua nhiều vật liệu hơn phục vụ công việc

"Cầm trên tay số tiền 5,5 triệu đồng tôi mừng lắm. Trước đây, khi giao hàng xong tôi mới có tiền mua tiếp vật liệu để làm. Nguồn vốn này giúp tôi nhập vật liệu sẵn, trữ ở nhà làm xuyên suốt mà không cần lo lắng không đủ hàng để giao"- chị Loan vui vẻ nói.

Tuy vất vả và thiếu thốn đủ bề, nhưng chị Loan luôn tích cực tham gia các phong trào của hội. Chị thường xuyên mang các sản phẩm giỏ đan của mình đến trưng bày tại các ngày hội khởi nghiệp và ngày hội sống xanh do xã, huyện và thành phố tổ chức. Với sự miệt mài và cố gắng vươn lên trong cuộc sống, chị còn nhận được sự hỗ trợ từ địa phương, bao gồm vay vốn và nhận quà, nhu yếu phẩm cho gia đình.

Hiện tại, công việc của chị Loan đã dần phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Chồng chị cũng chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm để cùng chị lo cho các con đang trong độ tuổi ăn học.

Khi công việc đã ổn định, chị Loan còn dành thời gian dạy nghề đan giỏ cho chị em hàng xóm. Trong tương lai, kinh tế phát triển hơn, chị dự định sửa lại nhà để mở rộng quy mô sản xuất và thuê thêm nhân công để phát triển kinh doanh.

Sơn Vinh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/trao-von-tao-dong-luc-cho-phu-nu-ngheo-vuon-len-sau-dai-dich-20240711152607032.htm