Trẩy hội với vé điện tử, mã QR
Ngay từ ngày đi làm đầu tiên của năm mới, các lễ hội truyền thống như chùa Hương, đền Sóc, Cổ Loa, đền Hai Bà Trưng,… đã đón hàng vạn du khách thập phương. Năm nay, nhiều cách làm mới được áp dụng làm giảm thiểu những bất cập của cảnh 'đường chật, thuyền đông giời ơi chen' như trong thơ Nguyễn Nhược Pháp. Mùa lễ hội có vẻ như đã có một khởi đầu suôn sẻ.
Chen chân mùa hội
Mùng 6 Tết cũng là ngày khai hội của nhiều lễ hội lớn như: lễ hội chùa Hương, lễ hội Gióng đền Sóc, lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Hai Bà Trưng. Theo ghi nhận nhanh của phóng viên, tại lễ hội Chùa Hương, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách đã có mặt tại bến đò, chuẩn bị hành trình vãn cảnh và dâng hương. Mặc dù lượng khách năm nay vắng hơn do khai hội diễn ra vào ngày đầu tuần, nhưng trước đó, từ Mùng 3 đến Mùng 5 Tết, khu di tích đã đón trên 87.000 lượt du khách. Dịch vụ xe điện từ ba tuyến đường vào bến đò hoạt động thông suốt, giúp quá trình di chuyển thuận lợi hơn. Thời gian phục vụ du khách bằng thuyền đò được bắt đầu từ 4h30-20h hằng ngày.
Bà Mai Hương Lan (62 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi đến đây từ sớm. Thời tiết lạnh, lắc rắc mưa phùn nhưng dịch vụ diễn ra rất nhanh chóng, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy hay chèo kéo khách. Trả 230.000 đồng/người cho vé thắng cảnh và đò thuyền như vậy, tôi thấy rất xứng đáng”.
Cùng ngày, lễ hội Gióng đền Sóc cũng diễn ra trong không khí trang nghiêm và náo nhiệt. Ngay từ đêm Mùng 5 Tết, nghi thức tắm tượng (lễ Mộc dục) đã được thực hiện, tiếp đó là nghi lễ phát lộc hoa tre vào rạng sáng Mùng 6. Người dân nô nức tham gia với mong muốn đón nhận may mắn đầu năm.
Tại Cổ Loa, hàng vạn người dân đổ về để dự lễ rước kiệu vua An Dương Vương và bát xã Loa Thành tại Khu di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa. Trước đó, vào ngày 2/2 (Mùng 5 Tết), Tuần văn hóa lễ hội Cổ Loa đã khai mạc với các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như: giải bóng chuyền cúp Loa Thành, giải vật dân tộc, bắn nỏ truyền thống, thi đấu cờ người, đu tiên, biểu diễn tuồng cổ, hát chèo, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục, hát quan họ thuyền rồng…
Trong sáng Mùng 6 tháng Giêng, lễ hội đền Hai Bà Trưng khai hội tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh (Hà Nội). Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đông đảo quan khách, người dân đã có mặt để dự lễ kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật đặc biệt Âm vang Mê Linh, tái hiện hào khí và công lao của hai vị nữ anh hùng dân tộc. Lễ hội sẽ kéo dài đến ngày 10 tháng Giêng.
Ứng dụng công nghệ số
Năm nay, các lễ hội lớn đã có nhiều đổi mới nhằm đảm bảo trải nghiệm tốt hơn cho du khách. Tại chùa Hương, vé điện tử được áp dụng, giúp giảm tải áp lực mua vé tại các trạm kiểm soát. Du khách có thể quét mã qua điện thoại để lên đò nhanh chóng mà không cần chờ đợi. Các thuyền đò đều được trang bị áo phao, dù che nắng mưa và nước uống miễn phí, đảm bảo an toàn cho hành trình vượt suối Yến.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Du lịch chùa Hương cho biết: “Việc áp dụng vé điện tử giúp kiểm soát tốt hơn lượng khách, tránh tình trạng chen lấn tại khu vực soát vé. Giá vé được niêm yết công khai, các lái đò cũng phải quét mã khách để đảm bảo đúng quy định”.
Tại lễ hội Cổ Loa, 100% các điểm kinh doanh dịch vụ đã được di dời ra khỏi không gian tổ chức, giúp khu di tích trở nên thông thoáng hơn. Ban tổ chức cũng đẩy mạnh tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường, lắp đặt nhiều điểm thu gom rác thải và bố trí các gian hàng quảng bá văn hóa địa phương.
Gây tranh cãi nhất ở lễ hội Gióng đền Sóc là nghi lễ rước và cung tiến lễ phẩm giò hoa tre và trầu cau. Những năm trước thường xảy ra tình trạng tranh cướp lộc sau nghi thức tán lộc. Tuy nhiên, từ năm 2018, việc tán lộc đã được Ban tổ chức thay đổi, sau lễ cung tiến, giò hoa tre sẽ được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, sắp ra những mâm nhỏ, chuyển xuống đền Hạ, đền Mẫu để làm lễ, thờ cúng. Giò hoa tre sau đó được phát cho người dân, nên không có cảnh tranh cướp. Thay đổi này đã được đông đảo người dân và du khách thập phương đồng tình, ủng hộ.
Tránh biến tướng lễ hội
PGS.TS Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh: “Lễ hội truyền thống không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Đây là không gian để người dân kết nối với cội nguồn, tri ân các bậc tiền nhân và duy trì bản sắc dân tộc qua từng thế hệ”.
Theo ông, lễ hội là minh chứng rõ nét nhất cho tính cộng đồng của người Việt. “Từ xưa, lễ hội không chỉ là dịp hành hương mà còn là nơi hội tụ của các hoạt động nghệ thuật dân gian như hát quan họ, đấu vật, rước kiệu, trò chơi dân gian. Mỗi lễ hội đều phản ánh một phần lịch sử và tín ngưỡng của vùng đất, từ đó bồi đắp tinh thần tự hào dân tộc”.
Tuy nhiên, ông cho rằng, cần phải tổ chức lễ hội sao cho phù hợp với nhịp sống hiện đại, tránh thương mại hóa hoặc biến tướng. “Giá trị cốt lõi của lễ hội nằm ở sự trang nghiêm, thành kính và tính kết nối cộng đồng. Nếu chỉ chú trọng vào hình thức mà bỏ qua tinh thần, lễ hội dễ bị biến thành sự kiện du lịch đơn thuần, mất đi ý nghĩa văn hóa vốn có”.
Vẫn bất cập
Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng tại một số lễ hội, tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn diễn ra, đặc biệt vào những giờ cao điểm. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh môi trường vẫn là một thách thức. Dọc suối Yến, không khó để bắt gặp rác thải bị vứt bừa bãi dù đã có lực lượng thu gom hoạt động liên tục. Tại một số điểm lễ hội, vẫn còn tình trạng bán hàng rong, gây cản trở dòng người di chuyển.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, PGS.TS Nguyễn Hùng Vĩ nhận định: “Các lễ hội truyền thống không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng mà còn phản ánh nếp sống của người dân. Những hình ảnh chen lấn, tranh cướp lộc làm mất đi giá trị văn hóa vốn có, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn”.
“Điều tôi thấy khó chấp nhận nhất ở những lễ hội hiện nay là sự không ăn khớp với cảnh quan và câu chuyện văn hóa của những điểm check-in. Các thiết kế thường mang tính tạm bợ, nhôm nhựa, chắp vá, không phản ánh được chiều sâu lịch sử hay bản sắc địa phương,” anh Trần Hải Nam, một kiến trúc sư yêu thích văn hóa truyền thống, bày tỏ.
Nhìn quanh nhiều lễ hội lớn như Cổ Loa, đền Sóc hay chùa Hương, anh Hải Nam thấy các điểm check-in được dựng lên vội vàng, dùng các khung kim loại, chữ nổi nhựa cứng, hình vẽ minh họa sơ sài, thậm chí có nơi dùng bạt in hình phong cảnh nhìn như một sự gượng ép. Những yếu tố này không có sự kết nối với không gian di tích, làm mất đi vẻ trang nghiêm vốn có. “Chúng ta đang biến những nơi mang giá trị lịch sử trở thành phông nền tạm bợ chỉ để phục vụ nhu cầu chụp ảnh, thay vì tôn vinh di sản”, anh Nam nói.
Thay vì lối trang trí hiện tại, các địa phương có thể đầu tư vào những thiết kế dựa trên kiến trúc bản địa, sử dụng chất liệu như gỗ, gạch, đá chạm khắc hoặc ứng dụng các họa tiết dân gian từ trống đồng, nỏ thần, hoa văn thời Âu Lạc. “Nếu muốn điểm check-in thu hút, tại sao không tạo những tiểu cảnh gắn với truyền thuyết gốc của địa danh? Một bức phù điêu kể chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy hay một mô hình thành Cổ Loa cách điệu chắc chắn sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với những khung chữ đơn điệu đặt giữa bãi cỏ”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tray-hoi-voi-ve-dien-tu-ma-qr-post1714109.tpo