Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cần được can thiệp sớm
Thông thường, độ tuổi từ 12 - 15 tháng tuổi trẻ em bắt đầu có khả năng sử dụng ngôn ngữ, thế nhưng thời gian gần đây, Đơn nguyên Tâm bệnh (thuộc khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ chậm nói, thậm chí có trường hợp 5 tuổi nhưng vẫn chưa thể phát âm. Điều đáng nói là tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng.
Một buổi bổ trợ dạy mẫu cho phụ huynh sinh hoạt thường kỳ hàng tháng tại Đơn nguyên Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Anh, Phó trưởng Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: Trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận từ 100 - 120 bệnh nhi đến can thiệp, điều trị. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân bệnh lý có thể do gặp các vấn đề ở cơ quan phát âm như tai, mũi, họng (điếc bẩm sinh) hoặc cơ quan chỉ huy gặp tổn thương (bại não). Nguyên nhân tâm lý có thể do trẻ sống trong môi trường được cưng chiều quá mức, hoặc trẻ bị bỏ bê, thiếu các tương tác tích cực, thiếu các trải nghiệm...; hoặc nguyên nhân do trẻ gặp các rối loạn phát triển khác như: Tự kỷ, chậm các mốc phát triển... Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu chậm nói cần đưa đến bệnh viện, hoặc các cơ sở chuyên môn uy tín để kiểm tra và làm các đánh giá, từ đó tìm ra các giải pháp hỗ trợ trẻ kịp thời.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học, trước 4 tuổi là “thời gian vàng” để trẻ phát triển mạnh nhất về ngôn ngữ. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh, nhà trường cần theo dõi sát sao quá trình phát triển ở trẻ, đặc biệt là khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ, nếu phát hiện muộn và can thiệp muộn thì quá trình trị liệu ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn hơn.
Mỗi ngày, Trung tâm An Phương, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) có khoảng hơn 20 trẻ đến can thiệp (bao gồm can thiệp cá nhân và can thiệp nhóm). Gần 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tâm bệnh (tâm thần nhi), bác sĩ CKI Trịnh Thị Phương, cố vấn chuyên môn Trung tâm An Phương cho biết: Điểm khác biệt rõ nhất giữa trẻ mắc tự kỷ và trẻ mắc chậm phát triển ngôn ngữ là trẻ tự kỷ thiếu hụt nhu cầu tương tác với người khác, ngại giao tiếp, thích chơi một mình và có hành vi hạn hẹp, lặp lại... còn trẻ chậm ngôn ngữ vẫn có nhu cầu tương tác với người xung quanh, quan tâm và thích chơi cùng trẻ khác, hành vi không khác biệt nhiều. Chậm nói có thể là một biểu hiện của tự kỷ, nhưng không phải cứ trẻ bị chậm nói là tự kỷ. Để chẩn đoán xác định thì cha mẹ nên cho con đi khám tại các cơ sở y tế, trung tâm uy tín, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm bệnh nhi.
Không bao giờ là muộn để can thiệp trẻ chậm phát triển ngôn ngữ vì ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có những tiến bộ nhất định. Trong 5 năm phát triển đầu đời của trẻ là khoảng thời gian quan trọng trong việc học tập. Đặc biệt 3 năm đầu là thời gian vàng để đánh giá chẩn đoán và can thiệp sớm trẻ chậm nói. Nếu không được can thiệp sớm, đúng cách sẽ dẫn tới việc hiểu và biểu đạt nhu cầu của trẻ gặp khó khăn, cảm xúc cũng bị hạn chế khiến trẻ có nhiều hành vi gây hấn và hành vi không phù hợp. Điều này gây cản trở việc khám phá, học hỏi của trẻ, gây khó khăn về học tập ở tuổi đi học...
Chậm nói ở trẻ nếu không can thiệp kịp thời sẽ khiến trẻ chịu nhiều thiệt thòi trong việc giao tiếp, học hỏi, trải nghiệm hàng ngày. Do đó, phụ huynh cần quan tâm, dành nhiều thời gian tương tác chất lượng cùng con, đặc biệt thông qua những hoạt động hàng ngày như ăn, vệ sinh, đi dạo, trước khi ngủ... Nói từ trọng tâm, nhấn mạnh, lặp đi lặp lại nhiều lần. Tăng cường thu hút sự chú ý của trẻ, nạp từ vựng, giúp con hiểu và biểu đạt phù hợp nhu cầu của con thông qua việc đọc truyện cùng con, chơi cùng con, khám phá những thứ xung quanh trẻ... Gọi tên chính xác, ngắn gọn, phù hợp với trí nhớ và nhận thức của trẻ. Không nên để trẻ một mình quá lâu, không nên để trẻ xem tivi, điện thoại, ipad... một mình quá nhiều. Khi xem cha mẹ nên xem cùng con, đồng thời cùng giới thiệu, bình luận theo nhân vật, hoạt động, hội thoại để giúp con xây dựng phản xạ ngôn ngữ. Ngay khi phát hiện con có dấu hiệu chậm nói ở tất cả các lứa tuổi, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến khám, đánh giá đúng chuyên khoa để con được chẩn đoán xác định và được tư vấn chương trình phù hợp nhất với trẻ, phù hợp với những khó khăn của từng trẻ. Bởi vì mỗi trẻ gặp mỗi khó khăn khác nhau, ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, có những sở thích khác nhau... chính vì thế sẽ không có một chương trình can thiệp chung cho tất cả trẻ, mà mỗi trẻ sẽ có một chương trình can thiệp cá nhân riêng.
Hiện đang điều trị can thiệp cho khoảng 10 trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, lớp Mầm non độc lập Anh Thư là cơ sở 4, thuộc Hệ thống Mầm non Kids Math (Khu đô thị Bắc Ba Đình, huyện Nga Sơn) thường xuyên và định kỳ tổ chức các hoạt động như: Mời bác sĩ chuyên khoa về khám, đánh giá, tư vấn, can thiệp đối với trẻ, tổ chức các hoạt động can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm... thông qua các hoạt động giáo dục, vừa can thiệp vừa hòa nhập, can thiệp cá nhân 1 cô 1 trò để hiểu được khó khăn của trẻ, để kịp thời hỗ trợ trẻ, giúp trẻ có phản xạ ngôn ngữ, tăng cường khả năng giao tiếp.
Tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ cần được phát hiện và can thiệp sớm, nếu để kéo dài sẽ khiến trẻ có nguy cơ tăng động, tư duy logic tiếng nói bị giảm thiểu, thậm chí bị tự kỷ. Không có phương pháp điều trị duy nhất nào phù hợp với mọi trẻ, việc can thiệp, điều trị thường cần nhiều thời gian, sự tham gia tích cực của bố mẹ, gia đình và nhà trường. Do đó, các bậc cha mẹ, nhà trường nên quan tâm, hướng con em mình đến các hoạt động ngoài trời, tập thể, tương tác nhiều hơn để trẻ phát triển một cách toàn diện.