Trẻ có nguy cơ tăng huyết áp nếu mẹ bị béo phì, đái tháo đường và tăng huyết áp khi mang thai

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng sức khỏe của bà mẹ khi mang thai có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sau này của trẻ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nếu mẹ bị béo phì, đái tháo đường và tăng huyết áp khi mang thai thì em bé cũng có thể bị tăng huyết áp.

Mẹ mang thai bị béo phì, đái tháo đường và tăng huyết áp làm tăng nguy cơ con bị tăng huyết áp

Vấn đề sức khỏe tim mạch, đặc biệt là tình trạng tăng huyết áp ngày càng phổ biến và có xu hướng xuất hiện sớm hơn. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mức huyết áp có thể được hình thành thậm chí trước khi sinh. Nhưng hầu hết các nghiên cứu về sức khỏe tim mạch của bà mẹ và trẻ em đều xem xét các yếu tố rủi ro riêng lẻ thay vì khám phá vai trò kết hợp của chúng.

Một nghiên cứu mới từ Trường Y khoa Keck của Đại học Nam California đã xem xét mối liên hệ và tương tác giữa sức khỏe tim mạch chuyển hóa của người mẹ trong thời kỳ mang thai và huyết áp của em bé cho đến khi 18 tuổi.

Mẹ bầu bị tăng huyết áp làm tăng nguy cơ em bé cũng bị tăng huyết áp.

Mẹ bầu bị tăng huyết áp làm tăng nguy cơ em bé cũng bị tăng huyết áp.

Nghiên cứu bao gồm dữ liệu trong gần 30 năm từ 12.480 cặp mẹ - con trên khắp Hoa Kỳ. Gần một nửa số bà mẹ trong nghiên cứu có ít nhất một yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa. Béo phì là phổ biến nhất, tiếp theo là các rối loạn tăng huyết áp khi mang thai bao gồm tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật và các tình trạng khác, cuối cùng là đái tháo đường thai kỳ.

Kết quả cho thấy, trẻ em sinh ra từ những bà mẹ bị béo phì, đái tháo đường thai kỳ hoặc rối loạn tăng huyết áp khi mang thai có huyết áp tâm thu và tâm trương cao hơn trẻ em sinh ra từ những bà mẹ không có các yếu tố nguy cơ này.

Trong số những trẻ em có mẹ có ít nhất một yếu tố nguy cơ, huyết áp cũng tăng nhanh hơn trong độ tuổi từ 2 đến 18 so với những trẻ cùng độ tuổi. Trẻ em sinh ra từ những bà mẹ có hai yếu tố nguy cơ, cụ thể là những bà mẹ vừa béo phì vừa mắc chứng rối loạn tăng huyết áp khi mang thai, con của họ phải đối mặt với mức huyết áp thậm chí còn cao hơn.

Có cần sàng lọc tăng huyết áp ở trẻ em hay không?

Trước tình trạng tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới thì những phát hiện này cho thấy, ngoài việc mang lại lợi ích trực tiếp cho phụ nữ, việc theo dõi chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt hơn trong những năm sinh nở cũng có thể hỗ trợ sức khỏe ở thế hệ tiếp theo. Đồng thời, việc kiểm tra huyết áp sớm cho trẻ em, ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng có thể giúp xác định những đối tượng cần can thiệp trước khi vấn đề phát sinh.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) trẻ em ở mọi lứa tuổi, từ khi mới sinh đến tuổi thiếu niên, đều có thể bị huyết áp cao (còn được gọi là tăng huyết áp). Tình trạng này thường không có triệu chứng và chẩn đoán, điều trị sớm là rất quan trọng. Hướng dẫn nhi khoa khuyến cáo, tất cả trẻ em từ 3 tuổi trở lên nên kiểm tra huyết áp hàng năm để phát hiện sớm và điều trị. Trẻ em dưới 3 tuổi có thể cần kiểm tra huyết áp nếu có tình trạng nguy cơ cao.

Việc kiểm tra huyết áp sớm cho trẻ em rất quan trọng.

Việc kiểm tra huyết áp sớm cho trẻ em rất quan trọng.

Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AAFP) khuyến nghị, đo huyết áp nên được thực hiện tại mỗi lần khám sức khỏe ở trẻ em béo phì; trẻ em đã biết bị bệnh thận, tắc nghẽn cung động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, đái tháo đường hoặc trẻ em đang dùng thuốc được biết là làm tăng huyết áp.

Cần tiến hành khai thác tiền sử, khám sức khỏe và các xét nghiệm sàng lọc có mục tiêu để đánh giá các rối loạn y khoa tiềm ẩn và trẻ em, thanh thiếu niên bị tăng huyết áp nên được sàng lọc các bệnh tim mạch đi kèm bao gồm cả bệnh đái tháo đường và tăng lipid máu.

Theo AAFP, tất cả trẻ em bị tăng huyết áp nên thay đổi lối sống để điều trị. Cụ thể: Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì; thường xuyên hoạt động thể chất; ăn chế độ ăn lành mạnh ít muối; tránh hút thuốc và uống rượu; giảm căng thẳng...

Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-co-nguy-co-tang-huyet-ap-neu-me-bi-beo-phi-dai-thao-duong-va-tang-huyet-ap-khi-mang-thai-169250512160241797.htm