Trẻ con và quyền lực

Một chị dắt cậu con trai học lớp 1 vào một quán bán đồ ăn vặt trong con ngõ nhỏ. Con chị chọn xúc xích rán.

- Cô cho cháu 1 cái xúc xích rán nhé! - Một cháu học cùng khối với con chị cũng vào quán và nói với chị.

- Ừ, cháu bảo cô bán hàng làm đi!

- Cô mà không cho cháu là cháu ghi tên bạn vào sổ cờ đỏ đấy! - Thằng bé nọ nói ráo hoảnh.

- Ơ, cái thằng này…! - Chị bất ngờ.

- Cháu trong đội cờ đỏ, cô mà không cho cháu là cháu ghi tên con cô vào sổ về tội ăn quà vặt! - Thằng bé tiếp tục nói, vẫn ráo hoảnh.

- Ranh con! Cô không cho mày nữa đấy! Mày dọa cô à? - Chị quát.

Rồi chị bảo: Hôm nay ngày nghỉ, với lại trường cháu cách quán này mấy trăm mét. Cháu không thuộc nội quy của trường à?

- Nhưng nếu thích thì cháu vẫn cứ ghi tên bạn vào sổ - Thằng bé tiếp tục, nét mặt không mảy may thay đổi.

- Cô sẽ nói chuyện với cô giáo của cháu!...

Chứng kiến sự việc khiến tôi bất ngờ. Người mẹ trẻ kia vẫn cho thằng bé ăn xúc xích rán cùng con chị. Chị bảo: Ai chấp trẻ con! Chỉ là bây giờ chúng nó nghĩ khác quá, buồn thật!

Chợt nhớ thằng con nhà hàng xóm với tôi, năm nay cũng vào lớp 1, về nhà hí hửng khoe: Cháu làm chủ tịch hội đồng tự quản, có 2 bạn giúp việc, rồi còn 6 ban chuyên môn giúp việc nữa cơ!

Bẵng đi một thời gian, cháu “chủ tịch hội đồng” lại khoe: Sáng nay cháu bắt sống 1 bạn mang kẹo đến lớp!

Tôi và những người có mặt hôm ấy, kể cả bố mẹ cháu, cười… méo mặt. Hóa ra những chuyện như thế này không phải hiếm, mà ngày càng “nở rộ”. Rồi mỗi người một câu, khuyên bảo cháu thế nọ thế kia, để cháu giảm bớt độ ngông nghênh quyền lực. Trong thâm tâm, tôi buồn, người mẹ trẻ kia buồn, bố mẹ cháu “chủ tịch” buồn, những người chứng kiến câu chuyện cũng buồn… còn các thầy cô và nhà trường, ngành giáo dục vui hay buồn thì không ai dám khẳng định.

Vẫn biết mỗi tổ chức đều có và cần phải có nội quy, quy định và phải có người hoặc một nhóm người được giao phụ trách, theo dõi, thực hiện, nhưng giáo dục mang tính đặc thù cao, nhất là bậc tiểu học. Nhiệm vụ của giáo dục tiểu học là phải dạy sao cho con trẻ tự tin, biết thương yêu và giúp đỡ những người xung quanh. Hãy để trẻ nhỏ hồn nhiên, trong sáng, thơ ngây vốn có. Muốn vậy, vai trò dẫn dắt, dạy dỗ, chỉ bảo của thầy cô là rất quan trọng. Nếu không, ở lứa tuổi còn quá nhỏ, các cháu chưa hiểu hết ý nghĩa của từ ngữ dẫn đến hiểu rằng các chức danh đó có quyền hành lớn, rất oai. Các cháu có thể bị nhiễm tư tưởng tự mãn, tự cao, tự đại vì những chức danh cứng cỏi vô hồn; sớm nhiễm tính háo danh, thích quyền uy mà thường thể hiện ở việc kẻ cả, bề trên, soi mói, mách lẻo…

Phạm Đức

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-de-cung-ban-luan/tre-con-va-quyen-luc-z89n2020022108350876.htm