Trẻ em bị xâm hại qua môi trường mạng: Làm sao nhận biết để can thiệp?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: Phần lớn trẻ em Việt Nam được tiếp cận với internet, hầu hết sử dụng Internet hàng ngày, tuy nhiên, chỉ có khoảng một phần ba trẻ em được dạy về đảm bảo an toàn trên mạng.
Do không được trang bị đầy đủ kiến thức, trẻ phải đối diện với nhiều nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng, từ nghiện game, bị bắt nạt, tới việc bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật… Có thể nhận diện trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng như thế nào? Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng?
PV VOV Giao thông đối thoại với bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh nội dung này.
PV: Thưa bà, từ thống kê số cuộc gọi và thực tế ghi nhận của Cục Trẻ em thì thực tế việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng đang có diễn biến ra sao?
Bà Nguyễn Thị Nga: Theo số liệu báo cáo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thì trong năm 2022, có 417 cuộc gọi đến phản ánh về các kênh, các nội dung độc hại, không phù hợp với trẻ em và 5 tháng đầu năm 2023 thì đã có 128 cuộc gọi đến.
Và vấn đề không bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, rồi cho trẻ em chứng kiến với những nội dung độc hại, cũng như vấn đề bắt nạt, xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng… đó là những vấn đề mà trẻ em cũng như phụ huynh, người dân đã quan tâm và gọi đến Tổng đài 111.
PV: Có những dấu hiệu nào giúp cha mẹ nhận biết con em họ bị xâm hại trên môi trường mạng để có giải pháp can thiệp kịp thời?
Bà Nguyễn Thị Nga: Có 5 nhóm liên quan đến rủi ro, những nguy cơ mà các em có thể gặp phải.
Thứ nhất là các em tiếp xúc với những thông tin, những nội dung không phù hợp với sự phát triển theo lứa tuổi của trẻ em, hoặc những nội dung mang tính độc hại.
Vấn đề thứ 2 liên quan đến trẻ em bị bắt nạt trên môi trường mạng.
Nhóm thứ 3 là trẻ em bị dụ dỗ, lôi kéo vào những hành vi vi phạm pháp luật, đua xe, bạo lực…
Nhóm thứ tư liên quan đến vấn đề trẻ em có thể bị lừa gạt thông qua tin nhắn cuộc gọi liên quan đến người thân trong gia đình.
Nguy cơ thứ 5 là các em có thể bị nghiện game, nghiện internet, mạng xã hội…
Khi cha mẹ thấy các biểu hiện của con em mình như là không muốn đến trường, không muốn tụ tập bạn bè, hoặc luôn luôn tự cô lập mình, hoặc không chia sẻ những bất an với cha mẹ… thì cha mẹ cần phải tìm hiểu kỹ và hiểu được tâm lý của con, để cùng con thông báo tới các cơ quan chức năng, để sớm hỗ trợ, can thiệp, xử lý khi các em tham gia môi trường mạng.
PV: Từ thực tế và diễn biến trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, Cục trẻ em có khuyến cáo gì để giảm thiểu tình trạng này?
Bà Nguyễn Thị Nga: Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng như phòng chống xâm hại trẻ em, tôi cho rằng, 5 giải pháp chúng ta phải triển khai đồng bộ. Thứ nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là đưa ra những quy định, những hành vi liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, ví dụ các hành vi bắt nạt, dụ dỗ, lôi kéo trẻ em tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhóm thứ 2 là chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia môi trừng mạng cho chính trẻ em, cũng như cho cha mẹ và các thành viên trong gia đình.
Nhóm thứ 3, chúng ta cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp CNTT, cần đưa những ứng dụng, những sản phẩm để bảo vệ trẻ em trong gia đình, trong trường học.
Nhóm giải pháp thứ 4 là chúng ta phải tiếp tục nâng cao năng lực cho nhóm thường trực làm công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, từ việc tiếp nhận thông tin, xử lý các đối tượng, cá nhân, doanh nghiệp có hành vi xâm hại trẻ em, cũng như kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em và gia đình là nạn nhân của vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Nhóm giải pháp thứ 5 là vấn đề hợp tác quốc tế để cùng chung tay bảo vệ trẻ em, để các em tham gia môi trường mạng được an toàn và lành mạnh.
PV: Xin cảm ơn bà.