Trẻ em dùng nhầm thuốc của người lớn: Hiểm họa khôn lường

Mới đây, một em bé 2 tuổi ở Tuyên Quang phải nhập viện cấp cứu do dùng nhầm thuốc điều trị tâm thần phân liệt Levomepromazin 25mg. Các bác sĩ đã kịp thời rửa ruột, cứu sống cháu bé, tuy nhiên, đây là hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khôn lường khi trẻ em bị ngộ độc do uống phải thuốc của người lớn.

Uống nhầm thuốc không phải là trường hợp hiếm gặp, nhất là với trẻ em bởi các bé vô cùng tò mò và hiếu động.

Uống nhầm thuốc không phải là trường hợp hiếm gặp, nhất là với trẻ em bởi các bé vô cùng tò mò và hiếu động.

Trẻ bị ngộ độc vì nhầm thuốc là kẹo

Uống nhầm thuốc không phải là trường hợp hiếm gặp, nhất là với trẻ em bởi các bé vô cùng tò mò và hiếu động. Trẻ uống nhầm thuốc tránh thai của mẹ, thuốc an thần của ông bà hay các loại biệt dược, thuốc động kinh, thậm chí là thuốc trừ sâu..., đó là việc đã từng xảy ra. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, có trường hợp trẻ suýt mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc các bé uống nhầm thuốc tránh thai của mẹ vì tưởng là kẹo còn có thể gây dậy thì sớm cho trẻ.

Ngộ độc thuốc ở trẻ nhỏ rất dễ xảy ra nếu người lớn bất cẩn, đặc biệt là trong giai đoạn nghỉ hè hiện nay, khi nhiều trẻ ở nhà với ông bà, người giúp việc, hoặc ở nhà một mình... Việc trẻ em ăn nhầm thuốc vì tưởng là kẹo thường là do sự vô ý của phụ huynh khi để thuốc ở những nơi mà trẻ có thể tìm thấy được, như ở trên bàn, trong ngăn kéo tủ, trong túi xách...

Khi trẻ ăn nhầm thuốc của người lớn với số lượng ít - từ 1 đến 2 viên thì có thể gây một số tác dụng phụ, khiến bé bị chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thay đổi huyết áp. Tuy nhiên, nếu trẻ uống nhầm nhiều viên thuốc một lúc hoặc đó là các loại biệt dược thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi trẻ ăn nhầm thuốc, bất cứ là thuốc gì, hoặc hóa chất, người sơ cứu cần nhanh chóng gây nôn cho trẻ để làm sạch dạ dày, giảm bớt sự hấp thu của thuốc vào cơ thể; khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất, khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc - hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý chính xác.

Phụ huynh cho trẻ dùng nhầm thuốc

Ngoài trường hợp trẻ nhỏ vô tình uống nhầm thuốc của người lớn thì không ít phụ huynh lại chủ quan, sử dụng thuốc của người lớn cho trẻ uống khiến trẻ bị ngộ độc. Nhiều người nhầm lẫn khi cho rằng có thể cho trẻ em dùng cùng loại thuốc của người lớn, chỉ cần giảm liều lượng là được. Thực tế, có loại thuốc mà người lớn dùng thì được, nhưng không thể dùng cho trẻ nhỏ.

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Có những loại thuốc khi người lớn dùng thì hợp nhưng trẻ em thì không chịu được; có loại trẻ em tuyệt đối không thể dùng. Ví dụ như thuốc ho, có rất nhiều loại có chế phẩm thuốc phiện như codein, dùng cho người lớn, nhưng không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Thậm chí, có những loại liều lượng cao còn cấm cả trẻ dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh thì tuyệt đối cấm. Trong bệnh viện, một số trường hợp có thể dùng nhưng phải có chỉ định của bác sĩ”.

Codein có tác dụng giảm đau là chính, ngoài ra còn có tác dụng giảm ho. Tuy vậy, thuốc có thể làm khô quánh dịch tiết ở phế quản. Ngoài ra, thuốc có thể gây nghiện nếu dùng kéo dài; trong một số trường hợp, thuốc có thể gây ức chế hô hấp nếu dùng quá liều. Đó là lý do không nên dùng thuốc để giảm ho cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, trên thế giới, người ta quy định rằng, không kê các loại thuốc ho cho trẻ dưới 2 tháng tuổi. Vấn đề là tìm ra nguyên nhân gây bệnh để chữa, chứ không chữa triệu chứng. Nếu là ho đơn thuần thì không sao, không cần dùng thuốc, để tự nhiên, theo dõi, quan trọng là chăm sóc như hút mũi, xịt mũi làm giảm ho.

Bên cạnh đó, không dùng các thuốc nhỏ mũi gây co mạch cho trẻ dưới 2 tháng; thay vào đó, nên dùng nước muối sinh lý. Lý do là bởi các thuốc này không chỉ gây co mạch mũi mà còn co các mạch khác, làm tăng huyết áp, nặng thì có thể dẫn đến tử vong.

Hay như thuốc chống dị ứng chlopheniramin, là một loại kháng histamin, không nên dùng cho trẻ sơ sinh vì có thể gây ức chế hô hấp, làm quánh đờm. Nếu sử dụng quá liều thì có thể gây co giật, tử vong. Các chuyên gia đều khuyến cáo, có những loại thuốc người lớn dùng không độc hại gì nhưng trẻ con dùng thì rất nguy hiểm. Có một số thuốc chống chỉ định hoàn toàn với trẻ nhỏ... Bởi vậy, trước khi cho trẻ dùng thuốc, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ đơn thuốc, liều dùng mà họ đã kê.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tre-em-dung-nham-thuoc-cua-nguoi-lon-hiem-hoa-khon-luong-636012.html