Trẻ học cách trung thành với bạn bè thế nào?
Tính công bằng trở nên quan trọng trong mối quan hệ với thế giới rộng lớn, với các thành viên trong gia đình và bạn bè. Trẻ có ý thức rõ hơn về thực tế, và mở mang một khả năng lập luận để nhận ra được điều gì là hợp lý hay phi lý.
Khả năng giao tiếp xã hội được phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ này. Khi đời sống tình cảm bắt đầu được mở mang thì mối quan hệ với bạn bè sẽ thay đổi khác đi. Bạn bè cùng độ tuổi trở nên quan trọng, và nhiều tình bạn thân thiết được bắt đầu ở giai đoạn này. Trẻ sáu tuổi thích kể chuyện về “bạn thân nhất” của mình - và mối liên kết này thường kéo dài hơn so với lúc trước. Đôi khi, những tình bạn này bền lâu trong suốt cả cuộc đời.
Sự trung thành với bạn bè và thái độ tôn trọng tính công bằng đồng thời phát triển ở giai đoạn này. Tính công bằng trở nên quan trọng trong mối quan hệ với thế giới rộng lớn, với các thành viên trong gia đình và bạn bè. Trẻ có ý thức rõ hơn về thực tế, và mở mang một khả năng lập luận để nhận ra được điều gì là hợp lý hay phi lý; trẻ sẽ thật sự phẫn nộ và đau buồn khi nghĩ rằng mình đang bị đối xử không công bằng.
Mối quan hệ gần gũi với em mình hoặc những trẻ nhỏ tuổi hơn không còn đóng vai trò quan trọng như trước. Cân bằng những mối quan hệ này với nhu cầu giao tiếp với các bạn cùng tuổi là một quá trình đòi hỏi thời gian và tập luyện.
Đảm nhận trách nhiệm
Khi trưởng thành hơn và có nhiều sáng kiến hơn, trẻ sáu tuổi có khả năng đảm nhận trách nhiệm trong nhiều lĩnh vực nho nhỏ của cuộc sống. Người lớn có thể trao đổi với trẻ về cách thực hiện công việc; tùy thuộc vào khả năng, một số trẻ sẽ sẵn sàng đảm nhận công việc sớm hơn những trẻ khác.
Do vậy, ta có thể giao cho một đứa trẻ sáu tuổi việc rót nước vào giờ ăn tối mỗi ngày, cho gà ăn vào dịp cuối tuần, v.v.. Thường thì trẻ sẽ sẵn sàng thực hiện công việc được giao phó một cách đều đặn, mà người lớn chỉ cần thỉnh thoảng nhắc nhở. Không nên giao nhiệm vụ đều đặn hằng ngày cho trẻ dưới sáu tuổi mà chỉ nên giao việc vào lúc cần đến.
Đôi khi có những bậc cha mẹ muốn đặt ra một quy tắc cho trẻ tiền tiêu vặt để làm một công việc đều đặn hằng tuần. Việc này không cần thiết nhưng nếu có hiệu quả đối với trường hợp riêng của gia đình bạn và bạn đã chọn làm như thế, thì hãy cố duy trì khoản tiền ở mức tối thiểu, tượng trưng để công nhận sự đóng góp của con và việc con đã phát triển tới một giai đoạn mới. Bạn có thể khuyến khích con dành dụm tiền tiêu vặt cho một mục đích đặc biệt, chẳng hạn như mua quà sinh nhật tặng em trai, hoặc mua một quyển truyện cổ tích mà bạn cho phép.
Điều cha mẹ có thể làm - Giao tiếp xã hội
• Tôn trọng nhu cầu có tình bạn đặc biệt của con. Khuyến khích con nên tiết chế những mối quan hệ cực đoan hoặc tình bạn có tính sở hữu quá mức. Nếu con gắn bó quá mức với một người bạn thân thiết, bạn nên thỉnh thoảng sắp xếp mời một người bạn khác đến nhà chơi với con thay vì người bạn thân thiết kia.
• Hãy kiên nhẫn giúp con học cách cân bằng những giao tiếp xã hội giữa bạn cũ bạn mới, bạn quen bình thường và bạn “thân nhất”, bạn nhỏ tuổi hơn hoặc cùng lứa tuổi. Đôi khi con cần hỗ trợ và lời khuyên.
• Con cũng cần được hướng dẫn trong mối quan hệ với những người bạn lớn tuổi hơn. Trong trường hợp người bạn đó cùng giới tính và là một hình mẫu tốt, thì chỉ cần đảm bảo con không thần tượng người bạn đó thái quá. Trẻ em cần giao tiếp nhiều với nhóm bạn cùng tuổi. Hình mẫu tốt trước hết là đến từ người lớn. Hãy cho con nhiều cơ hội tiếp xúc với những người mà bạn nghĩ là những hình mẫu tốt.
• Trẻ ở tuổi này không nên giao tiếp quá nhiều với thanh thiếu niên. Trạng thái cảm xúc của tuổi dậy thì thường hay nặng nề, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhẹ nhàng của con bạn. Các hoạt động của tuổi thanh thiếu niên cũng thường không phù hợp với trẻ nhỏ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tre-hoc-cach-trung-thanh-voi-ban-be-the-nao-post1526281.html