Trẻ lo lắng quá mức, né tránh bạn bè, tiệc tùng cẩn trọng với chứng rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên là những tình trạng phổ biến có thể gây ra những khó khăn đáng kể trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không được điều trị, có thể kéo dài và gây ra các vấn đề về sức khỏe.
Thông thường, lo lắng là phản ứng cảm xúc tự nhiên của con người trước những khó khăn và thách thức thường ngày mà chúng ta cần phải giải quyết để vượt qua. Nhưng nếu trước một tình huống không thực sự đáng lo lắng mà con người lại có biểu hiện lo sợ quá mức, sự lo sợ này mang tính chất mơ hồ, vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống thì đó là rối loạn lo âu.
Nguyên nhân gây rối loạn lo âu
Hiện nay nguyên nhân của các rối loạn lo âu chưa được xác định rõ ràng. Một số yếu tố có thể tác động:
Yếu tố sinh học: những trẻ có nguy cơ cao hơn về rối loạn lo âu:
+ Khó tính lúc nhỏ: quấy khóc, khó ăn, khó ngủ, khó thích nghi với môi trường lạ.
+ Mắc một số bệnh cơ thể như: bệnh về tuyến giáp, bệnh tim mạch, đái đường…
+ Trẻ nữ thường mắc rối loạn lo âu cao hơn trẻ nam.
Yếu tố môi trường:
+ Sang chấn tâm lý từ học tập, mối quan hệ trong gia đình và bạn bè hay các sự kiện đặc biệt khác…
+ Chấn thương tâm lý như bạo hành, nạn nhân của vụ việc, cái chết của người thân…
Yếu tố thuận lợi:
+ Hoàn cảnh sống gặp nhiều khó khăn.
+ Cơ thể mệt mỏi do bệnh tật, thiếu ngủ, rối loạn về dinh dưỡng.
+ Sử dụng một số thuốc gây kích thích thần kinh.
Biểu hiện của lo âu gặp ở trẻ em và trẻ vị thành niên
Các dấu hiệu của rối loạn lo âu thường là trẻ né tránh các hoạt động học tập và xã hội, như đến trường, tiệc tùng, cắm trại… và luôn cần sự trấn an quá mức hoặc lặp đi lặp lại khi đi ngủ, đi học hoặc nỗi sợ hãi về những điều tồi tệ xảy ra. Trẻ sẽ học sút, vì thiếu tập trung trong lớp hoặc gặp khó khăn trong việc hoàn thành các bài kiểm tra trong thời gian quy định.

Các dấu hiệu của rối loạn lo âu thường là trẻ né tránh các hoạt động học tập và xã hội, như đến trường, tiệc tùng, cắm trại…
Trẻ bị rối loạn lo âu có thể biểu hiện bằng các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, khó nuốt, cảm giác mắc nghẹn, nôn hoặc buồn nôn, đau ngực, khó thở, đau dạ dày, tê và ngứa ran ở ngón tay hoặc ngón chân do thở gấp hoặc đau kịch tính. Đặc biệt là có sự bùng nổ và hành vi chống đối bởi một tác nhân kích thích gây lo âu. Nghiên cứu cho thấy một tỉ lệ đáng kể trẻ em, những trẻ có vấn đề về cân nặng hoặc ăn uống có chọn lọc, cho biết có lo âu.
Đáng lưu ý khi nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ lo âu có thể có ý định tự sát. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng ý tưởng hoặc hành vi tự sát ở trẻ lo âu có liên quan đến sự tuyệt vọng và trầm cảm kèm theo. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm bệnh và biết nơi điều trị để đưa trẻ đến thăm khám, tư vấn.
Các rối loạn lo âu thường gặp
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ: là những nỗi sợ hãi tập trung vào một hiện tượng hoặc sự vật nào đó.
Ám ảnh sợ đặc hiệu: sợ một số con vật (nhện, chó,...), sợ ở chỗ cao, sợ ở trong bóng tối, sợ chỗ đóng kín…
Ám ảnh sợ xã hội: sợ ăn uống ở nơi công cộng, sợ nói trước đám đông, sợ gặp người khác giới…
Rối loạn lo âu chia ly: trẻ sợ hãi cao độ khi ra khỏi nhà hoặc tách khỏi những người thân; ví dụ: không chịu đi học vì xa người thân, bấu bám người thân, không chịu ở hoặc ngủ một mình, luôn sợ bị chia cắt với người thân…
Rối loạn hoảng sợ: lo âu kịch phát xảy ra từng cơn, lặp đi lặp lại, không rõ lý do khởi phát. Trong cơn hoảng sợ, trẻ sợ hãi tột độ, kèm theo biểu hiện tái mặt , vã mồ hôi, tim đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, buồn đi tiểu, khô miệng, đau bụng, khó nuốt…
Rối loạn lo âu lan tỏa: trẻ lo lắng dai dẳng, quá mức, bất thường về nhiều tình huống khác nhau, ví dụ: lo về bệnh tật, kinh tế, cách cư xử, sự kiện sắp xảy ra (học tập và thi cử), lo cho bố mẹ, gia đình… Rối loạn này kéo dài trong nhiều tháng, năm.
Rối loạn ám ảnh nghi thức: trẻ có những nỗi sợ ám ảnh (sợ bẩn, sợ nhiễm bệnh, sợ mất cắp, sợ xui xẻo…), mặc dù biết rằng không đúng nhưng trẻ không ngừng suy nghĩ được. Để giảm lo sợ, trẻ thực hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại các động tác như: rửa tay, kiểm tra lại nhiều lần một việc, sắp xếp các đồ vật theo một cách thức nhất định, các động tác nghi thức bất thường…
Rối loạn stress sau sang chấn: trẻ gặp phải một sang chấn mà nguy hiểm hoặc đe dọa nguy hiểm tới tính mạng hoặc sự toàn vẹn của trẻ hoặc người khác. Sau đó trẻ thường bị tái hiện những hình ảnh của sang chấn trong giấc mơ, khi gặp những kích thích liên quan sang chấn, và có cảm xúc tê liệt, thờ ơ, né tránh, thu mình, hay bị giật mình, mất ngủ.
Tóm lại: Rối loạn lo âu có thể xảy ra bất kỳ ai trong đó có cả trẻ em và trẻ vị thành niên. Để dự phòng rối loạn lo âu ở trẻ, phụ huynh nên điều chỉnh hoạt động, lối sống ở trẻ; cần tập luyện thể thao thường xuyên, khoảng 30 phút/ngày; ăn uống đủ chất; ngủ đúng giờ, đủ 8-10 tiếng/ngày tùy lứa tuổi; tập yoga hoặc thư giãn tinh thần; giải quyết các vấn đề gây lo lắng ngay từ ban đầu; tập thở thư giãn 4 thì (hít vào 3 giây, nín thở 3 giây, thở ra 3 giây, giữ 3 giây), nâng cao các kỹ năng đối phó với căng thẳng và các kỹ năng xã hội.