Phong tục bố vợ trao roi cho con rể ở Nga
Người cha đưa chiếc roi cho chú rể, theo phong tục, chàng rể cao thượng tuyên bố rằng anh ta 'tin rằng sẽ không cần đến chiếc roi này'. Tuy nhiên, anh vẫn chấp nhận nó như một món quà từ cha vợ và giắt nó vào thắt lưng.
Không có người phụ nữ Nga điển hình nào cả; dòng máu Nga là sự pha trộn của người Slav, Tatar, Balt và những chủng tộc khác. Lý tưởng nhất có lẽ là một phụ nữ Nga xinh đẹp và duyên dáng, với mái tóc màu hạt dẻ nhạt, và dáng người đầy đặn khi trưởng thành.
Một phần do đàn ông Nga thích những phụ nữ mạnh khỏe với bộ ngực nở nang, và một phần vì hình dáng của họ không bị gò bó bởi dây nịt để có thể tự do nở nang theo quy luật tự nhiên. Những du khách phương Tây quen với những vòng eo được thắt chặt ở Versailles, St. James và Hofburg lại thấy phụ nữ Nga trông thật cồng kềnh.
Họ không quan tâm đến vẻ ngoài xinh đẹp. Họ mặc những chiếc sarafan dài màu sắc rực rỡ được thêu bằng chỉ vàng. Những ống tay áo cuồn cuộn xòe ra từ vai và có thể che mất đôi tay nếu chúng không được giữ ở cổ tay bằng những chiếc vòng tay lấp lánh. Những chiếc áo choàng mặc ngoài những chiếc sarafan này được làm bằng nhung, vải bóng (taffeta), hoặc gấm.

Tranh mô tả một đám cưới truyền thống của người Nga. Ảnh: Russia Beyond.
Các cô gái tết bím tóc đơn dài với một vòng hoa hoặc một dải ruy băng. Những phụ nữ đã kết hôn không bao giờ để đầu trần. Ở trong nhà, họ đội một chiếc mũ vải; khi ra ngoài, họ trùm đầu bằng khăn quàng cổ hoặc mũ lông thú dày dặn. Họ tô son đỏ lên má để tôn lên vẻ đẹp của mình, mang đôi khuyên tai đẹp nhất và những chiếc nhẫn quý giá nhất mà chồng họ có thể mua được.
Thật không may, đẳng cấp của một quý cô càng cao và tủ quần áo càng lộng lẫy thì người ngoài càng ít thấy được cô ấy. Quan niệm của người Nga về phụ nữ, bắt nguồn từ Byzantium, không hề giống quan niệm lãng mạn thời Trung cổ của phương Tây về lòng dũng cảm, tinh thần hiệp sĩ và sự tán tỉnh trong tình yêu.
Thay vào đó, một người phụ nữ bị coi là một đứa trẻ ngốc nghếch, bất lực, thiếu trí tuệ, vô trách nhiệm về mặt đạo đức và, nếu có cơ hội nhỏ nhất, sẽ lăng nhăng một cách nhiệt tình. Ý tưởng thuần túy này cho rằng yếu tố tà ác ẩn nấp trong tất cả các bé gái đã đầu độc thời thơ ấu của chúng. Trong các gia đình có điều kiện, trẻ em khác giới không bao giờ được phép chơi cùng nhau để bảo vệ các bé trai khỏi bị ô nhiễm.
Khi lớn lên, các cô gái trở thành đối tượng của sự tiêm nhiễm, nên ngay cả những tiếp xúc vô tội nhất giữa nam thanh niên và thiếu nữ cũng bị cấm. Để giữ gìn sự trong sạch của các cô thiếu nữ, bên cạnh việc dạy học cầu nguyện, vâng lời và một số kỹ năng hữu ích như thêu thùa, các cô gái bị cha mẹ cẩn thận nhốt lại. Một bài hát mô tả họ “ngồi sau ba mươi cánh cửa khóa chặt, gió không thể làm rối tóc, nắng không làm bỏng má, cũng không bị trai đẹp dụ dỗ”.
Thông thường, một cô gái đang ở độ tuổi thanh xuân sẽ kết hôn với một người đàn ông cô chưa từng gặp, tất cả các bên quan trọng khác trong cuộc hôn nhân - cha cô, chú rể và cha chú rể - ngoại trừ cô, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Các cuộc đàm phán có thể kéo dài, liên quan đến những vấn đề quan trọng như tiền của hồi môn và trinh tiết của cô dâu.
Sau đó, nếu chàng rể trẻ cho rằng (không phải lúc nào cũng chính xác) cô gái đã có kinh nghiệm tình dục trước đó, anh ta có thể yêu cầu hủy hôn và trả lại của hồi môn. Điều này đồng nghĩa với một vụ kiện lộn xộn; tốt hơn hết là nên kiểm tra cẩn thận trước và hoàn toàn chắc chắn về điều đó.
Khi mọi chuyện đã được sắp đặt, cô dâu trẻ, mặt che tấm mạng che mặt, được triệu đến gặp cha cô để giới thiệu với người chồng tương lai của cô. Người cha lấy một cây roi nhỏ đánh nhẹ vào lưng con gái và nói: “Hỡi con gái của ta, lần cuối cùng ta khuyên răn con về quyền làm cha nơi con đang sống. Từ giờ trở đi, con không còn phục tùng ta, nhưng hãy nhớ rằng con không được thoát khỏi sự giám sát của ta mà phải chịu sự giám sát của chồng con. Nếu con không nghe lời hắn, hắn sẽ dùng roi này dạy con thay ta.”
Sau đó, người cha đưa chiếc roi cho chú rể, theo phong tục, chàng rể cao thượng tuyên bố rằng anh ta “tin rằng sẽ không cần đến chiếc roi này”. Tuy nhiên, anh vẫn chấp nhận nó như một món quà từ cha vợ và giắt nó vào thắt lưng.
Đêm trước ngày cưới, cô dâu được mẹ đưa sang nhà trai với đồ đạc. Sáng hôm sau, cô che mặt vào lễ, trao nhẫn và quỳ chạm trán vào giày của chồng, thể hiện sự phục tùng. Chú rể choàng áo lên cô để thể hiện nghĩa vụ bảo vệ. Sau đó, trong khi khách khứa tiệc tùng, cặp đôi vào phòng ngủ. Sau hai giờ, cửa phòng mở, khách vào để biết cô dâu còn trinh không. Nếu có, họ được chúc mừng và dẫn đi tắm thảo dược rồi tham gia tiệc. Nếu không, hậu quả sẽ đến, đặc biệt là với cô dâu.
Nguồn Znews: https://znews.vn/phong-tuc-bo-vo-trao-roi-cho-con-re-o-nga-post1566695.html