Làm sao để tránh mệt mỏi khi lái xe ban đêm?
Ban đêm là lúc cơ thể dễ buồn ngủ, phản xạ kém, rất nguy hiểm khi lái xe. Đừng cố gắng tiếp tục nếu thấy mệt mỏi. Chuẩn bị kỹ, nghỉ ngơi đầy đủ và lắng nghe cơ thể chính là chìa khóa để lái xe ban đêm an toàn.
Podcast:
Podcast: Làm sao để tránh mệt mỏi khi lái xe ban đêm?
Lái xe ban đêm tiềm ẩn không ít rủi ro dù mật độ giao thông thưa thớt hơn ban ngày. Trong số đó, tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ được xem là "sát thủ thầm lặng" dẫn đến nhiều tai nạn nghiêm trọng. Để hành trình ban đêm được an toàn và tỉnh táo, người lái xe cần chuẩn bị kỹ lưỡng và áp dụng những nguyên tắc sau.
Ngủ đủ giấc trước hành trình
Một trong những sai lầm phổ biến là khởi hành trong tình trạng thiếu ngủ. Các nghiên cứu cho thấy việc ngủ ít hơn 6 tiếng trước khi cầm lái làm tăng gấp đôi nguy cơ tai nạn. Do đó, nếu biết trước sẽ phải lái xe vào ban đêm, hãy sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo cơ thể được nạp đầy năng lượng.
Tránh lái xe trong khung giờ “nguy hiểm sinh học”
Khoảng thời gian từ 1 giờ đến 5 giờ sáng là lúc cơ thể dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ nhất do nhịp sinh học tự nhiên. Nếu buộc phải di chuyển trong khung giờ này, bạn cần đặc biệt thận trọng, đồng thời bố trí các điểm dừng nghỉ hợp lý để giảm nguy cơ mất tập trung.
Chủ động nghỉ giải lao định kỳ
Lái xe liên tục trong nhiều giờ đồng hồ sẽ khiến tinh thần và thể lực suy giảm nhanh chóng. Vì vậy, cứ mỗi 90–120 phút, tài xế nên dừng xe nghỉ ngơi khoảng 10–15 phút để thư giãn, đi lại nhẹ nhàng, uống nước hoặc ăn nhẹ. Những khoảng nghỉ ngắn này giúp tái tạo sự tỉnh táo và cải thiện độ phản xạ.

Ban đêm là khoảng thời gian cơ thể dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ, phản xạ chậm và thiếu tập trung, những yếu tố có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng khi lái xe. Ảnh: Pexels
Tận dụng caffeine một cách khoa học
Một tách cà phê hoặc trà xanh có thể giúp bạn tỉnh táo hơn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, caffeine không phải là “liều thuốc thần kỳ” để chống lại cơn buồn ngủ kéo dài. Quan trọng là biết lắng nghe cơ thể và không lái xe khi đang kiệt sức, dù có uống bao nhiêu cà phê đi nữa.
Giữ khoang xe thông thoáng, mát mẻ
Không khí ngột ngạt dễ khiến bạn buồn ngủ hơn. Hãy mở cửa sổ vài phút mỗi giờ hoặc chỉnh điều hòa ở mức mát vừa phải để giúp tỉnh táo.
Chú ý dấu hiệu buồn ngủ và xử lý kịp thời
Nếu bạn có những dấu hiệu như mí mắt nặng trĩu, ngáp liên tục, mơ màng, chệch làn hoặc không nhớ rõ đoạn đường vừa đi, đó là cảnh báo buồn ngủ nguy hiểm. Ngay lập tức tìm nơi an toàn để dừng xe và chợp mắt ít nhất 15–20 phút.
Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-sao-de-tranh-met-moi-khi-lai-xe-ban-dem-post858744.html