Trẻ mắc bệnh 'mắt lười' ngày càng gia tăng

Thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ đến khám và điều trị tại khoa mắt của các bệnh viện ngày càng gia tăng, trong đó phần lớn các trẻ được chẩn đoán mắc nhược thị hay còn gọi là 'mắt lười'. Theo các bác sĩ, nhược thị ở trẻ em thường khó nhận biết bởi trẻ ít khi phàn nàn về thị lực của mình.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ, Bệnh viện FV cho biết, quá trình hình thành và phát triển thị giác của trẻ diễn ra từ lúc sơ sinh cho tới khoảng 12 tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhược thị do lé có thể hồi phục nếu can thiệp điều trị trước 9 tuổi, nhược thị do bất đồng khúc xạ có thể hồi phục tốt nếu can thiệp điều trị trước 12 tuổi. Do đó, đối với trẻ bị nhược thị dưới 12 tuổi, việc điều trị là bắt buộc vì có khả năng hồi phục; các trẻ từ 12 tuổi trở lên vẫn có khả năng hồi phục nhưng không cao.

Bệnh viện FV dành 50 suất khám miễn phí cho trẻ dưới 15 tuổi có nhu cầu tầm soát, điều trị nhược thị.

Bệnh viện FV dành 50 suất khám miễn phí cho trẻ dưới 15 tuổi có nhu cầu tầm soát, điều trị nhược thị.

“Trẻ bị nhược thị có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nhược thị ở trẻ em thường khó nhận biết bởi trẻ ít khi phàn nàn về thị lực của mình, nhất là các bé bị nhược thị một bên mắt lại càng khó được phát hiện. Trong khi đó, nhiều quận, huyện đang thiếu cơ sở y tế triển khai dịch vụ điều trị nhược thị chuyên sâu, điều này bỏ lỡ cơ hội phục hồi thị lực cho các bé mắc nhược thị được điều trị trong “giai đoạn vàng”, bác sĩ Nguyễn Thị Mai thông tin.

Theo các bác sĩ, nguyên tắc điều trị nhược thị là giúp mắt nhược thị hoạt động để có thể phát triển thị giác bình thường. Các bài tập dành cho nhược thị sẽ được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân dựa trên tình trạng cụ thể của bé, mục đích tăng cường sự liên kết giữa mắt và não, cải thiện khả năng nhận biết và xử lý hình ảnh của não bộ như: che mắt, nhìn xa - gần, tô màu, vẽ tranh… hay những trò chơi có độ chính xác cao, được các chuyên viên khúc xạ nhãn khoa hướng dẫn và giám sát để trẻ thực hiện hàng ngày tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai khuyến cáo, khi trẻ có những dấu hiệu như nheo mắt khi nhìn, nghiêng đầu, nhăn mặt hay đưa mắt gần vật thể khi nhìn thì cần đưa trẻ đi đến các cơ sở y tế để kiểm tra thị lực; đồng thời nên đưa trẻ từ 3 tuổi trở lên đi kiểm tra thị lực định kỳ.

Theo thống kê gần nhất của trường Đại học Y Hà Nội, có khoảng 3 triệu trẻ em Việt Nam bị nhược thị hay còn gọi là “mắt lười”, chứng bệnh về mắt thường bị “bỏ quên”. Nhược thị có thể dẫn đến giảm thị lực không thể phục hồi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời trong giai đoạn vàng ở độ tuổi từ 4 - 12 tuổi.

Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/benh-vien-bac-si/tre-mac-benh-mat-luoi-ngay-cang-gia-tang-20231201200455853.htm