Trẻ nhập viện do tiêu chảy tăng

Phụ huynh nên chú ý, khi thấy trẻ ăn uống xong ói liên tục, lừ đừ, đi phân lỏng, nước có nhầy, máu, nên đưa trẻ đi khám kịp thời, tránh để trẻ bị nặng hơn.

Theo VTV, BSCKI. Mạc Quốc Dũng - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Trong vài tuần trở lại đây, trẻ đến khám và nhập viện do tiêu chảy tăng. Nguyên nhân do thời tiết thay đổi thất thường làm cho vi khuẩn, virus phát triển, các thức ăn dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn khiến trẻ mắc bệnh. Những triệu chứng thường gặp nhất ở những trẻ đến nhập viện tại khoa là ói nhiều liên tục, nhiều trẻ kèm theo sốt cao, đau bụng và đi ngoài phân lỏng.

Đơn cử trường hợp bé N.N.T. (25 tháng tuổi, ở phường Tân Biên, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện điều trị tại khoa Tiêu hóa do bé bị ói nhiều và đi cầu phân lỏng. Qua thăm khám, bé được chẩn đoán bị tiêu chảy và viêm dạ dày. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bé đã ổn hơn, các triệu chứng nôn ói, đi ngoài giảm nhiều.

Ảnh minh họa/Interner

Ảnh minh họa/Interner

Bác sĩ Dũng cho biết thêm: Có một vài trẻ bị nặng dẫn đến sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa và nhiễm trùng máu phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Đối với những trẻ này phải điều trị kháng sinh và thời gian kéo dài hơn, đặc biệt khi nhiễm trùng máu từ đường tiêu hóa là nặng nhất và nguy hiểm. Do đó, phụ huynh nên chú ý, khi thấy trẻ ăn uống xong ói liên tục, lừ đừ, đi phân lỏng, nước có nhầy, máu, nên đưa trẻ đi khám kịp thời, tránh để trẻ bị nặng hơn.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, với các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh có thể lây lan nhanh, gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người. Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân. Nguyên nhân có thể là vi rút hoặc vi khuẩn như vi khuẩn E. Coli hoặc do phẩy khuẩn tả gây ra.

Để chủ động phòng chống tiêu chảy cấp, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng. Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/tre-nhap-vien-do-tieu-chay-tang-2093400.html