Trẻ phản ứng tiêu cực khi 'gánh' áp lực từ chính cha mẹ

Đứng trước áp lực kỳ vọng thành tích từ bố mẹ, mỗi trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau. Có trẻ chống đối ra mặt, có trẻ cam chịu nhưng cũng có trẻ phản ứng tiêu cực như tự làm đau bản thân, tự trừng phạt mình, thậm chí muốn kết thúc cuộc sống. Mức độ nghiêm trọng đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào cách hành xử của bố mẹ.

 Khi nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ và sự tư vấn của các chuyên gia, học sinh sẽ giải tỏa tâm lý và ổn định tinh thần hơn sau những thất bại

Khi nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ và sự tư vấn của các chuyên gia, học sinh sẽ giải tỏa tâm lý và ổn định tinh thần hơn sau những thất bại

Tìm lối thoát vì không thực hiện được mục tiêu "Mang giải to về cho mẹ"

Một buổi chiều tháng 2/2025, cả khu phố giật mình khi nghe thấy tiếng xe cứu thương hụ còi vang cả xóm. Chiếc xe đỗ xịch trước cổng nhà chị Lê Thị Huế (Q.Tây Hồ, Hà Nội) khiến nhiều người lo lắng. Mấy phút sau khi chiếc xe rời đi, hàng xóm vẫn còn bàng hoàng.

Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh trong một ca tư vấn cho phụ huynh

Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh trong một ca tư vấn cho phụ huynh

Người giúp việc của gia đình chị Huế cho biết, người vừa được đưa đi cấp cứu là Lan, cô con gái đang học lớp 9 của chị Huế. Lan cắt cổ tay tự tử do thành tích học tập không được như bố mẹ kỳ vọng.

Được biết, trước kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, chị Huế luôn nhắc nhở con là "bố mẹ đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức để con học hành" và yêu cầu Lan phải "mang giải to về cho mẹ".

Chính vì thế, trước kỳ thi Lan ra sức học tập, nhiều lúc mệt mỏi nhưng Lan không dám đi ngủ, thức khuya, dậy sớm, hy vọng đạt thành tích cao. Khi kết quả không như kỳ vọng, Lan thấy rằng tương lai của mình ảm đạm và chắc chắn không thể đỗ được vào trường chuyên và đáng sợ hơn cả là cô bé sợ làm mẹ thất vọng.

Không những không an ủi, động viên con, chị Huế còn tỏ rõ thái độ khó chịu, đưa ra lời chì chiết rằng "cho ăn học chỉ tốn cơm", "chẳng làm nên trò trống gì", "học hành như thế thì sau này chỉ có đi ăn xin"...

Những lời chì chiết của mẹ đã khiến Lan có suy nghĩ bản thân mình không đủ cố gắng, sau đó rơi vào suy nghĩ trầm trọng hơn như "mình vô dụng", "mình tồi tệ", "mình làm mẹ thất vọng"... Trước khi cắt cổ tay tự tử, cô nữ sinh lớp 9 từng trừng phạt bản thân bằng việc nhịn ăn, dùng vật nhọn cắt vào bắp tay, làm bản thân kiệt quệ.

May mắn được phát hiện kịp thời và được đưa đưa cấp cứu nên Lan đã qua khỏi. Nhưng chị Huế còn hối hận mãi vì cách hành xử của chị đã khiến chị suýt thì mất con. Sau vụ việc này, chị đã tìm đến chuyên gia tư vấn với mong muốn sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích.

Nắm vững nguyên tắc "Lắng nghe - Thấu hiểu - Tôn trọng" khi đồng hành cùng con

Theo Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh, Trung tâm Tham vấn và Hỗ trợ tâm lý thuộc trường Đại học Đại Nam, đây là một trong những ca tư vấn mà anh thường gặp trong những dịp trước và sau các kỳ thi chuyển cấp của học sinh phổ thông.

Bản thân các con khi đứng trước áp lực kỳ vọng thành tích từ bố mẹ, sẽ có những phản ứng khác nhau nhưng nhìn chung là kết quả học tập giảm rõ rệt và sa sút về mặt tình thần. Nhiều trẻ buồn chán, né tránh trường học. Một số trẻ có thể xuất hiện cảm xúc tức giận, chống đối những yêu cầu của bố mẹ trong chuyện học hành. Một số trẻ có dấu hiệu thu mình không tương tác với ai, vẫn chăm chỉ học tập nhưng kết quả lại không đạt được mục tiêu đề ra mà ngày càng giảm sút. Một số trẻ tự trách móc và có hành vi tự làm đau, gây nguy hiểm cho bản thân do không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ.

Một số trẻ chia sẻ rằng "Con có hành vi như vậy là bởi vì con thấy mình thật tồi tệ, con kém cỏi và con phải tự trừng phạt mình". Như vậy có nghĩa là trẻ đang vừa phải trải qua cảm giác thất bại trong học tập, vừa có cảm giác mình mất giá trị. Khi thấu hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của con, bố mẹ cần bao dung hơn với con, quan tâm, chia sẻ với con và cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý này.

Nhiều học sinh có những hành động như cứa tay, cứa đùi, đầu gối, cắn móng tay..., làm đau bản thân để quên đi áp lực từ thực tại - Ảnh: Kiều Trang

Nhiều học sinh có những hành động như cứa tay, cứa đùi, đầu gối, cắn móng tay..., làm đau bản thân để quên đi áp lực từ thực tại - Ảnh: Kiều Trang

"Nguyên tắc là "Lắng nghe - Thấu hiểu - Tôn trọng", bố mẹ cần dành thời gian để lắng nghe những tâm sự và cảm xúc của con, từ đó thấu hiểu và cùng con tìm kiếm những giải pháp phù hợp với năng lực của con", Thạc sĩ Lê Thế Hanh nhấn mạnh.

Cũng theo Thạc sĩ Lê Thế Hanh "Áp lực tạo kiên cường" là nguyên tắc được sử dụng nhiều trong việc giáo dục trẻ, tuy nhiên nhiều bố mẹ đã chưa biết ranh giới của áp lực là đến đâu. Sức chống chịu áp lực của con người có hạn, áp lực lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và thể chất của trẻ.

Bởi vậy, cha mẹ cần có những nguyên tắc để thiết lập đối với mục tiêu học tập của con như: Cùng con xây dựng mục tiêu, kết quả thành tích học tập cuối kỳ, cùng con xây dựng kế hoạch để thực hiện mục tiêu và đồng hành với con trong từng giai đoạn học tập. Bố mẹ sử dụng nguyên tắc về thời gian 44 giờ/tuần học tập và 45 phút nghỉ giải lao, 15 phút để giúp con luôn giữ được sự tập trung và không bị kiệt sức trong học tập.

Theo Thạc sĩ Lê Thế Hanh "Áp lực tạo kiên cường" là nguyên tắc được sử dụng nhiều trong việc giáo dục trẻ

Theo Thạc sĩ Lê Thế Hanh "Áp lực tạo kiên cường" là nguyên tắc được sử dụng nhiều trong việc giáo dục trẻ

Bố mẹ nên sắp xếp cho con các hoạt động trải nghiệm vào cuối tuần và những ngày nghỉ lễ để con vừa có thời gian học tập vừa có thời gian kết nối với mọi người và cuộc sống.

Ngoài việc điều chỉnh kỳ vọng vào con, cha mẹ cần dành thời gian nói chuyện với con ít nhất 30 phút mỗi ngày. Sắp xếp các hoạt động chung với các thành viên như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đi siêu thị cùng nhau, đi chơi trải nghiệm… Luôn dành cho con sự quan tâm cảm xúc đúng mức và cho phép con được trải nghiệm thứ mình thích cũng như cho con được phép mắc sai lầm vấp ngã. Cùng con rút ra những bài học cho sự phát triển cuộc sống dựa trên nguyên tắc: Lắng nghe - Thấu hiểu - Tôn trọng".

Theo Thạc sĩ Lê Thế Hanh, văn hóa của người Việt là văn hóa tập thể, văn hóa làng xã cho nên bố mẹ thường có áp lực nuôi con khôn, dạy con khéo từ môi trường xung quanh. Đặc biệt với những bố mẹ có nhiều thành tích và vị trí xã hội cao, họ luôn bị mọi người kỳ vọng là những đứa trẻ do họ dạy dỗ phải có được thành tích cao. Đôi khi bố mẹ đặt kỳ vọng thành tích cao lên con cái vì muốn nhận được hoặc nghe lời khen, tán thưởng từ mọi người xung quanh. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, không phải đứa trẻ nào cũng có đủ thể chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu của gia đình và xã hội.

An Khê - Ảnh: NV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tre-phan-ung-tieu-cuc-khi-ganh-ap-luc-tu-chinh-cha-me-20250401142938562.htm