'Trẻ sẽ thông minh hơn khi thường xuyên trò chuyện với cha mẹ'
Một nghiên cứu của các chuyên gia tại trường đại học Mỹ cho thấy bên cạnh việc khuyến khích đọc sách, trẻ được trò chuyện với cha mẹ thường xuyên sẽ thông minh hơn.
Năm 1995, nhà nhân chủng học người Mỹ Betty Hart và Todd R. Risley đã thực hiện cuộc khảo sát trong 2,5 năm đối với 42 gia đình thuộc nhiều thành phần kinh tế trong xã hội.
Kết quả sau 4 năm nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có thu nhập thấp nghe ít hơn 30 triệu từ so với những đứa trẻ trong gia đình thu nhập cao.
Cụ thể, trẻ em thuộc các gia đình được hưởng phúc lợi xã hội nghe 616 từ mỗi giờ, trẻ thuộc gia đình tầng lớp lao động nghe khoảng 1.251 từ mỗi giờ. Trong khi đó, con của những gia đình thu nhập cao, làm việc chuyên nghiệp nghe khoảng 2.152 từ mỗi giờ.
Chỉ số IQ của trẻ trong các gia đình bình thường là 79, trẻ thuộc gia đình giàu có là 117. Đến 10 tuổi, trẻ có vốn từ vựng lớn cũng biểu hiện tài năng tốt hơn.
Ngoài ra, hai nhà nghiên cứu phát hiện các gia đình thu nhập cao thường dành nhiều lời khen cho con cái. Trong khi đó, những đứa trẻ nghèo thường chịu đựng những lời tiêu cực từ cha mẹ, người thân, theo The Early Catastrophe.
Trò chuyện thúc đẩy trí thông minh tốt hơn đọc sách
Nghiên cứu năm 1995 đã mở ra cuộc cải cách giáo dục cho nhiều gia đình lúc bấy giờ. Nhiều người bắt đầu chú trọng việc trau dồi khả năng học tập, giao tiếp của trẻ.
Đến năm 2019, một bài báo nghiên cứu khoa học được đăng trên Psychological Science - tạp chí hàng đầu của Hiệp hội Khoa học Tâm lý Mỹ - xác nhận lại những nghiên cứu của 2 nhà khoa học thế kỷ trước.
Theo Aboluowang, đây là nghiên cứu của nhóm các giáo sư, nhà khoa học đến từ ĐH Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và ĐH Pennsylvania. Họ đã thực hiện nghiên cứu với hơn 30 trẻ em từ 4-6 tuổi ở thành phố Boston (Mỹ).
Sau quá trình quan sát hoạt động não và phân tích các đoạn ghi âm của trẻ, tương tác của cha mẹ, các nhà nghiên cứu phát hiện những trẻ nói chuyện với cha mẹ thường xuyên có vùng ngôn ngữ vận động phát triển mạnh mẽ hơn.
Đây là vùng não tập trung sản xuất lời nói và xử lý ngôn ngữ. Khi trẻ trò chuyện nhiều, vùng ngôn ngữ vận động sẽ hoạt động tích cực. Qua đó, những đứa trẻ được giao tiếp thường xuyên sẽ đạt điểm cao trong các bài kiểm tra về ngôn ngữ.
Ngoài ra, gia cảnh không hoàn toàn tác động đến kỹ năng ngôn ngữ của trẻ. Dù ở địa vị xã hội nào, đứa trẻ được giao tiếp thường xuyên sẽ có kỹ năng ngôn ngữ nổi bật hơn. Hoạt động của não không liên quan lượng từ trẻ nghe được, nó tương quan chặt chẽ với số lượng cuộc trò chuyện diễn ra hàng ngày.
Trẻ em học hỏi từ những người gần gũi thường ngày bằng cách quan sát và bắt chước. Ngoài việc học hỏi từ môi trường, trẻ sơ sinh học cách phát triển ngôn ngữ từ cha mẹ, trong đó có ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể.
Trò chuyện thúc đẩy mối quan hệ gia đình, đồng thời phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ. Khi được nói chuyện, trao đổi, trẻ có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng cùng một lúc như tư duy, phản biện, chia sẻ, lắng nghe.
"Trò chuyện tạo ra những thay đổi khác biệt. Điều này thường xảy ra ở gia đình có địa vị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, trẻ em thuộc các gia đình thu nhập thấp vẫn có thể hưởng lợi từ những cuộc trò chuyện với cha mẹ", nhà thần kinh học John Gabrieli, Trưởng nhóm nghiên cứu, nói với MIT News.
Những lưu ý khi trò chuyện cùng con
Trong cuốn tự truyện What do you care what other people think?, nhà Vật lý người Mỹ Richard Feynman đã đề cập tầm ảnh hưởng của cha đến cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Khi Feynman còn bé, cha thường trò chuyện với ông bằng nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, khi đọc về một con khủng long cao 7,6 m trong cuốn Bách khoa toàn thư Britannica, người cha sẽ dừng lại và "bật chế độ nói chuyện" với Feynman.
"Con trai, hãy nghĩ xem điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là nếu con khủng long đứng trước sân, nó có thể thò đầu qua cửa sổ và gặp rắc rối vì đầu quá to", cách dẫn dắt câu chuyện của người cha được hé lộ trong cuốn tự truyện của nhà Vật lý.
Nhờ những lần trao đổi với cha, trí tò mò và óc sáng tạo của Richard Feynman dần được khơi dậy. Điều này cũng đặt nền móng, giúp ông trở thành một nhà khoa học vĩ đại.
Để tương tác, trò chuyện với trẻ đúng cách, cha mẹ cần nắm rõ 3 nguyên tắc: Gợi ý, lắng nghe, chờ đợi.
Cụ thể, nhiều đứa trẻ thích đặt câu hỏi, cha mẹ có thể lắng nghe, sau đó đưa ra những gợi ý và chờ trẻ tự giải đáp thắc mắc của bản thân. Trong quá trình này, người lớn cần kiên nhẫn, không nên ngắt lời, dễ ảnh hưởng mạch tư duy của trẻ.
Bằng cách cung cấp những "manh mối", thắc mắc của trẻ sẽ dần được giải đáp. Những cuộc trò chuyện giống như một ván đấu tennis, cha mẹ cùng con cái tương tác qua lại, trẻ sẽ có thêm cơ hội mở rộng vốn từ, đồng thời phát triển kỹ năng tư duy và suy luận.
Trò chuyện cũng giúp nuôi dưỡng cảm xúc và kiểm soát cơn nổi giận của trẻ. Trẻ nhỏ có cách biểu đạt cảm xúc riêng và chưa biết cách kiềm chế bản thân khi xúc động.
Ví dụ, khi trẻ không chịu làm bài tập về nhà và khóc quấy, người lớn có thể ngồi xuống ngang tầm với con và nói: "Mẹ biết con vẫn muốn chơi, nhưng nếu con làm bài tập muộn, con sẽ không được ngủ đủ giấc. Điều này rất ảnh hưởng đến sức khỏe".
Bằng cách này, trẻ sẽ cảm thấy suy nghĩ và cảm xúc của chúng được người lớn thấu hiểu, cơn tức giận của trẻ sẽ dịu bớt. Khi đó, cha mẹ có thể cho con 5 phút để suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.
Trò chuyện là cách tốt nhất nâng cao trí thông minh và kỹ năng ngôn ngữ, đồng thời cải thiện chỉ số cảm xúc EQ của trẻ. Hay nói cách khác, lắng nghe và tôn trọng các cuộc trò chuyện với trẻ nhỏ mang lại hiệu quả vượt xa những khóa học đắt tiền.