Trẻ sơ sinh hưởng miễn dịch từ mẹ bị mắc COVID-19 hoặc đã tiêm phòng

Ảnh minh họa. Nguồn: iStock-South_agency

* COVID-19 có thể là nguyên nhân dẫn đến khởi phát bệnh tiểu đường

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Cuba chứng minh rằng trẻ sơ sinh có mẹ từng nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có kháng thể chống lại căn bệnh này.

Các chuyên gia tại Bệnh viện Đa khoa tiến sĩ Gustavo Aldereguía Lima (HGAL), Viện Vắc xin Finlay (IFV) và Viện Y học Nhiệt đới tiến sĩ Pedro Kourí (IPK) của Cuba đã cùng phát triển một nghiên cứu dựa trên phép đo các kháng thể ở trẻ sơ sinh có mẹ từng mắc COVID-19, sau đó là ở trẻ có mẹ đã tiêm phòng bệnh này.

Các kết quả sơ bộ cho thấy có sự chuyển giao kháng thể chống virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con.

Tiến sĩ chuyên khoa sơ sinh Arturo Pérez de Villamil, phụ trách nghiên cứu nói trên, cho biết các em bé sinh ra từ bà mẹ có tiền sử mắc COVID-19 hoặc đã có kháng thể thông qua tiêm chủng được hưởng miễn dịch thụ động và do đó được bảo vệ tốt hơn khỏi đại dịch.

Theo tiến sĩ Pérez de Villami, mặc dù nghiên cứu tương tự đã được một số cộng đồng khoa học trên thế giới thực hiện, công trình của các nhà khoa học Cuba đã xác định được mức độ tồn tại của kháng thể theo thời gian và một số điều kiện khác, cũng như sự hiện diện của kháng thể trong sữa mẹ.

Tiến sĩ Dagmar García Rivera, Giám đốc Nghiên cứu tại IFV, nhấn mạnh rằng mặc dù những mô tả tương tự về miễn dịch thụ động đã từng được đề cập trong một số tài liệu khoa học nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Cuba thử nghiệm và chứng minh những hiệu quả này thông qua nghiên cứu trên nhiều cặp mẹ-con tại tỉnh Cienfuegos. Tiến sĩ Rivera khuyến khích phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa COVID-19.

* Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh tiểu đường và các biến chứng của tiểu đường (JDC) cho thấy COVID-19 có thể là nguyên nhân chính dẫn đến khởi phát bệnh tiểu đường ở nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tình trạng này có thể chỉ là tạm thời.

Trong nghiên cứu do tiến sĩ Sara Cromer thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) dẫn đầu, các nhà khoa học đã khảo sát 1.902 bệnh nhân từng nhập viện vì COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9/2020 và phát hiện thấy có 594 trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Có 13% bệnh nhân trong số đó không có tiền sử bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu phát hiện những bệnh nhân COVID-19 mới mắc tiểu đường là những bệnh nhân có thời gian nằm viện điều trị COVID-19 lâu hơn và có nguy cơ phải điều trị tại các khu vực chăm sóc đặc biệt (ICU).

Nhóm nghiên cứu tin rằng tình trạng viêm do COVID-19 gây ra có thể là nguyên nhân chính làm khởi phát bệnh tiểu đường ở người bệnh. Tuy nhiên, tiến sĩ Cromer đề cập tới khả năng COVID-19 có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh tiểu đường mới được phát hiện ở một số bệnh nhân. Thay vào đó, những bệnh nhân này có thể bị tiểu đường trước khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã được phát hiện trong quá trình điều trị COVID-19.

Người đứng đầu nghiên cứu trên cho rằng phát hiện này đóng vai trò quan trọng vì những bệnh nhân bị tiểu đường khởi phát thường là những người có nguy cơ diễn tiến nặng hơn khi mắc COVID-19 và cần được chăm sóc tại các ICU nhiều hơn so với các bệnh nhân COVID-19 đã bị tiểu đường trước đó.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những bệnh nhân bị tiểu đường khởi phát chủ yếu là những người còn trẻ và những người ít được tiếp cận chăm sóc y tế như bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng tiết lộ rằng trong nhiều trường hợp, bệnh tiểu đường khởi phát ở những bệnh nhân mắc COVID-19 có thể chỉ là tình trạng tạm thời.

Theo thống kê, 40% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trong thời gian mắc COVID-19 đã có lượng đường máu ổn định trở lại như ban đầu khoảng 1 năm sau khi xuất viện.

Trong khi đó, công ty chuyên cung cấp dữ liệu và tin tức y tế HealthDay cho biết chỉ dưới 10 % số bệnh nhân này cần phải sử dụng insulin sau một năm.

Tiến sĩ Cromer cho rằng những bệnh nhân này có thể chỉ cần insulin hoặc các loại thuốc điều trị khác trong thời gian ngắn. Bà khuyến cáo các bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ để xem liệu hoặc khi nào tình trạng sức khỏe của họ được cải thiện.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không kiểm soát ổn định nồng độ insulin. Cơ quan trên cho biết cứ 5 người dân Mỹ thì có 1 người không nhận ra rằng mình đang bị tiểu đường và chưa được chẩn đoán.

Hiện, bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khoảng 37,3 triệu người trưởng thành ở Mỹ. Tình trạng bệnh lý này có thể là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như biến chứng đáy mắt, các bệnh tim mạch và suy thận.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271493/tre-so-sinh-huong-mien-dich-tu-me-bi-mac-covid-19-hoac-da-tiem-phong.html