Trẻ suy hô hấp vì cúm A, không nên chủ quan

Ngày 28/5, Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM cho biết, vừa áp dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể cứu sống một trường hợp viêm phổi do cúm A H1 pdm 2009, biến chứng suy hô hấp nặng.

Bệnh nhân tên N.H.N.A năm nay 3 tuổi, trong 3 ngày đầu trẻ bị sốt cao liên tục, ho, tiêu chảy 4-5 lần/ngày, không đàm máu. Ngày 4 đến ngày 6 trẻ nhập bệnh viện để điều trị. Kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy trẻ bị viêm phổi nặng do biến chứng từ cúm A.

Diễn tiến trẻ phức tạp, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng nặng sốt, viêm phổi bội nhiễm, bạch cầu tăng cao, suy hô hấp tiếp tục diễn tiến nặng, được đổi kháng sinh, điều chỉnh thông số ECMO, hỗ trợ chức năng các cơ quan.

Kết quả sau gần 3 tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai ECMO, sau đó cai được máy thở, tỉnh táo tiếp xúc tốt.

Theo BSCKI Hà Tố Như của Bệnh viện An Việt, cúm A là chủng cúm phổ biến bên cạnh cúm B. Cúm A thường bùng phát vào mùa đông xuân nhưng năm nay, vào mùa hè cũng ghi nhận rất nhiều bệnh nhân bị cúm A đặc biệt là trẻ nhỏ. Số bệnh nhân nhập viện vì cúm A cũng gia tăng.

BSCKI Hà Tố Như, Bệnh viện An Việt đang tư vấn cho bệnh nhân.

BSCKI Hà Tố Như, Bệnh viện An Việt đang tư vấn cho bệnh nhân.

Nhiều bệnh nhân nhập viện vì cúm A trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, cá biệt có trường hợp viêm phổi, suy hô hấp.

BSCKI Hà Tố Như cho biết cúm là bệnh cấp tính có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt bắn hay dịch tiết mũi họng khi hắt hơi, ho khạc. Cúm A có thể gây ra biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Trẻ mắc cúm thường có triệu chứng sốt cao liên tục trên 38,5- 39 độ C. Trẻ thường không đáp ứng với thuốc hạ sốt, ăn uống kém, mệt mỏi, có trường hợp có những biểu hiện co giật.

Thông thường, bệnh diễn tiến nhẹ và có thể khỏi bệnh trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp gặp phải các biến chứng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi và những người có các bệnh lý mãn tính, phụ nữ mang thai.

Trong điều trị cúm A, khi bệnh có những diễn tiến nặng cần nhập viện ngay để được điều trị. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên việc tiêm phòng vaccine cúm hàng năm là điều được khuyến cáo đặc biệt là với các đối tượng có nguy cơ cao.

Vì là bệnh lây qua đường hô hấp nên người dân, đặc biệt trẻ nhỏ cần có thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh mũi họng thường xuyên. Khi có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống Tiêm chủng Safpo/Potec, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, bệnh dễ gặp nhất ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu như trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc-xin cúm nên có nguy cơ nhiễm cúm rất cao.

Đối với những em bé sinh non (dưới 32 tuần tuổi) kèm theo những nguy cơ về sức khỏe có khả năng mắc cúm cao hơn và diễn biến nặng nề hơn.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm mùa.

Với những trẻ mắc bệnh lý nền như suyễn, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan, thận… thì nguy cơ mắc cúm và biến chứng đặc biệt cao, do đó trẻ em luôn là đối tượng được khuyến cáo tiêm vắc xin cúm đầy đủ và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

Người lớn >65 tuổi; những người có bệnh nền mãn tính như: tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch... là những đối tượng dễ mắc các biến chứng nặng khi mắc cúm.

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cũng là đối tượng cần đặc biệt chú ý, tránh mắc cúm bởi có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Theo đó, khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi, nội tiết tố thay đổi, hệ miễn dịch yếu hơn khiến cho sức đề kháng của họ suy giảm.

Điều này khiến cơ thể bà bầu nhạy cảm hơn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Tương tự, trải qua quá trình sinh nở, người phụ nữ bị suy giảm sức khỏe thể chất cũng như sức đề kháng, tạo điều kiện cho virus cúm dễ dàng tấn công.

Bệnh cúm có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường, do đó rất nhiều người chủ quan, xem nhẹ, không điều trị hoặc điều trị trễ khi bệnh chuyển nặng, có thể gây biến chứng nguy hiểm đường hô hấp như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không được điều trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ thì rất nguy hiểm. Đây là giai đoạn thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển nhiều bộ phận của cơ thể, do đó nếu người mẹ mắc cúm trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai hoặc thai lưu.

Biến chứng của bệnh cúm, nguy hiểm nhất là hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não), thường gặp nhất ở trẻ trong độ tuổi 2 - 16. Mặc dù đây là hội chứng rất hiếm gặp nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao.

Biến chứng này có thể xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng cúm có dấu hiệu giảm dần, trẻ đột nhiên nôn mửa, mê sảng, co giật, chuyển sang hôn mê sâu rồi tử vong.

Đặc biệt, cúm là bệnh do vi rút gây ra và có thể phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc-xin. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Canada đã chỉ ra rằng tiêm phòng vắc-xin cúm có thể giảm tới 50% nguy cơ đột quỵ, đau tim và tử vong do các bệnh lý liên quan tới tim mạch.

Tại Việt Nam, vắc-xin cúm mùa được chỉ định tiêm phòng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn. Đặc biệt, ưu tiên nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người >50 tuổi, có bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạn tính, bệnh thận, gan, rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn miễn), phụ nữ mang thai, nhân viên y tế.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả các loại vắc-xin cúm đã được chứng minh làm giảm khả năng mắc và tử vong do cúm. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm và virus cúm thường có tính đột biến cũng như thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm, do đó trẻ em, người lớn rất cần được tiêm vắc-xin cúm nhắc lại hằng năm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tre-suy-ho-hap-vi-cum-a-khong-nen-chu-quan-d216420.html