Tre thêm công dụng, người trồng tăng thu nhập

Vài năm trở lại đây, người dân ven sông Kỳ Lộ, Trà Bương (huyện Đồng Xuân) có thêm thu nhập từ cây tre. Cây tre là nguyên liệu làm ra nhiều sản phẩm, từ giường tre, salon và bộ ghế tre đến thúng, nong, nia, sàng... Gần đây, người dân miền biển còn dùng tre làm bè nuôi hải sản.

Tre làm bè nuôi tôm, hàu ở vùng biển TX Sông Cầu. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM

Tre làm bè nuôi tôm, hàu ở vùng biển TX Sông Cầu. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM

Dùng tre làm bè nuôi hải sản

Ông Phạm Văn Liên ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho hay: Tôi có gần 7 năm gắn bó với cây tre. Ban đầu, tôi bán tre cho các chủ xe tải chở đi tiêu thụ các nơi, sau đó chặt tre mướn kiếm tiền.

Theo ông Liên, hiện nay 1 cây tre bán đứng tại bụi là 20.000 đồng. Một bụi tre chặt trung bình 20 cây, bán được 400.000 đồng. Ở đây gần sông Trà Bương, có người trồng 20 bụi tre ven sông, bán bỏ túi 8 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải năm nào cũng có tre già chặt bán mà thường từ măng lên thành tre qua 2 năm, tre già mới bán. Ở miền quê, ngoài lúa, mía, sắn, nhiều gia đình có thêm thu nhập từ cây tre để trang trải cuộc sống.

Ông Phan Văn Sáu, một người thu mua tre để cung cấp cho vùng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu cho biết: Trước đây, tôi mua tre bán cho các cơ sở đóng giường, đan các vật dụng, làm đồ mỹ nghệ từ tre, đặc biệt là bộ salon. Thế nhưng có thời gian, các sản phẩm làm từ nhựa chiếm lĩnh thị trường, tre bán không ai mua. Lúc đó, người dân nông thôn trồng tre chỉ để lấy măng và để làm nhà. Nay tre lại khan hiếm vì thêm công dụng làm bè nuôi tôm, hàu. Mỗi tháng tôi cung cấp hàng ngàn cây tre cho người nuôi ở vùng biển TX Sông Cầu.

Nói về độ bền của cây tre “lặn” biển, ông Thái Văn Sáu ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cho biết: Tôi có người anh nuôi tôm ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Mấy năm trước, tôi xuống vùng biển làm bè nuôi tôm, hàu cho anh thì được biết, bè nuôi tôm, hàu thì ngoài những cây gỗ xung quanh làm khung, còn lại đều làm từ tre. “Cây tre nhẹ nên làm bè tre nuôi tôm, hàu dễ di chuyển tránh bão. Cây tre ngâm nước mặn rất bền, thường để trên bờ 3 năm là mục, để dưới nước mặn chịu được 4-5 năm. Hàng ngàn bè nuôi tôm, hàu trên vịnh Xuân Đài làm từ tre. Gần đây, người nuôi tôm, hàu muốn làm bè phải đặt hàng và chờ một thời gian mới có tre già.

“Mấy năm gần đây, người trồng tre tăng thu nhập từ bán cây, còn tôi thì có việc làm. Hằng ngày, tôi đi chặt tre mướn, mỗi ngày công kiếm được 300.000 đồng. Khâu chặt tre rất quan trọng, nếu không biết cách sẽ “giết chết” bụi tre”, ông Sáu nói.

Nông dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) chặt tre bán cho người nuôi tôm, hàu. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM

Nông dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) chặt tre bán cho người nuôi tôm, hàu. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM

Kỹ thuật "nuôi" tre

Ông Mạnh Văn Cường ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) có “tài sản” 100 bụi tre. Hàng tre của ông “rào” bờ sông Kỳ Lộ dài gần cây số. Tre xanh 3 đời, từ đời ông nội đến cha ông và thế hệ ông ra sức “nuôi” tre. Ông cho biết, trong quá trình “nuôi” tre, khi chặt tre phải đúng kỹ thuật, bẻ măng cũng có bí quyết.

Theo ông Cường, khi chặt tre bán hoặc đan các vật dụng thì chặt tỉa, chừa lại một số cây để khi măng mọc lên dựa vào thân tre già che chở măng lên thẳng. Nếu chặt triệt lứa tre già thì măng mọc lên gió sẽ quật gãy, cây tre bị cụt đọt làm bụi tre lùn xuống. Khi tre bị cụt đọt nếu để lâu năm (trên 10 năm) thân tre ngả màu vàng óng, dùng đan nong, thúng sẽ mau mục, không bền như cây tre nguyên đọt. Còn bí quyết bẻ măng là bẻ mụt măng từ dưới đất cao đến đầu gối người lớn, bẻ sát gốc. Măng cao đến ngang bụng thì không nên bẻ, vì nếu bẻ phần non ở trên (2 gang tay người lớn), còn chừa lại phía dưới gốc, tre tiếp tục ra lá, cây tre đó bị “tật nguyền”. Không những thế, bẻ măng riết như vậy sẽ hư bụi tre vì sau này cây tre không đủ sức ra măng. Còn nữa, để măng lên thẳng phải thường xuyên dùng rựa rong (chặt) dọn gai quanh bụi tre. Chặt tre và bẻ măng đúng cách giúp “nuôi” hàng trăm bụi tre xanh tươi bên bờ sông Kỳ Lộ, vừa kiếm tiền vừa phát triển hàng tre xanh.

Trước đây tôi mua tre bán cho các cơ sở đóng giường, đan các vật dụng, làm đồ mỹ nghệ từ tre, đặc biệt là bộ salon. Thế nhưng có thời gian, các sản phẩm làm từ nhựa chiếm lĩnh thị trường, tre bán không ai mua. Nay tre lại khan hiếm vì có thêm công dụng làm bè nuôi tôm, hàu. Mỗi tháng tôi cung cấp hàng ngàn cây tre cho người nuôi ở TX Sông Cầu.

Ông Phan Văn Sáu, một người thu mua tre để cung cấp cho vùng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu

“Hàng tre chống sạt lở bờ sông. Nhiều năm qua, đất sản xuất nông nghiệp cạnh bờ sông của gia đình tôi phía trong hàng tre không mất tấc nào. Trong khi đó phía bên kia sông, do không có tre nên sạt lở và cát bồi lấp hàng chục héc ta đất nông nghiệp”, ông Cường nói.

Phía dưới hàng tre của gia đình ông Cường là hàng tre gần 100 bụi của ông Mạnh Nhơn, cũng ở xã Xuân Quang 2. Nói về công dụng của cây tre, ông Nhơn chia sẻ: Vùng này cạnh sông Cái (sông Kỳ Lộ), mùa mưa bão, nước chảy từ trên núi đổ xuống sau hè bứng móng chuồng heo, làm lệch mái gãy đòn tay, tôi ra chặt cây tre lận vô thay thế ngay; hay như chuồng bò bị bão xô xiêu vẹo thì chặt tre đực “chống gậy” xung quanh chuồng bò. Cây tre khắc phục tình huống khẩn cấp, có chỗ cho bò, heo đứng. Hay như gió bão làm ngã đổ đường dây điện băng qua đường, thì chặt cây tre chống lên “cấp cứu” hệ thống điện trong nhà rồi sau đó đổ trụ thay thế. Nếu không có tre mà đi chặt cây khác thì mất một ngày mới có cây thay thế.

“Trước đây, ai cất nhà gần ruộng thì dùng gốc tre đóng xung quanh rồi đổ đất nền lên, nhờ đó đất không xệ xuống, giữ chặt móng nền nhà. Còn những đám đất gò gần họng suối, mùa mưa nước chảy trôi đất đá đổ vô ruộng, người ta cũng dùng gốc tre đóng chặt xuống đất dựng thành bờ tre ngăn đất đá từ suối tràn vô”, ông Nhơn nói.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202504/tre-them-cong-dung-nguoi-trong-tang-thu-nhap-6632007/