Trên 13 triệu người đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP
Tính đến thời điểm hiện tại, 12 nhóm chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đã hỗ trợ cho tổng cộng trên 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với khoảng 6.000 tỷ đồng.
12 nhóm chính sách đã hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Lê Văn Thanh cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) được ban hành, Bộ (LĐ-TBXH) đã tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt nội dung của chính sách hỗ trợ đến tất cả các địa phương trên toàn quốc. Kết quả đạt được sau hơn một tháng triển khai chính sách rất đáng ghi nhận khi 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23.
Theo ông Lê Văn Thanh, 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã được triển khai một cách nhanh chóng, đạt được kết quả khả quan. Tính đến thời điểm hiện tại, 12 nhóm chính sách đã hỗ trợ cho tổng cộng trên 13 triệu người với khoảng 6.000 tỷ đồng.
Cụ thể, với nhóm chính sách về bảo hiểm, đến nay, đã hỗ trợ cho khoảng 12 triệu người với khoảng 4.400 tỷ đồng. Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ: đã hỗ trợ được cho khoảng hơn 1 triệu người với khoảng 1.300 tỷ đồng. Nhóm chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đến nay đã cho vay trên 170 tỷ đồng.
Đại diện Bộ LĐ-TBXH đánh giá, trong 3 nhóm chính sách nêu trên, nhóm chính sách về bảo hiểm hiện đang đạt được tiến độ triển khai tốt nhất với sự thuận lợi trong hồ sơ thủ tục đề nghị cũng như ưu đãi về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (giảm từ mức đóng 0.5% xuống 0%).
Tuy nhiên, còn một vài chính sách hỗ trợ đang gặp khó khăn trong công tác triển khai, như chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ, hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ. Điểm mấu chốt của chính sách này là tập trung NLĐ lại để đào tạo, nhưng nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội cho nên tạm thời chưa tổ chức triển khai. Hiện nay, Bộ LĐ-TBXH đang đôn đốc các địa phương không phải giãn cách khẩn trương tổ chức thực hiện ngay chính sách hỗ trợ đào tạo NLĐ để các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua được những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Triển khai chính sách với những cách làm hay
Theo Bộ LĐ-TBXH, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Mặc dù vậy, nhiều địa phương đang trong tình trạng giãn cách nhưng vẫn triển khai chính sách rất tốt với những cách làm hay, mô hình tốt, điển hình là TP. Hồ Chí Minh.
Tuy là một địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội từ rất sớm và rất dài, nhưng TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành hỗ trợ cho NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác một cách kịp thời và nhanh chóng. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ trực tiếp đợt 2 cho đối tượng lao tự do và một số đối tượng đặc thù khác với tổng số tiền khoảng 800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng có sáng kiến hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ với mức hỗ trợ 700 nghìn đồng/người, tổng cộng đã hỗ trợ trên 210 tỷ đồng. Các địa phương khác như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Hòa Bình, Bình Định…cũng có nhiều mô hình hỗ trợ cho đối tượng NLĐ là phụ nữ mang thai, NLĐ đang nuôi con nhỏ.
Để tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Bộ LĐ-TBXH đang soạn thảo “Bộ Hỏi – đáp” về việc triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bộ Hỏi – đáp sẽ tập hợp tất cả những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Bộ câu hỏi này sẽ được phát hành trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. NLĐ, NSDLĐ và các địa phương có thể căn cứ vào đây để giải đáp, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tế.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ)