Trên 15 triệu ca mắc Covid-19 tại châu Âu

Theo thống kê, tính đến 6h00 ngày 21-11, toàn thế giới đã ghi nhận 57.867.560 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 1.376.499 ca tử vong.

Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) nộp hồ sơ lên FDA xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 trong ngày 20-11.

Châu Âu

Lục địa già vẫn là tâm dịch của thế giới trong tuần với 264.100 ca mắc mới. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm tại châu Âu giảm 7% nhờ các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm. Tính đến ngày 20-11, tổng số ca mắc tại châu Âu đã vượt mức 15 triệu ca. Trước đó, châu Âu đã ghi nhận 5 triệu ca mắc đầu tiên sau gần 9 tháng và thêm hơn 10 triệu ca mắc chỉ trong chưa đầy 2 tháng sau.

Xét theo khu vực, Đông Âu chiếm hơn 30% tổng số ca mắc và 24% tổng số ca không qua khỏi tại châu Âu. Tính theo số ca mắc trên đầu người, Séc, Ba Lan, Nga và Ukraine vẫn nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh tại Đông Âu.

Ngày 20-11, Nga đã ghi nhận thêm 24.318 ca nhiễm mới, trong đó có 6.902 ca tại thủ đô Mátxcơva, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.039.926 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại Nga. Cũng trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận thêm 461 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này lên 35.311 ca.

Cùng ngày, Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho biết nước này có thể đã vượt qua được đỉnh dịch của đợt lây nhiễm thứ hai tại đây, song cảnh báo chính phủ và người dân nên duy trì các biện pháp phòng dịch. Theo cơ quan trên, nhờ các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm, số ca mắc mới đã giảm 40%, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện giảm 13% và số ca mới cần điều trị tích cực giảm 9% trong tuần qua.

Trong khi đó, các cơ quan thú y và vệ sinh dịch tễ Ba Lan cho biết đã phát hiện 18 ca mắc Covid-19 trong số những lao động làm việc tại trang trại nuôi chồn, song cho rằng các lao động này không bị lây bệnh từ chồn.

Ngày 20-11, theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, chính phủ nước này có thể sẽ nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để cho phép các gia đình sum họp vào dịp Giáng sinh bởi hiện có những dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh ổn định nhờ các biện pháp phòng bệnh đang được áp dụng.

Trong bối cảnh làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 bùng phát, các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh cần thận trọng hơn trong việc dỡ bỏ các hạn chế.

Châu Á

Ấn Độ, tâm dịch tại châu Á đã ghi nhận số ca mắc vượt 9 triệu sau khi công bố thêm 45.882 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Như vậy, Ấn Độ là quốc gia thứ hai trên thế giới có số ca mắc Covid-19 vượt 9 triệu, sau Mỹ. Tuy nhiên, số ca mắc mới ở nước này đã có chiều hướng giảm sau khi lên mức đỉnh hồi tháng 9 vừa qua. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, số ca tử vong ở nước này đã tăng thêm 584 người, nâng tổng số ca tử vong lên 132.162 người.

Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh trong những tuần gần đây. Các nhân viên y tế lo ngại hệ thống y tế Nhật Bản có thể sớm rơi vào tình trạng quá tải, khi việc thiếu hụt giường bệnh trở nên thường xuyên hơn, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Ngày 20-11, giới chức Hàn Quốc cho biết đã có hơn 30 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 liên quan đến một trường luyện thi tại Noryangjin, Tây Nam thủ đô Seoul. Trong số ca nhiễm có cả sinh viên và nhân viên trường. Chính quyền đã yêu cầu 214 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân tự cách ly. Nhiều khả năng số ca nhiễm sẽ còn tăng do công tác xét nghiệm vẫn đang được tiến hành.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young cho biết Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác với Triều Tiên sau khi phát triển được vắc xin và thuốc chữa trị Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lee In-young cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập hệ thống ứng phó mà hai nước đã nhất trí vào năm 2018 nhằm ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm lây lan và tăng cường trao đổi thông tin.

Châu Mỹ

Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong tuần với trung bình 167.400 ca/ngày (tăng 26%) và ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong tuần qua với trung bình 1.400 ca/ngày.

Nỗ lực điều chế vắc xin phòng Covid-19 đạt một số tiến triển mới. Trong ngày 20-11, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) đã nộp hồ sơ lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), Mỹ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 do hai hãng này phối hợp phát triển và đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm. Hiện vắc xin ngừa Covid-19 của BioNTech/Pfizer và hãng dược phẩm Mỹ Moderna đang dẫn đầu trong cuộc đua vắc xin trên toàn cầu, sau khi các dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn trong tháng này cho thấy các loại vắc xin này có hiệu quả ngừa Covid-19 tới 95%.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Kim Phượng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/984167/tren-15-trieu-ca-mac-covid-19-tai-chau-au