Trên 250 cá nhân ở Hải Dương đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dạy thêm
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, sau khi Thông tư số 29/2024/TT- BGDĐT ban hành, đến nay toàn tỉnh có trên 250 cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dạy thêm.

Cá nhân đến đăng ký kinh doanh dạy thêm tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của TP Hải Dương
Đến ngày 19/2, tại TP Hải Dương có khoảng 60 cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh liên quan đến dạy thêm theo hình thức kinh doanh hộ cá thể, nhiều nhất tỉnh. Tiếp đến là huyện Tứ Kỳ 50 cá nhân, Nam Sách 30 người, Cẩm Giàng 25 người, TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn, mỗi nơi khoảng 20 cá nhân...
Theo quy định, với loại hình đăng ký kinh doanh hộ cá thể, những cá nhân này đều đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND cấp huyện để tìm hiểu, nộp hồ sơ đăng ký. Hồ sơ đăng ký kinh doanh cơ bản gồm: giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; căn cước công dân; có nơi cần thêm giấy tờ liên quan đến địa điểm dạy thêm. Sau 3 ngày làm việc sẽ có kết quả.
Tuy nhiên, nếu cá nhân đăng ký kinh doanh dạy thêm hộ cá thể chỉ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì chưa đủ điều kiện để chính thức đi vào hoạt động kinh doanh dạy thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các đơn vị liên quan như Phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương… có thể sẽ phối hợp thẩm định thêm như về cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy; con người, bằng cấp chuyên môn; kế hoạch chương trình giảng dạy…
Việc đăng ký kinh doanh này nhằm thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Theo đó, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện các yêu cầu: Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Giáo viên tự do hoặc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể tự đứng tên đăng ký kinh doanh để tổ chức lớp dạy thêm. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên thuộc các trường công lập không được đứng tên đăng ký kinh doanh dạy thêm.