Trên công trường đường dây 500kV mạch 3 - Bài 2: Trong gian khó, ló sáng tạo

Nếu không đến tận nơi, hẳn chẳng ai hình dung được những chiếc cột nặng hàng trăm tấn, cao hàng trăm mét lại có thể được những người thợ dựng lên một cách dễ dàng ở không ít địa hình phức tạp. Đó không chỉ là mồ hôi, công sức mà còn thể hiện tinh thần sáng tạo và tài năng của các lực lượng thi công trên công trường Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên).

Những bài toán khó

Công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối có nhiều đoạn phải đưa đường dây vượt sông lớn như: Sông Hồng, sông Mã, sông Ninh Cơ, sông Luộc... Nhiều vị trí móng xây dựng ở giữa đầm, ao, hồ-nơi có nền đất yếu. Bài toán đặt ra với đơn vị thi công là làm sao xử lý được nền đất yếu ở khu vực tổ chức thi công để triển khai lắp đặt, dựng được chiếc cột nặng hàng trăm tấn. Đơn cử như cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối, những vị trí cột vượt sông, có thiết kế móng cọc, chiều cao cột lớn, công tác thi công đặc biệt khó và phức tạp. Đoạn vượt sông Luộc (khoảng cột 214-215) độ cao cột lên tới 145m, khối lượng thép lên tới hơn 400 tấn/cột thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình.

Vị trí cột 119 thuộc tỉnh Nam Định, vị trí 120 thuộc tỉnh Thái Bình-đây là hai vị trí vượt sông Hồng. “Cột được dựng lên ở địa hình trũng thấp, nền đất yếu, nếu không xử lý tốt mặt bằng thì không những máy móc vào thi công gặp khó khăn mà các trụ cao cũng không thể bảo đảm yêu cầu chất lượng. Vì vậy, toàn bộ thiết kế của những vị trí móng này và nhiều vị trí móng khác là móng cọc, quá trình thi công cũng đòi hỏi nhiều thời gian hơn”, anh Lê Tâm Huy, chuyên viên Phòng Kỹ thuật, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết. Theo thông tin từ EVNNPT, Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối có 1.177 vị trí móng cột, trong đó có 240 vị trí được thiết kế móng cọc.

 Công nhân treo sứ tại vị trí cột 179A, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: TUẤN HUY

Công nhân treo sứ tại vị trí cột 179A, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: TUẤN HUY

Có nền trụ vững chãi, bài toán tiếp theo là dựng cột cao, trọng lượng lớn như thế nào để bảo đảm an toàn kỹ thuật, thuận lợi trong công tác quản lý vận hành. Để giải quyết bài toán này, công nghệ cột ống (DO) làm trụ điện lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Dự án đường dây 500kV mạch 3. Theo đó, trên toàn tuyến đường dây 500kV mạch 3 có 123 vị trí cột ống/1.177 vị trí cột. Thông tin về công nghệ cột ống, ông Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc cho biết, các cột ống thép tròn có đường kính lớn, không có các chân trèo như cột thép hình, gây khó cho công nhân khi trèo dựng cột. Các ống thép này cũng không có điểm đứng để thao tác lắp ghép các đoạn ống. Thêm vào đó, quá trình lắp, dựng cũng gặp khó khăn hơn do phải bảo đảm độ chính xác cao giữa các khớp nối và trọng lượng các thanh cái rất lớn. Khó khăn là vậy nhưng ưu điểm của cột ống là tiết kiệm vật liệu, chịu lực tốt hơn, diện tích làm móng ít hơn mà giá thành tương đương.

 Công nhân thi công dựng trụ điện áp dụng công nghệ cột ống (DO) tại xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: TUẤN HUY

Công nhân thi công dựng trụ điện áp dụng công nghệ cột ống (DO) tại xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: TUẤN HUY

Một sáng kiến làm lợi hàng chục tỷ đồng

Lúc đầu, việc lắp dựng cột ống được các đơn vị thi công dùng thang dây gửi sẵn vào đầu ống chính để người thi công có thể trèo lên và đứng thao tác lắp dựng. Trong quá trình lắp dựng như vậy, đội thi công nhận thấy quá trình trèo lên các đầu ống thanh cái sẽ mất nhiều thời gian. Khi đứng thang dây thao tác làm việc cũng không chắc chắn, ống chính to nên làm việc luôn trong tình trạng với, thao thác khó khăn và đứng trên thang dây, người thao tác cũng nhanh cảm thấy mệt hơn, có nguy cơ xảy ra mất an toàn.

 Những người "nhện" cheo leo giữa trời thi công tại vị trí cột 117, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ảnh: TUẤN HUY

Những người "nhện" cheo leo giữa trời thi công tại vị trí cột 117, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ảnh: TUẤN HUY

Việc thi công cột ống thép là thử thách lớn. Nhóm kỹ sư và công nhân Công ty Cổ phần Xây lắp và Dịch vụ sông Đà đã có sáng kiến gia công giá gắn vào các đầu đoạn ống chính để đứng thao tác vòng quanh lắp nối các đoạn ống chính lại với nhau. Nhờ đó, anh em công nhân thao tác trên cột thấy thoải mái hơn, có thể thao tác lắp bu lông được vòng quanh ống dễ dàng, bảo đảm an toàn lao động, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công.

Nói về các điểm làm lợi, ông Nguyễn Cao Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp và Dịch vụ sông Đà nhấn mạnh, điểm tối ưu là công tác an toàn lao động, tiếp đó là đẩy nhanh tiến độ thi công, tiết kiệm chi phí. Riêng tại vị trí cột 175 (cao 145m) ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc Dự án đường dây 500kV cung đoạn Quảng Trạch-Quỳnh Lưu, thời gian thi công rút ngắn 10 ngày, mỗi ngày thuê cẩu lắp dựng là 35 triệu đồng thì tiết kiệm được 350 triệu đồng.

Cùng với đó, chi phí nhân công lắp dựng là 800.000 đồng/ngày, với 20 nhân công triển khai lắp dựng trong thời gian 10 ngày là 160 triệu đồng. Sơ bộ chi phí làm lợi khi áp dụng giải pháp tại vị trí cột 175 là 510 triệu đồng. Nếu áp dụng toàn tuyến với 123 vị trí cột DO, giá trị làm lợi lên đến hàng chục tỷ đồng. Sáng kiến này đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen và được Công đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn EVNNPT khen thưởng. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An đã cho triển khai áp dụng sáng kiến đồng loạt trên toàn công trường xây dựng đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối. Đồng thời, được áp dụng cho tất cả dự án có sử dụng cột ống và hơn thế là sử dụng hiệu quả cho cả quá trình quản lý vận hành lâu dài công trình.

 Kéo dây qua sông Vạc ở xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: TUẤN HUY

Kéo dây qua sông Vạc ở xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: TUẤN HUY

Có cột cao vững chãi rồi, vậy làm sao để kéo dây điện qua sông, qua núi? Giải thích điều này, anh Đậu Phi Long, chuyên viên Phòng Kỹ thuật, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc cho biết, ban đầu, công nhân sẽ điều khiển phương tiện bay không người lái (UAV) mang theo sợi dây dẫn nhẹ từ điểm bên này sang điểm bên kia. Sợi dây mồi này sau đó được căng lên trụ rồi mới buộc vào cáp điện 500kV to như cổ tay người lớn để kéo lên. Toàn bộ sẽ được kéo nổi, băng qua từng cánh rừng, con đường, mặt sông hồ. Dưới mặt sông hay các đoạn cắt qua mặt đường, họ bố trí thêm giàn giáo, sà lan để đỡ dây nhằm bảo đảm cho các phương tiện vẫn lưu thông bình thường.

Cũng cần nhắc lại rằng, để đưa được khối lượng lớn thiết bị vào công trường thi công ở những vùng đồng chiêm, đất trũng, khu vực sình lầy là bài toán nan giải với các đơn vị thi công. Ghi nhận thực tế cho thấy, tại vị trí cột số 8, cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Thanh Hóa, sau những ngày mưa lớn, mặt bằng thi công bị nước bao phủ trắng xóa do mặt bằng móng chưa đắp bờ, người dân tháo nước về. Nhiều phương án tạo mặt bằng thi công được đưa ra, trong đó có ý kiến đề nghị đổ thêm đất. Tuy nhiên, phương án này quá tốn kém, mất thời gian thi công. Phát huy tinh thần sáng kiến, sáng tạo, Truyền tải điện Ninh Bình (Công ty Truyền tải điện 1, EVNNPT) đã dùng phương án thuê các phao và cọc tre kết thành bè, mảng để vận chuyển cột và tập kết vật tư, đồng thời tạo mặt bằng thi công. Phương án đơn giản này đã tạo hiệu quả. Theo tính toán của Truyền tải điện Ninh Bình, số tiền tiết kiệm được là hơn 100 triệu đồng, giảm được 10 ngày so với phương án đắp đất tạo mặt bằng để lắp dựng cột. Sáng kiến cũng đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen.

Từ những phát sinh trên thực tiễn, cán bộ, kỹ sư, người lao động trên toàn tuyến công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, nâng cao chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ về đích.

(Còn nữa)

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tren-cong-truong-duong-day-500kv-mach-3-bai-2-trong-gian-kho-lo-sang-tao-785503