Trên công trường đường dây 500kV mạch 3-Bài 3: Công trường là trường học lớn (Tiếp theo và hết)

Bắt đầu từ mùa hè 2023 với những bản vẽ, hướng tuyến được thể hiện trên giấy, thế mà đến giữa mùa hè 2024, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên) đã hiện lên sừng sững.

Kỳ tích này không chỉ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc mà còn tôi luyện một lớp cán bộ, kỹ sư, người lao động lành nghề, nhiệt huyết, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Hình thành một lực lượng lao động tinh nhuệ

Nhớ lại ngày đầu tiếp nhận nhiệm vụ dựng hai vị trí cột 169 và 171 (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), Dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối, anh Phạm Tất Đạt, Trưởng phòng Xây dựng Chi nhánh Công trình Viettel Thái Bình, Tổng công ty Cổ phần Công trình Viettel, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng nhóm 15 công nhân không giấu nổi sự hồi hộp khi chứng kiến những ống thép to lớn, những đai ốc, bu lông to bằng cái chày nằm la liệt dưới bãi đất.

 Thi công vị trí cột 136 tại Thanh Hóa cung đoạn Nam Định I-Thanh Hóa. Ảnh: TUẤN HUY

Thi công vị trí cột 136 tại Thanh Hóa cung đoạn Nam Định I-Thanh Hóa. Ảnh: TUẤN HUY

Dù đã quá quen thuộc với việc dựng cột viễn thông, song đây là lần đầu tiên họ dựng cột đường dây siêu cao áp 500kV. Nhưng với người Viettel, thử thách càng lớn, ý chí và quyết tâm càng cao. Anh Phạm Tất Đạt cho biết, do cột điện lực có trọng lượng lớn hơn rất nhiều so với cột viễn thông nên phương án thi công khác nhau. Để khắc phục khác biệt trên, những người lính Viettel tìm hiểu trực tuyến cách lắp cột điện lực trên internet, đồng thời sang công trường bên cạnh học hỏi cách lắp của đội xây lắp chuyên nghiệp.

Theo đó, thi công cột điện lực phải sử dụng hệ thống trụ neo treo giữa thân cột và neo về 4 hướng, sử dụng tời máy kết hợp với tời tay thủ công; trong khi lắp dựng cột viễn thông chỉ cần một trụ neo lắp thẳng vào thân cột và một tời máy (hoặc một tời tay thủ công thay thế). Sau những bước đầu bỡ ngỡ, đến nay, những người thợ Viettel đã thi công thuần thục trên công trường. Tại công trường vị trí cột 171 (cao 59m), họ chia làm nhiều tốp thợ.

Những người làm việc ở trên cao nhận nhiệm vụ ráp từng cấu kiện vào với nhau, có cấu kiện nặng cả tấn. Nhóm công nhân bên dưới có nhiệm vụ nghe thông tin bản vẽ thiết kế, phân loại từng thanh cấu kiện theo mã số của bản vẽ để đưa lên dây cẩu loại 25 tấn, 50 tấn để chuyển lên trên. Những công đoạn trước-sau, trên-dưới được kết hợp nhuần nhuyễn thông qua bộ đàm. “Trên công trường Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kỹ thuật mới. Từ bỡ ngỡ, đến nay, chúng tôi tự tin có thể triển khai được nhiều loại cột mà ngành điện đang triển khai trên mạng lưới điện”, anh Phạm Tất Đạt bày tỏ.

Anh Nguyễn Thanh Phong (Truyền tải điện miền Đông 2, Công ty Truyền tải điện 4) ra hỗ trợ thi công dựng cột đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Thanh Hóa; cung đoạn Quỳnh Lưu-Thanh Hóa từ ngày 16-5 tới nay. Công việc của anh là hỗ trợ lắp ráp, dựng trụ. Tham gia thi công dù rất vất vả, song với anh Phong, đây cũng là cơ hội tốt nhất để có thể rèn luyện bản lĩnh cũng như học hỏi được kinh nghiệm. Anh đã biết đọc bản vẽ thi công cột trụ, hiểu rõ hơn về kết cấu trụ, cách lắp đặt, xây dựng ra sao. Việc này rất có ích cho quản lý vận hành lưới truyền tải điện tại đơn vị, bảo đảm công tác vận hành được tốt hơn.

Hơn 35 năm gắn bó với ngành điện, tham gia nhiều công trình lớn-nhỏ, vinh dự được đóng góp sức lực ở công trình đường dây 500kV mạch 1, mạch 2 và nay trực tiếp điều hành Dự án đường dây 500kV mạch 3, nhưng với ông Trần Kim Vũ, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), công trình này có quá nhiều cảm xúc. Đây là lần đầu ông cảm nhận hết được sức nóng về tiến độ. Khối lượng công việc của dự án rất lớn với số lượng cột cao hơn, nặng hơn nhiều so với các dự án khác. Cùng với đó, đây là đường dây gồm hai mạch đường dây 500kV nên nếu nhân lên thì khối lượng tương đương hơn 1.000km đường dây, nhưng thời gian hoàn thành toàn bộ công trình là rất nhanh, chưa từng có tiền lệ. Cảm xúc hơn nữa, quá trình triển khai dự án có quá nhiều sự kiện bất ngờ, không thể dự đoán. Đó là diễn biến thất thường của thời tiết, là những ngày chạy ngược, chạy xuôi lo cung cấp đủ nguồn cung vật liệu...

Nhưng với ông Trần Kim Vũ, sau tất cả là niềm tự hào. Vì dù khó khăn thế nào thì cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện vẫn rất đoàn kết, tự tin, kiên định. Càng khó khăn, người ngành điện càng nỗ lực, sáng tạo. “Yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình đã tạo ra áp lực lớn cho toàn hệ thống nhưng đây cũng là môi trường không thể tốt hơn để đào tạo tay nghề cho người lao động. Xong công trình này, chúng tôi đã rèn luyện được một lực lượng cán bộ, kỹ sư, người lao động lành nghề, nhiệt huyết”, ông Trần Kim Vũ cho hay.

 Kỹ sư, người lao động Chi nhánh Công trình Viettel Thái Bình thi công vị trí cột 171 (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối. Ảnh: TUẤN HUY

Kỹ sư, người lao động Chi nhánh Công trình Viettel Thái Bình thi công vị trí cột 171 (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối. Ảnh: TUẤN HUY

Lời hẹn ước 30 năm thành hiện thực

Cho tới nay, thời gian còn lại của dự án chỉ còn tính bằng ngày, trên toàn tuyến công trường, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không quản ngày đêm, trực tiếp điều hành các công việc thi công trên công trường, chỉ đạo Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn và các nhà thầu triển khai thực hiện công việc theo các mốc tiến độ chi tiết đã được các bên thống nhất, phấn đấu trong tháng 7-2024 sẽ hoàn thành các thủ tục nghiệm thu, khánh thành toàn bộ công trình. Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An nhấn mạnh, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, đây là công trình của toàn dân chứ không phải chỉ riêng ngành điện. Để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công việc, đặc biệt, trong bối cảnh thời tiết bất thường như hiện nay, các đơn vị nhà thầu cần bố trí phương án thi công hợp lý, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ dựng cột, kéo dây.

Hoàn thành dựng cột vị trí 169 tại Thanh Hóa cung đoạn Quỳnh Lưu-Thanh Hóa. Ảnh: ĐẶNG THUẬN

Hoàn thành dựng cột vị trí 169 tại Thanh Hóa cung đoạn Quỳnh Lưu-Thanh Hóa. Ảnh: ĐẶNG THUẬN

Với tất cả vị trí, khi cột thép về đến công trường, cần phải có lực lượng triển khai dựng cột ngay. Trong quá trình thi công, nếu gặp khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, nhân lực, vật tư... cần báo cáo EVN ngay để kịp thời xử lý và điều động nhân lực, phương tiện hỗ trợ. Đối với những khó khăn vượt thẩm quyền, EVN sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời tháo gỡ. “Trên tất cả là tinh thần trách nhiệm, cùng nhau nỗ lực, hợp sức với quyết tâm cao nhất đưa dự án về đích đúng tiến độ, vì lợi ích chung của đất nước”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

30 năm trước, EVN đã đóng điện vận hành công trình đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1-đây là một kỳ tích của Việt Nam trong những năm 90 của thế kỷ 20. Kỳ tích này sẽ được tiếp nối khi trên công trường với gần 15.000 người lao động "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", chẳng ngại gian khó, nhọc nhằn để Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối đóng điện vận hành vào cuối tháng 7 này.

Sau hai ngày (22 và 23-6) trực tiếp đi kiểm tra trên công trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương và cảm ơn đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân các đơn vị của ngành điện trên khắp mọi miền đất nước đã về hỗ trợ triển khai dự án, lao động hăng say, quên mình trong thời tiết khắc nghiệt của miền Trung; cảm ơn nhân dân đã nhường đất cho dự án; các đoàn thể như hội phụ nữ, cựu chiến binh, đặc biệt là đoàn thanh niên đã tiếp sức cho các lực lượng thi công và hỗ trợ công tác hậu cần cho dự án, giúp giải tỏa hành lang tuyến, vận chuyển vật liệu và nhiều phần việc thiết thực khác...

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tren-cong-truong-duong-day-500kv-mach-3-bai-3-cong-truong-la-truong-hoc-lon-tiep-theo-va-het-785664